Nhiều biện pháp được triển khai vẫn chưa phá sự 'ì ạch' của tăng trưởng tín dụng
Lãi suất giảm, thị trường bất động sản được 'khơi thông', bơm thanh khoản cho các ngân hàng... là những chính sách đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn, song cầu tín dụng vẫn yếu dẫn tới tăng trưởng tín dụng thấp.
Phát biểu tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN, được tổ chức chiều ngày 25/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này chỉ bằng 1/3 năm ngoái, dù ngân hàng không thiếu tiền và không thiếu room tín dụng.
Có ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm
Tính đến ngày 20/4, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 2,57% so với cuối năm 2022.
Mức tăng trưởng trên cao hơn giai đoạn dịch bệnh nhưng theo Phó Thống đốc NHNN, chỉ bằng khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái (6,42%). Trong đó, hầu hết các ngân hàng tăng trưởng tín dụng còn thấp, nhiều ngân hàng chỉ tăng trên dưới 1%; thậm chí có ngân hàng tăng trưởng âm.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện rất dồi dào, không có lý do gì để nói tín dụng tăng trưởng thấp vì thiếu vốn, thiếu room tín dụng.
Theo lãnh đạo Agribank, nguyên nhân khiến cho tăng trưởng tín dụng thấp là do sự hấp thụ của nền kinh tế, không phải vướng mắc từ cơ chế chính sách.
"Tại Agribank, tín dụng chỉ tăng ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, còn ở các khu vực khác, tăng trưởng tín dụng ở mức rất thấp, thậm chí còn tăng trưởng âm", đại diện Agribank nói.
Chia sẻ thêm, ông Tú cho hay, sau vụ việc người dân rút tiền hàng loạt tại một số ngân hàng đã khiến các ngân hàng thương mại khác phải xem xét điều chỉnh lại quản lý dòng tiền, đảm bảo thanh khoản tốt hơn, đồng thời xem xét lại hoạt động cấp tín dụng để đảm bảo an toàn hoạt động cho chính ngân hàng và hệ thống. Tuy nhiên, việc này cũng khiến các khoản cho vay có xu hướng chặt chẽ hơn dẫn đến làm giảm tăng trưởng tín dụng.
Một nguyên nhân nữa cũng được lãnh đạo một ngân hàng tư nhân nêu ra: khác với năm 2022, nhu cầu tín dụng năm nay dự báo khó khăn, ngoài đơn hàng sản xuất sụt giảm, thị trường bất động sản đóng băng là một phần nguyên nhân.
Lãi suất cho vay mới đã giảm 0,6% so với với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.
Những năm gần đây, tín dụng cho bất động sản luôn cao hơn trung bình. Dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối năm trước đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng hơn 24% và là một trong những lĩnh vực được giải ngân với mức tăng cao nhất. Tuy nhiên năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng vào kênh này khả năng chậm lại. Việc mở rộng cho vay cũng không dễ trong bối cảnh các tài sản có pháp lý của nhóm bất động sản hầu hết đã được sử dụng cho các khoản vay cũ.
Ngân hàng sẽ cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng bất động sản
Đứng trước khó khăn này, lãnh đạo NHNN cho biết, thời gian qua, NHNN đã tạo điều kiện rất tích cực hỗ trợ gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. "NHNN đã sử dụng tất cả những công cụ chính sách có thể được để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân", Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khó khăn của thị trường bất động sản không phải do tài chính, chủ yếu liên quan đến các vấn đề pháp lý dự án, từ đó dẫn tới tín dụng ngành bất động sản tăng chậm hơn nhiều so với các năm trước và ảnh hưởng tới tăng trưởng chung.
“Mặc dù đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy vốn ra thị trường, song các chuyên gia và ngân hàng đều dự báo, tín dụng năm 2023 không tăng trưởng nóng vì doanh nghiệp khó khăn, còn bất động sản - lĩnh vực hút nhiều vốn nhất - vẫn chưa thoát đáy”, một chuyên gia cho hay.
Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh quý II do NHNN thực hiện, dự báo dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 4% trong quý II/2023 và tăng 13,1% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước.
Chứng khoán VNDirect, trong báo cáo mới đây, cũng dự báo tăng trưởng cho vay sẽ chậm lại, khoảng 12%, do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao.
Với riêng lĩnh vực bất động sản, lãnh đạo NHNN cho biết thực hiện nhiệm vụ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, NHNN đã xây dựng kế hoạch và giao các đơn vị trực thuộc triển khai.
Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản. Kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng, cho vay chéo..., cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
Đặc biệt, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn, nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp "nội bộ" có nguy cơ rủi ro lớn.
Các ngân hàng đồng thuận tiếp tục giảm lãi suất
Ngày 25/4, Thủ tướng đã họp với NHNN và các ngân hàng thương mại nhà nước, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Theo đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã đồng thuận cao về chủ trương của NHNN giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. “Trong thời gian tới, định hướng NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống để góp phần giúp các ngân hàng hạ mặt bằng lãi suất”, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết.