Nhiều cánh rừng được hồi sinh trong cuộc 'cách mạng' trồng rừng kiểu mới
Mưa lũ lịch sử đi qua để lại bài học về tầm quan trọng của rừng. Thời gian qua, hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã tích cực trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc với khát vọng gửi mầm xanh vào tương lai Việt trong cuộc 'cách mạng' trồng rừng kiểu mới.
Cuộc "cách mạng" trong trồng rừng
Bão lũ lịch sử năm qua đã đặt ra nhiều vấn đề về công tác trồng mới, bảo vệ rừng đối với nhiều địa bàn trên khắp cả nước. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam cần phải có một cuộc "cách mạng" về tư duy trồng rừng. Thay vì trồng các loại cây gỗ tạp ngắn ngày, hiệu quả kinh tế thấp, những năm gần đây nhiều địa phương đã phát động chủ trương trồng các cây gỗ lâu năm, cây bản địa nhằm phát huy hiệu quả sinh thái thực sự của rừng.
Trong phiên họp ngày 10/11 vừa qua, trả lời chất vấn Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến vai trò của việc trồng rừng: "Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tôi đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và chúng ta cần tiếp tục nhất quán với quan điểm đó. Độ che phủ rừng hiện nay của chúng ta đã tăng trở lại, song so với nhiều nước thì vẫn còn thấp. Do đó, chúng ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho Tết Trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Bác Hồ. Hướng đến lời dạy đó, tôi đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có các khu đô thị".
Tại nhiều địa phương của miền Trung, nơi thường xuyên xảy ra bão lũ lớn như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình công tác trồng rừng đang được chú trọng chặt chẽ. Đặc biệt, các địa phương không chỉ chú trọng vào số lượng mà còn quan tâm đến chất lượng. Trong năm 2020, toàn tỉnh Quảng Bình đã trồng được đến 4.000ha rừng cây gỗ lớn. Trước chủ trương của tỉnh, nhiều hộ dân tại Quảng Bình cũng đã chủ động chuyển đổi hình thức trồng rừng sang các cây gỗ lớn, cây lâu năm như cây lim, cây trầm gió, cây sưa, cây vàng tim cùng nhiều lại cây gỗ lâu năm khác.
Không chỉ có Quảng Bình mà tại Nghệ An, cuộc "cách mạng" trồng rừng cũng đang có những bước tiến rõ rệt khi trong 4 năm (2016-2020) có đến 9.000ha rừng gỗ cây bản địa được trồng mới. Để phát huy tinh thần của người dân, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã hỗ trợ 50% giá giống cho các loại cây như lim xanh, lát hoa, trám cho các hộ dân trồng rừng trên đất lâm nghiệp được giao, hoặc cho thuê trong quy hoạch vùng sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn được phê duyệt. Dự kiến, đến năm 2025, toàn tỉnh Nghệ An sẽ có 148.000ha cây gỗ lớn.
Chung tay để rừng được hồi sinh
Trong cuộc hồi sinh của rừng, không chỉ có sự nỗ lực của người dân mà còn có sự chung tay của nhiều doanh nghiệp, tổ chức có tiềm lực. Tại nhiều công ty, doanh nghiệp thay vì các hình thức quyên góp đến cộng đồng theo truyền thống đã chuyến sang trồng cây gây rừng.
Đây thực sự là một trong những giải pháp thiết thực để khắc phục "điểm nghẽn" trong cách trồng rừng kiểu mới. Việc hỗ trợ cây giống ban đầu đã giúp người dân phần nào giảm bớt gánh nặng về chi phí. Nhiều quỹ cây xanh đã được các doanh nghiệp sáng lập với ý nghĩa nhân văn sâu sắc như quỹ "Một triệu cây xanh" của tập đoàn Vinamilk khởi xướng tại nhiều địa phương trong cả nước với các giống keo lâu năm và cây gỗ lát hoa vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa hồi sinh giá trị sinh thái của rừng.
Từ sự quyên góp của hơn 1.000 cán bộ, công nhân viên trên địa bàn khắp cả nước, Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế khởi động chiến dịch "Hành trình Việt Nam xanh", thực hiện trồng 2.500 cây gỗ bản địa đầu tiên trên 05 ha đất tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là khu bảo tồn với những khu rừng có giá trị đa dạng sinh học cao, nằm trong vùng sinh thái trung Trường Sơn, được các nhà khoa học bảo tồn thế giới bình chọn là 1 trong 200 vùng sinh thái quan trọng đặc biệt của toàn cầu với nhiều khu hệ động, thực vật quý hiếm, đặc hữu.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về hướng đi mới trong các hoạt động hướng đến cộng đồng, bà Thân Hiền Anh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ cho biết: "Trồng cây bản địa nhằm khôi phục những giá trị về sinh thái của rừng thực sự là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Chúng tôi chọn Khu BTTN Phong Điền với mong muốn chung tay đóng góp, bảo vệ cuộc sống bình an của người dân trước thiên tai lũ lụt; gieo mầm xanh cho cuộc sống. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này đến nhiều địa phương trên khắp cả nước đặc biệt là địa bàn các tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ, sạt lở, thiên tai".
Không chỉ có các tỉnh miền Trung mà tại nhiều tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, phong trào trồng rừng bằng các cây gỗ lâu năm, cây bản địa cũng đã được triển khai mạnh mẽ. Các đơn vị nghiên cứu, đào tạo về lâm nghiệp cũng đã tham gia, phối hợp chặt chẽ với bà con. Điển hình như mô hình phối hợp về điều tra, nghiên cứu đất thổ nhưỡng và khí hậu để trồng rừng của Đại học Thái Nguyên với huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Nhiều hộ dân đã đạt thu nhập hàng trăm triệu/năm nhờ mô hình này đồng thời đảm bảo được giá trị sinh thái của rừng.
Cuộc "cách mạng" trong tư duy về trồng rừng, thay thế các cây ngắn hạn bằng các cây gỗ lớn, cây lâu năm đang tạo ra những hiệu quả có giá trị bền vững để giấc mơ rừng hồi sinh sớm trở thành sự thật.