NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC TRONG QUÁ TRÌNH GIÁM SÁT HOÀN THUẾ VAT ĐỐI VỚI XUẤT KHẨU

Sau hơn 3 tháng triển khai nhiệm vụ giám sát, ngày 22/10/2023 Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã có báo cáo tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xuất khẩu. Trong đó, báo cáo số 1595/BC-UBTCNS15 đưa ra nhiều nhận định về nguyên nhân cốt lõi, đưa ra giải pháp cụ thể trước mắt và trong dài hạn…

Sau hơn 3 tháng triển khai nhiệm vụ giám sát, ngày 22/10/2023 Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã có báo cáo tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xuất khẩu. Trong đó, báo cáo số 1595/BC-UBTCNS15 đưa ra nhiều nhận định về nguyên nhân cốt lõi, đưa ra giải pháp cụ thể trước mắt và trong dài hạn. Cùng với đó, trong suốt quá trình giám sát cho thấy đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có văn bản đôn đốc yêu cầu đẩy nhanh việc hoàn thuế; chủ động rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản theo thẩm quyền.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu tại buổi làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế

Nút thắt hoàn thuế VAT đã thực sự nóng lên tại Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (13/7/2023). Tại phiên họp, Ban Dân Nguyện đã báo cáo về kiến nghị của nhiều doanh nghiệp khi bị ách tắc hàng nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT. Để quyết liệt làm rõ lý do chậm hoàn thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Tài chính Ngân sách giám sát “Việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với xuất khẩu”. Cuối tháng 7, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã có Công văn gửi Bộ Tài chính và Cục thuế các địa phương, đề nghị báo cáo. Ngay từ đầu tháng 8, Đoàn giám sát của Ủy ban TCNS đã triển khai các cuộc giám sát thực tế tại Cục thuế Bình Dương, Đồng Nai, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lạng Sơn và Quảng Ninh, sau đó cũng đã có các buổi làm việc với Tổng cục thuế, Bộ Tài chính. Trong các buổi đoàn làm việc với cơ quan thuế, đoàn cũng ghi nhận thêm nhiều ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương.

Ách tắc hoàn thuế do quá thận trọng trong quản lý rủi ro

Trong bản báo cáo số 1595/BC-UBTCNS15 gồm 21 trang kèm 3 phụ lục đưa ra nhận định: “Ngành thuế vừa qua đã quá nhấn mạnh các yếu tố rủi ro và xem nhẹ các yếu tố về lịch sử tuân thủ của người nộp thuế trong quản lý rủi ro, gây ra ách tắc dòng tiền hoàn thuế, ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của doanh nghiệp”. Trong đó, báo cáo đã phân tích các nguyên nhân dẫn đến tồn đọng hoàn thuế xuất phát từ 3 vướng mắc chính: Thứ nhất, quá nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về cảnh báo rủi ro, trong khi đã bỏ qua các yếu tố về mức độ tuân thủ của từng đối tượng nộp thuế cụ thể và việc ứng dụng CNTT trong quản lý rủi ro đối với công tác hoàn thuế GTGT; Thứ hai, yêu cầu xác minh qua tất cả các khâu của đầu vào là quá mức cần thiết, dẫn đến không tập trung vào những khâu rủi ro chính, tạo gánh nặng quá lớn cho cơ quan thuế địa phương; Thứ 3, yêu cầu xác minh tính pháp lý của người mua nước ngoài trong một số trường hợp là không hợp lý khi xem đây là yếu tố then chốt.

Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách làm việc Đoàn giám sát làm việc tại Cục thuế, Quảng Ninh

Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách làm việc Đoàn giám sát làm việc tại Cục thuế, Quảng Ninh

Trên cơ sở đó, Báo cáo đã đưa ra các kiến nghị: Thứ nhất, trước ngày 31/12/2023, rà soát tổng thể các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để có điều chỉnh phù hợp, tạo cơ sở cho cơ quan thuế địa phương thực hiện; Thứ hai, trước ngày 31/12/2023, xử lý dứt điểm số hồ sơ hoàn thuế còn tồn đọng lâu dài. Thứ 3, trong quý IV/2023, khẩn trương đưa vào triển khai trên thực tế Bộ tiêu chí và ứng dụng phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động. Đồng thời, bảo đảm sự kết nối mạng liên thông giữa cơ quan thuế và Bộ KHĐT, Bộ Công an để trao đổi dữ liệu nhằm phòng tránh gian lận hiệu quả…

