Nhiều chương trình, dự án giúp người dân miền núi A Lưới thoát nghèo
Huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế) là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch và dự án để giúp người dân thoát nghèo.
Xã biên giới Quảng Nhâm thuộc huyện A Lưới tiếp giáp với bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào. Hiện toàn xã có hơn 1.000 hộ dân, trong đó 90% là đồng bào dân tộc Tà Ôi. Những năm qua, được sự giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nên đời sống của người dân ở các thôn, bản ở xã Quảng Nhâm dần đổi thay, nhiều hộ dân thoát khỏi diện hộ nghèo nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm cho biết, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, trong hơn 2 năm qua, người dân ở địa bàn xã Quảng Nhâm đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng cây sâm Bố Chính để phục vụ phát triển kinh tế. Đến nay tại địa bàn xã có nhiều hộ dân tham gia mô hình trồng sâm dược liệu với diện tích hơn 3ha. Trong đó, gia đình anh Hồ Văn Tú ở xã Quảng Nhâm sau 2 mùa thu hoạch sâm đã thu được số vốn đầu tư ban đầu. “Được các cán bộ ngành Nông nghiệp hướng dẫn, chúng tôi đã trồng cây sâm theo phương thức canh tác kỹ thuật khoa học, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên sâm cho chất lượng cao. Sau thời gian 8 tháng trồng và chăm sóc, cây sâm sẽ được thu hoạch và trừ chi phí đầu vào, nhân công thì mỗi sào thu lợi từ 30 đến 40 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, trồng sắn”, anh Tú cho biết.
Nhận thấy hiệu quả do mô hình trồng cây sâm mang lại, không những người dân ở xã Quảng Nhâm mà nhiều hộ dân ở xã Hồng Thượng và thị trấn A Lưới (huyện A Lưới) cũng đã mạnh dạn đầu tư, vay vốn trồng loại cây dược liệu này. Ông Lê Đằng (trú tại tổ dân phố 3, thị trấn A Lưới) cho biết, nếu như trước đây, ông và các hộ dân ở địa phương chỉ chú trọng trồng các loại cây hoa màu thì 2 năm nay, gia đình ông chuyển sang trồng cây sâm cho thu nhập cao hơn, khoảng 45 triệu đồng/sào. Sâm sau khi thu hoạch được doanh nghiệp thu mua chế biến thành các sản phẩm dược liệu như sâm sấy khô, mứt sâm để phục vụ thị trường trong nước.
Ngoài mô hình trồng sâm dược liệu, thời gian qua, huyện A Lưới còn chú trọng nhân rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả như mở rộng diện tích trồng chuối già lùn, đầu tư nhiều trang trại hữu cơ chăn nuôi số lượng lớn bò và lợn. Bên cạnh đó, huyện A Lưới còn phát động phong trào “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo” nhằm phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng thôn, trưởng họ, người có uy tín trong cộng đồng gương mẫu, đi đầu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững.
Để giúp người nghèo ở huyện A Lưới thay đổi cuộc sống, vừa qua HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành Nghị quyết về “Quyết định chủ trương đầu tư dự án Làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOIKA) thực hiện trên địa bàn 17 xã và thị trấn của huyện A Lưới. Theo đó, dự án được triển khai trong giai đoạn 4 năm 2022-2026 với tổng mức đầu tư là 3,617 triệu USD, trong đó KOICA tài trợ 3,229 triệu USD (tương đương gần 75 tỷ đồng). Dự án sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương ở huyện A Lưới đang sinh sống xung quanh vùng đất đai mới được rà phá bom mìn; tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng dân cư đối với thiên tai và các rủi ro khác.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, ngoài dự án Làng hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc, huyện còn triển khai nhiều chương trình, kế hoạch lồng ghép thực hiện với các dự án giảm nghèo bền vững. Trong năm 2023, huyện A Lưới đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 26,12% (tương ứng giảm 12,08%, từ 5.399 hộ nghèo xuống còn 3.691 hộ). Đến năm 2025, huyện A Lưới phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn dưới 12,01%, quyết tâm thoát ra khỏi danh sách 74 huyện nghèo nhất toàn quốc giai đoạn 2021-2025.
“Các chương trình, dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện A Lưới sẽ góp phần tạo sinh kế ổn định cho người dân thông qua sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để có đầu ra tiêu thụ ổn định, giúp người dân ở địa bàn huyện thoát nghèo vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.