Nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ

Sáng 19/2, tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Tổ chức, cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại

Theo đó, Nghị quyết gồm 4 chương, 17 điều quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Lãnh đạo Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua nghị quyết - Ảnh: Quochoi.vn

Lãnh đạo Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua nghị quyết - Ảnh: Quochoi.vn

Cụ thể, Nghị quyết quy định, viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra (khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức).

Trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp.

Cũng theo Nghị quyết này, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự khi gây ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước (khi đã thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định liên quan).

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Dự thảo Nghị quyết - Ảnh: Quochoi.vn

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Dự thảo Nghị quyết - Ảnh: Quochoi.vn

Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu rõ, tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước trong quá trình triển khai đã thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình và nội dung nghiên cứu đã được thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến thì không phải hoàn trả lại kinh phí đã sử dụng.

Nghị quyết cũng xác định, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước thu hồi kết quả nghiên cứu, phát triển của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước để phổ biến rộng rãi phục vụ cộng đồng, phòng bệnh, chữa bệnh, bảo đảm dinh dưỡng cho Nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã hội.

Trường hợp sau 3 năm khi kết thúc nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước, tổ chức chủ trì không thực hiện triển khai ứng dụng kết quả nhiệm vụ mà có tổ chức khác có nhu cầu thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ thu hồi và giao cho tổ chức đó để tiếp tục phát triển, ứng dụng.

Quang cảnh phiên làm việc sáng 19/2 - Ảnh: Quochoi.vn

Quang cảnh phiên làm việc sáng 19/2 - Ảnh: Quochoi.vn

Thu nhập từ tiền công nghiên cứu khoa học không phải chịu thuế

Đối với ưu đãi thuế cho doanh nghiệp, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, Nghị quyết xác định, các khoản tài trợ của doanh nghiệp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; khoản chi dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Nghị quyết cũng quy định một số cơ chế, chính sách về hỗ trợ tài chính xây dựng nhà máy đầu tiên để phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất chip bán dẫn.

Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng dự án nhà máy đầu tiên được lựa chọn để chế tạo chip quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chip bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án trực tiếp từ ngân sách Trung ương trong trường hợp nhà máy nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31/12/2030. Tổng mức hỗ trợ không vượt quá 10.000 tỷ đồng.

Đại biểu tham gia phiên họp sáng 19/2 - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu tham gia phiên họp sáng 19/2 - Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với đó, trong thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án, hằng năm được trích lập cao hơn 10% nhưng tối đa không quá 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để bổ sung cho dự án. Tổng số tiền trích lập không vượt quá tổng mức đầu tư của dự án.

Các dự án này được giao đất bằng hình thức giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất; không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thực hiện các nhiệm vụ này. Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ và quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp đó.

Các chính sách hỗ trợ quy định tại Điều này được áp dụng đến hết ngày 31/12/2030.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-co-che-chinh-sach-dac-biet-tao-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe.html