Nhiều chuyển biến tích cực trong quá trình giám sát hoàn thuế VAT

Sau kiến nghị của Đoàn giám sát về rà soát hệ thống các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, đầu tháng 11/2023, Tổng cục Thuế đã có công văn Số: 5004/TCT-TTKT gửi các Cục thuế địa phương. Tổng Cục thuế cho biết 3 năm gần đây đã ban hành 16 văn bản hướng dẫn hoàn thuế VAT. Tuy nhiên, đến nay, chỉ 3 văn bản gần đây nhất là cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý hoàn thuế.

Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách làm việc Đoàn giám sát làm việc tại Tổng Cục Thuế

Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách làm việc Đoàn giám sát làm việc tại Tổng Cục Thuế

Về kiến nghị của Đoàn giám sát về xử lý dứt điểm hồ sơ tồn đọng lâu dài trước 31/12, Tổng cục Thuế đã có công văn số 4919/TCT-KK, đôn đốc toàn ngành tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ hoàn thuế. Công văn cũng hướng dẫn: Người đề nghị hoàn thuế nhiều lần trong vòng 2 năm, nếu không phát sinh khai sai, khai thiếu thì không ở nhóm: kiểm trước hoàn sau. Nghĩa là được hoàn ngay và chỉ hậu kiểm.

Theo bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính: “Công văn số 4919/TCT-KK cũng có một cái biện pháp rất quyết liệt trong ngành. Đó là yêu cầu các đồng chí Cục trưởng các Cục thuế lập kế hoạch và lựa chọn những cái đơn vị mà chưa tốt trong công tác giải quyết hoàn thuế để lên kế hoạch, kiểm tra nội bộ và chấn chỉnh công tác quản lý hoàn thuế đối với các bộ phận công chức trong ngành thuế”.

Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách làm với Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế

Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính - Ngân sách làm với Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế

Về kiến nghị từ Đoàn giám sát về ứng dụng phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động, từ ngày 27/10/2023, ngành thuế đã tiến hành triển khai trên thực tế phần mềm phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động theo bộ tiêu chí rủi ro và tập huấn nghiệp vụ cho các Cục thuế địa phương. Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết: Từ ngày 27/10/2023, Tổng Cục Thuế đã chính thức áp dụng Hệ thống phân loại hồ sơ hoàn thuế hoàn toàn tự động trên Hệ thống ứng dụng CNTT; đảm bảo công tác phân loại hồ sơ hoàn thuế ngay từ ban đầu một cách minh bạch, thuận lợi, không mất nhiều thời gian. Bởi việc xác định hồ sơ có rủi ro thuộc diện hoàn trước hay kiểm trước hoàn toàn thực hiện theo các tiêu chí trên cơ sở dữ liệu của ngành thuế và theo những dấu hiệu rủi ro mà ngành thuế đã nhận định; không có sự can thiệp thủ công của cán bộ thuế, đảm bảo tính công bằng, minh bạch cũng như là sự thuận tiện, nhanh chóng”.

Vẫn còn tâm lý e ngại khi xử lý những hồ sơ thuộc diện cảnh báo rủi ro

Trong quá trình làm việc tại các cục thuế địa phương, Đoàn giám sát cũng đã lắng nghe nhiều tâm tư, nguyện vọng từ các cán bộ thuế. Qua đó, cũng ghi nhận có tâm lý e ngại của cán bộ khi xử lý những hồ sơ thuộc diện cảnh báo rủi ro.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã từng nhắc đến bài học đau xót khi nhiều cán bộ thuế bị xử lý hình sự trong quá trình giải quyết thủ tục hoàn thuế. Điều này đã ít nhiều gây áp lực cho cán bộ và tạo tâm lý thà chậm giải quyết hồ sơ còn hơn sau này bị xử lý hình sự. Đại diện Tổng cục Thuế cũng kiến nghị khi sửa Luật thuế GTGT và Luật quản lý thuế tới đây, cần quy định rõ trách nhiệm của công chức thuế trong giải quyết các hồ sơ hoàn thuế để công chức thuế yên tâm thực thi công vụ.

