Nhiều bệnh nhân cúm A nhập viện trong tình trạng nguy kịch

Gần đây, số bệnh nhân nhập viện mắc cúm A tăng cao. Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ, không đi khám sớm. Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị khó khăn.

Gia tăng bệnh nhân mắc cúm

Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đang điều trị cho 8 bệnh nhân mắc cúm. Một trong số 8 bệnh nhân đang phải đặt ECMO.

Trong đó, bệnh nhân L.V.T., (58 tuổi ở Sơn Dương, Tuyên Quang) có tiền sử tăng huyết áp nhẹ nhưng không duy trì việc dùng thuốc đều đặn. Trước đó, ông T. xuất hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, tự điều trị tại nhà 1 tuần nhưng tình trạng không cải thiện. Ông nhập viện tại cơ sở y tế, xét nghiệm dương tính cúm A.

Tuy nhiên, tình trạng khó thở ngày càng trầm trọng, dẫn đến suy hô hấp nặng và phải tiến hành đặt ống nội khí quản. Sau 4 ngày điều trị, ông T. cắt sốt. Tuy nhiên, gần đây, bệnh nhân tái phát sốt cao 39 độ, phát hiện vi khuẩn khiến tình trạng bệnh diễn tiến nhanh chóng, sốc nhiễm trùng.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư khám cho bệnh nhân mắc cúm A.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư khám cho bệnh nhân mắc cúm A.

Ông T. được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư với tình trạng sốc nhiễm khuẩn, phải thở máy. Phổi tổn thương lan tỏa gần như toàn bộ 2 bên, dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng và ứ đọng CO2 nghiêm trọng.

Chụp phim phổi cho thấy, tổn thương lan rộng khoảng 80-90%, gần như mất hoàn toàn chức năng thông khí; chỉ số CO2 trong máu tăng rất cao.

Tình trạng suy hô hấp không cải thiện, ông T. được chỉ định đặt ECMO (hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể). Sau khi đặt ECMO, các chỉ số sinh tồn tạm thời ổn định nhưng tình trạng sốc, nhiễm trùng nặng vẫn cần theo dõi chặt chẽ.

Tương tự, bệnh nhân V.V.U., 62 tuổi ở Đông Triều, Quảng Ninh có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) trong 7 năm, tuy nhiên, việc kiểm soát bệnh lý không được tốt.

Trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân sốt, ho, khó thở tăng dần, được đưa vào điều trị tại cơ sở y tế 2 ngày, nhưng tình trạng suy hô hấp tiến triển nặng hơn, buộc phải đặt ống nội khí quản. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư sau khi có kết quả dương tính với cúm A. Sau 2 tuần điều trị, tiên lượng bệnh nhân vẫn rất nặng, hiện vẫn phải duy trì đặt ống nội khí quản và ăn qua sonde dạ dày.

Bác sĩ Võ Đức Linh - Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư thông tin, cúm A ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những bệnh nhân có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính.

Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan.

Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan.

Do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi, những bệnh nhân đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh. Như tình trạng suy hô hấp của bệnh nhân U. tăng rất nhanh chỉ trong 2-3 ngày, khiến bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản.

Biến chứng khôn lường

Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cảnh báo, những người có bệnh nền, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi nhiễm cúm. Bệnh cúm có thể trở nên nguy hiểm, dẫn đến tổn thương phổi lan tỏa, bội nhiễm vi khuẩn, viêm cơ tim, suy đang tạng và thậm chí tử vong.

“Nhiều người có tâm lý chủ quan khi mắc cúm, cho rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch suy giảm, cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, làm tổn thương cơ thể ở mức độ nghiêm trọng.

Khi bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân mới nhập viện thì đã ở trong tình trạng suy đa cơ quan, tiên lượng điều trị khó khăn. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng” - bác sĩ Phúc khuyến cáo.
Đồng quan điểm, TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, cúm phần lớn diễn biến nhẹ và người bệnh có thể tự hồi phục trong khoảng 2-7 ngày.

Cúm A (cúm mùa) thường xuyên thay đổi tạo nên nhiều biến chủng mới

Cúm A (cúm mùa) thường xuyên thay đổi tạo nên nhiều biến chủng mới

Tuy nhiên, ở một số trường hợp đặc biệt như người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh mạn tính,… cúm có thể trở nên nguy hiểm và gây ra các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong. Cúm có 3 loại khác nhau ảnh hưởng tới người: cúm A, B và C. Trong đó, cúm A (cúm mùa) thường xuyên thay đổi tạo nên nhiều biến chủng mới; được biết đến như là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm có khả năng lây nhiễm cao.

Do đó, các chuyên gia y tế lưu ý, khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời, nhất là khi triệu chứng nặng (sốt quá cao trên 39 độ C, xung quanh có người bị sốt, đau mỏi người quá mức, vật vã kích thích, không ăn uống được, trẻ có thể sốt li bì, ngủ gà...).

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, trước việc không ít người dân khi mắc cúm đã tự ý mua thuốc Tamiflu về uống, thuốc này thường được chỉ định với các trường hợp mắc cúm nặng. Các trường hợp có nguy cơ cao và bệnh nhân không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ. Việc người dân tự mua thuốc Tamiflu về uống khi mắc cúm là không cần thiết và dễ gây hiện tượng kháng thuốc.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin, hệ thống giám sát dựa vào sự kiện tại Việt Nam ghi nhận các thông tin về đợt bùng phát dịch cúm mùa tại Nhật Bản. Theo đó, dữ liệu công bố ngày 31/1/2025 của Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản cho thấy, từ ngày 2/9/2024 đến 26/1/2025, tại Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu trường hợp mắc cúm mùa.

Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phù hợp, kịp thời.

Đồng thời, ngành y tế cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng, nhưng không chủ quan, lơ là trước các diễn biến của tình hình dịch bệnh. Nhất là trong thời điểm hiện tại với thời tiết thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan. Ngoài ra, ngành cung cấp các khuyến cáo, thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-benh-nhan-cum-a-nhap-vien-trong-tinh-trang-nguy-kich.html