Nhiều bộ ngành tiếp tục được yêu cầu gỡ khó cho Bamboo Airways
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về xử lý kiến nghị của Công ty Cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Trước đó, vào ngày 12/12, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về xử lý kiến nghị của Bamboo Airways với sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ ngành và các đơn vị liên quan.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá Bamboo Airways là doanh nghiệp mới thành lập nhưng đã tạo dựng được thương hiệu, chất lượng dịch vụ tốt, có được thiện cảm của khách hàng. Tuy nhiên, hãng này đang gặp khó khăn, hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, nợ khách hàng, nợ ngân sách nhà nước.
Để tháo gỡ các khó khăn này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xem xét, xử lý các kiến nghị của Bamboo Airways. Tuy nhiên, các ý kiến tại cuộc họp cho thấy vẫn còn những vấn đề cần xem xét, xử lý.
Do đó thông báo kết luận nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, giao Bamboo Airways chủ động rà soát, xây dựng phương án cơ cấu lại phù hợp thực tế, đưa công ty vượt qua khó khăn, hoạt động hiệu quả.
Các bộ ngành liên quan gồm: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, khẩn trương, chủ động xử lý các kiến nghị của Bamboo Airways, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả xử lý trước ngày 31/12/2023 theo đúng chỉ đạo trước đó. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và các Ngân hàng TMCP: Hàng hải, Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Phương Đông, Liên doanh Việt Nga, Quốc Dân theo thẩm quyền xem xét việc hỗ trợ, quan tâm, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ, đồng hành để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Trước đó, vào tháng 8/2023, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn gửi các bộ ngành liên quan truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xử lý kiến nghị của Bamboo Airways.
Tại công văn này, về vấn đề chuyển nhượng cổ phần, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước làm việc với Bamboo Airways để tháo gỡ khó khăn về vấn đề vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển nhượng cổ phần cho nhóm nhà đầu tư mới kéo dài do phải phối hợp giải quyết với nhiều bên liên quan (nhà đầu tư cũ, ngân hàng, các cơ quan nhà nước liên quan…).
Hiện Ngân hàng Sacombank (mã cổ phiếu STB) đang có có chủ trương tham gia đầu tư vào Bamboo Airways và ngân hàng này đang xúc tiến các thủ tục xin cơ quan quản lý chấp thuận. Ngân hàng Sacombank hiện là chủ nợ lớn nhất của Bamboo Airways với dư nợ hiện là 3.000 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng mức tín dụng của ngân hàng này.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường của Bamboo Airways hồi giữa tháng 9/2023, ông Phan Đình Tuệ - thành viên HĐQT Bamboo Airways chia sẻ, với vai trò là tổ chức tín dụng tham gia tài trợ lớn vào Bamboo Airways, Ngân hàng Sacombank thực sự quan tâm và kỳ vọng vào sự phát triển của Bamboo Airways.
Được biết, trước khi gia nhập HĐQT Bamboo Airways, ông Phan Đình Tuệ từng làm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank từ năm 2012 và hiện vẫn giữ vai trò thành viên HĐQT Ngân hàng Sacombank nhiệm kỳ 2022 - 2026.
Do Ngân hàng Sacombank là một tổ chức tín dụng nên việc đầu tư vào Bamboo Airways được coi là đầu tư ngoài ngành. Vì vậy, ngân hàng này đang phải xúc tiến các thủ tục, xin cơ quan quản lý chấp thuận mới có thể thực hiện được.