Đoàn giám sát làm việc tại Cục thuế Hà Nội

Đoàn giám sát làm việc tại Cục thuế Hà Nội

Về một số ý kiến đề nghị giảm trừ trách nhiệm khi thực thi công vụ cho công chức thuế, Báo cáo của Đoàn giám sát nhận định: Trong mọi trường hợp, người nộp thuế phải chịu trách nhiệm đối với các thông tin trong hồ sơ kê khai của mình và cơ quan thuế có trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ giải quyết hồ sơ hoàn thuế đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Khi ngành thuế triển khai hiệu quả Bộ tiêu chí và ứng dụng CNTT để tự động phân loại, đánh giá hồ sơ hoàn thuế theo các tiêu chí quản lý rủi ro thì sẽ bảo đảm được tính minh bạch, công khai và khách quan khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Trên cơ sở đó, trách nhiệm của công chức thuế và cơ quan thuế được quy định một cách phù hợp.

Ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của công chức thuế, đoàn giám sát nhấn mạnh yêu cầu phải sửa đổi các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong ngành theo đúng quy định về quản lý rủi ro trong thời gian sớm nhất, để tránh áp lực cho cán bộ thuế địa phương khi triển khai giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác hậu kiểm để tăng cường kiểm tra sau hoàn thuế đối với những lĩnh vực được cảnh báo rủi ro.

Tháo gỡ đáng kể trong hoàn thuế cho 3 ngành hàng xuất khẩu

Số liệu hoàn thuế GTGT năm 2023 lũy kế đến ngày 22/11/2023 của các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng có phản ánh thời gian qua cho thấy có nhiều chuyển biến. Với mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ: Tính từ thời điểm UBTCNS giám sát, số hoàn thuế đã tăng 1.725 hồ sơ (121%) tương ứng số tiền 6.691 tỷ đồng (124%) so với 6 tháng đầu năm 2023

Trong đó, riêng mặt hàng dăm gỗ, viên nén gỗ: Cơ quan Thuế cả nước đã giải quyết hoàn 226 hồ sơ tương ứng số tiền thuế GTGT đã hoàn là 1.689 tỷ đồng, trong đó bao gồm: hoàn trước kiểm sau là 136 hồ sơ, chiếm tỷ trọng 60% hồ sơ đã hoàn, tương ứng số tiền thuế GTGT đã hoàn là 764 tỷ đồng; kiểm tra trước hoàn là 90 hồ sơ, chiếm tỷ trọng 40% hồ sơ đã hoàn, tương ứng số tiền thuế GTGT đã hoàn là 925 tỷ đồng.

Với mặt hàng tinh bột sắn: Tính từ thời điểm UBTCNS giám sát, số hoàn thuế đã tăng 70 hồ sơ (171%) tương ứng số tiền 554 tỷ đồng (156%) so với 6 tháng đầu năm 2023.

Đáng chú ý với mặt hàng cao su và sản phẩm từ cao su: Tính từ thời điểm UBTCNS giám sát, số hoàn thuế đã tăng 280 hồ sơ (329%) tương ứng số tiền 2.573 tỷ đồng (251%) so với 6 tháng đầu năm 2023.

Tại nhiều địa phương, số tiền hoàn thuế đã đến tay doanh nghiệp, giúp họ tăng tốc sản xuất kinh doanh trong quý cuối năm để bù đắp lại sự đình trệ đầu năm.

UBTVQH đã rất quyết liệt ngay từ tháng 7/2023 khi quyết định thành lập đoàn giám sát vào lúc cao điểm bức xúc của doanh nghiệp bị nợ đọng hoàn thuế. Cùng với đó là các chỉ đạo sát sao trong suốt quá trình giám sát đã giúp Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách ban hành Bản báo cáo với những kiến nghị chi tiết, công tâm, không nể nang, né tránh. Đồng thời, đưa ra mốc thời gian cụ thể để cơ quan chịu sự giám sát có kế hoạch thực hiện, tạo được chuyển biến ngay trong quá trình giám sát, đúng tinh thần xuyên suốt mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã từng nhấn mạnh: “Giám sát của Quốc hội phải vì mục tiêu kiến tạo phát triển”./.

Thanh Nga

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82979