Nhiều cây dầu đại thụ bị đốn hạ, các sở ngành 'chưa có câu trả lời'

Những cây dầu cổ thụ có tuổi đời gần 100 năm tại xã Tân Bình (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) bị đốn hạ một cách khó hiểu, khiến người dân có nhiều băn khoăn. Theo thông tin ban đầu các cây dầu bị chặt đều không nằm trong khu vực mở rộng đường theo quy hoạch...

Những gốc đầu đại thụ có tuổi đời khoảng 100 năm tại xã Tân Bình (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) bất ngờ bị đốn hạ.

Những gốc đầu đại thụ có tuổi đời khoảng 100 năm tại xã Tân Bình (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) bất ngờ bị đốn hạ.

Ngày 8/8/2024, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã tiếp cận hiện trường khu vực những cây dầu vừa bị chặt hạ. Trên con đường Nguyễn Tri Phương (xã Tân Bình) đang thực hiện nâng cấp mở rộng, mỗi bên đường được mở rộng thêm 4m.

Một người dân chỉ rõ vị trí gốc dầu cổ thụ vừa bị đốn hạ nằm phía trong phạm vi lề đường quy định (ngay chân người dân đứng). Và xe xúc đang san gạt đất để lấp hố để trả lại mặt bằng

Một người dân chỉ rõ vị trí gốc dầu cổ thụ vừa bị đốn hạ nằm phía trong phạm vi lề đường quy định (ngay chân người dân đứng). Và xe xúc đang san gạt đất để lấp hố để trả lại mặt bằng

Đốn hạ 8 gốc dầu cổ thụ niên đại khoảng 100 năm

Theo ghi nhận thực tế, tất cả 8 cây dầu vừa bị đốn hạ nằm trong phạm vi rừng dầu, hiện đang thuộc khu vực Khu du lịch sinh thái Rừng Dầu. Những cây dầu cổ thụ này nằm sát với con đường, nhưng ngoài phạm vi mở rộng đường 4m.

Thời điểm những cây dầu đại thụ bị đốn hạ không thương tiếc.

Thời điểm những cây dầu đại thụ bị đốn hạ không thương tiếc.

Khi phóng viên có mặt tại hiện trường, một chiếc xe múc vừa hoàn thành nhiệm vụ múc gốc rễ của các cây dầu, sau đó san gạt đất bằng phẳng để lấp hố. Trong lúc phóng viên đang ghi nhận thực tế, một người đàn ông tự xưng là nhân viên của công ty thực hiện công trình đã tỏ thái độ gay gắt với người dân đang chỉ dấu vết: "Không biết gì đừng chỉ". Khi phóng viên vừa đến thì chiếc xe múc san gạt đất này nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Một chiếc xe tải lớn đang chở một gốc cây dầu đi nơi khác.

Dấu vết những gốc cây cổ thụ vừa bị đốn hạ và san lấp đất. Dấu vết này nằm bên trong phần lề đường quy định.

Dấu vết những gốc cây cổ thụ vừa bị đốn hạ và san lấp đất. Dấu vết này nằm bên trong phần lề đường quy định.

Hàng loạt cây dầu đại thụ có giá trị khác cũng bị cắt ngang thân

Tại khu vực rừng dầu cổ thụ, 8 cây dầu cổ thụ khác cũng đã bị cưa ngang thân phần ngọn cây, chỉ còn lại phần thân gốc trơ trọi. Mỗi gốc cây dầu ước tính có đường kính khoảng từ 1m đến 1,5m. Hiện các cây dầu đại thụ này trong tình trạng chết khô.

Tại khu vực rừng dầu còn có 8 cây dầu cổ thụ khác đã bị chặt gốc.

Tại khu vực rừng dầu còn có 8 cây dầu cổ thụ khác đã bị chặt gốc.

Cơ quan chức năng tiếp tục “né” cung cấp thông tin

Theo thông tin sơ bộ từ Ban Tuyên giáo Thị ủy La Gi, dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Tri Phương (thuộc xã Tân Bình, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại phát triển kinh tế xã hội, nâng cao mỹ quan đô thị của địa phương. Đường hiện hữu được mở rộng thêm mỗi bên 3m và 1m lề đường (tổng mở rộng mỗi bên đường là 4m).

