Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng Ích
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ gia tăng giá trị cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm gần đây, xã Đồng Ích (Lập Thạch) đã quan tâm chỉ đạo dồn thửa đổi ruộng, hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Xã Đồng Ích có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 1.224 ha, trong đó có 800 ha đất nông nghiệp với dân số gần 13.500 người ở 7 thôn.
Trước năm 2020, toàn xã có hơn 40 nghìn mảnh ruộng, vì vậy, sản xuất chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, khó áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào hoạt động sản xuất.
Trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã Đồng Ích nhận thấy sản xuất nông nghiệp tại địa phương chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế đất đai, hiệu quả kinh tế còn thấp; sản phẩm nông nghiệp chưa có sức cạnh tranh; chưa phát huy tốt nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp để tạo ra giá trị hàng hóa cao. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như đổi mới phương thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, dẫn đến năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm gia tăng thấp.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh và huyện, Đảng bộ xã Đồng Ích đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đề án thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hình thức sản xuất tập trung hàng hóa và nâng cao giá trị theo từng giai đoạn.

Nông dân xã Đồng Ích (Lập Thạch) ứng dụng máy bay không người lái gieo sạ lúa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Lượng
Để nghị quyết và các kế hoạch, đề án phát triển nông nghiệp đi vào đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế cao, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân dồn thửa đổi ruộng, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; đồng thời hỗ trợ giống, kỹ thuật, dự thính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh.
Tổng diện tích dồn thửa đổi ruộng ở 4 thôn Hoàng Chung, Đại Lữ, Tân Lập, Xuân Đán hơn 354 ha, vượt kế hoạch hơn 50 ha. Nhờ đó, trên địa bàn xã đã hình thành hàng chục mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế cao, như mô hình cấy lúa thảo dược quy mô 30 ha, trồng chuối tiêu hồng quy mô 4 ha tại thôn Hoàng Chung; mô hình trồng nấm của hộ anh Nguyễn Văn Quyết, thôn Đại Lữ; trồng măng tây của hộ bà Nguyễn Thị Loan, thôn Đại Lữ...
Bên cạnh đó, xã phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm triển khai thí điểm mô hình trồng lúa DT39 Quế Lâm tại khu Đồng Chiêm, thôn Hoàng Chung quy mô 15 ha. Đến nay, sản phẩm lúa thảo dược của xã đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, được thị trường ưa chuộng; sản phẩm nấm rơm và măng tây cũng được cung cấp ra thị trường.
Nhờ đó, năng suất lúa trong 5 năm gần đây đạt từ 56 - 58 tạ/ha. Năm 2024, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 nhưng tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt 1.467/1.685 ha, đạt 87% so với kế hoạch đề ra (tăng 186 ha so với cùng kỳ năm 2023). Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt hơn 6.412 tấn, vượt mục tiêu Đại hội (5.000 - 5.200 tấn), đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
Song song với phát triển cây trồng, xã coi trọng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng đa dạng gồm chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, nuôi dê thịt, bò thịt, rắn, ốc nhồi... theo mô hình chăn nuôi bán công nghiệp khép kín gắn với an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm 2024, tổng đàn trâu, bò toàn xã có 979 con; đàn lợn có hơn 16.900 con; đàn gia cầm có 59.650 con; rắn có 6.100 con; sản lượng cá ước đạt 40 tấn. Tổng đàn gia súc, gia cầm giảm, nhưng giá trị đàn lợn, rắn thương phẩm tăng, do vậy tổng thu nhập giá trị vẫn đạt so với cùng kỳ. Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã chiếm 11,9% tổng giá trị.
Quyết tâm không để bỏ trống đất đồi rừng, hơn nữa để phát huy thế mạnh kinh tế đồi rừng, Đảng ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân phát huy tiềm năng đất đai, lao động, phát triển kinh tế đồi rừng. Tích cực duy trì chăm sóc, bảo vệ 97,22 ha đất vườn, đất đồi, đất rừng sản xuất, không để xảy ra hiện tượng cháy rừng trên địa bàn. Phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, gắn với chăn nuôi, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng và chăn nuôi, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã năm 2024 đạt 6,32%. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 20,92% cơ cấu kinh tế, tăng 8,39% so với năm 2023, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất của toàn xã đạt 981,21 tỷ đồng (tăng 58,29 tỷ đồng), thu nhập bình quân đầu người đạt 72,9 triệu đồng/người/năm, tăng 4,3 trệu đồng/người/năm so với năm 2023.
Bí thư Đảng ủy xã Đồng Ích Trần Văn Dương cho biết: Phát huy thế mạnh đất đai, điều kiện tư nhiên gần sông Phó Đáy, xã tập trung chỉ đạo hoàn thành dồn thửa đổi ruộng, phát triển cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung hàng hóa, tạo điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Việc chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp của xã những năm qua thực hiện theo hướng ổn định diện tích, phát triển mạnh trồng trọt và chăn nuôi gắn với an toàn dịch bệnh; tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp đem lại năng suất, giá trị gia tăng cao.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp ở Đồng Ích còn đang ở giai đoạn mới bắt đầu hình thành nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Cái được lớn hơn chính là thông qua các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất hiệu quả đã tác động tích cực vào tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân, đó là sản xuất tập trung hàng hóa theo phương thức sản xuất nông nghiệp xanh, sạch và an toàn thực phẩm theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang hình thành tại địa phương là chi phí tích tụ, cải tạo đất đai, cây giống và nhà màng lớn. Vì vậy, người dân rất cần sự quan tâm giúp đỡ của cơ quan chức năng để dồn thửa đổi ruộng, hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nông nghiệp an toàn, hiệu quả trên phạm vi toàn xã.