Những gốc cây dầu đại thụ có khoảng 2 vòng tay người ôm không xuể, có dấu hiệu bị hủy hoại.

Những gốc cây dầu đại thụ có khoảng 2 vòng tay người ôm không xuể, có dấu hiệu bị hủy hoại.

Việc xử lý 8 cây dầu nói trên đã được cơ quan chức năng khảo sát thực tế, có ý kiến của Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận. Theo đó, xác định 8 cây dầu trên có nguồn gốc tự nhiên nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Ban Tuyên giáo Thị ủy La Gi cũng thông tin: trường hợp (những cây dầu bị đốn hạ - PV) này được xác định thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Các cơ quan thống nhất phương án xử lý tận thu, thực hiện thanh lý, đấu giá theo quy định. UBND thị xã La Gi cũng đã có chỉ đạo về sự việc này.

Liên quan đến sự việc này, phóng viên đã cố gắng liên lạc với các cơ quan chức năng từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, UBND xã Tân Bình, UBND thị xã La Gi…để có các thông tin và văn bản chính xác, nhưng nhận lại là sự im lặng, né tránh, hoặc thoái thác trả lời từ phía các cán bộ có trách nhiệm.

Những cây dầu đại thụ bị đốn hạ và vận chuyển đi nơi khác.

Những cây dầu đại thụ bị đốn hạ và vận chuyển đi nơi khác.

Tại UBND xã Tân Bình, phóng viên đến đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến sự việc nhưng được thông báo "lãnh đạo xã bận họp". Phóng viên đã đặt lịch hẹn nhưng không nhận được hồi đáp từ cán bộ văn phòng của UBND xã Tân Bình.

Trước đó, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đã nhấn mạnh yêu cầu các lãnh đạo địa phương chủ động cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí khi có sự việc xảy ra trên địa bàn, nhằm đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời định hướng dư luận, phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một gốc dầu bị xâm hại và bị cắt ngang thân đến chết.

Một gốc dầu bị xâm hại và bị cắt ngang thân đến chết.

Trước sự việc này, nhiều người dân tại thị xã La Gi băn khoăn về lý do thực sự đằng sau việc đốn hạ hàng loạt cây dầu đại thụ 100 năm tuổi này. Báo Kinh tế và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Cây dầu mang lại nhiều giá trị sử dụng

Khu rừng dầu Tân Bình (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) là một trong những khu rừng dầu còn sót lại của dải đất ven biển từ Mũi Điện (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) đến Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Từ năm 1975, khu rừng Tân Bình thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Năm 2011, Công ty cổ phần quốc tế La Gi lập dự án Khu lâm viên du lịch sinh thái rừng dầu, với diện tích hơn 24 ha.

Cây dầu, với tên gọi đặc trưng là dầu rái, mang đến nhiều giá trị sử dụng quan trọng:

Tạo cảnh quan và bóng mát: dầu rái là cây trồng có tác dụng phủ xanh các khuôn viên, chúng còn tạo ra bóng mát giúp không khí trong lành và mang đến vẻ đẹp cho các cảnh quan.
Gỗ dầu rái là một loại gỗ đem đến giá trị kinh tế cao: loại gỗ của cây này có tính thẩm mỹ cao, chúng được khai thác để sử dụng trong lĩnh vực mỹ nghệ, được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nội thất hoặc sử dụng trong các công trình xây dựng.
Nhựa, hoa, lá của cây cũng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực: chất dầu nhựa có trong gỗ của cây này có thể sử dụng để làm mực in hay sản xuất sơn. Bên cạnh đó dầu của dầu rái còn dùng trong y học với công dụng chế biến thuốc. Lá và hoa được dùng để tinh chế tanin và dược liệu.

Trương Hiệu - Lâm Thiện

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-cay-dau-dai-thu-bi-don-ha-cac-so-nganh-chua-co-cau-tra-loi.html