Nhiều cơ sở kỳ vọng kinh tế tăng trưởng cao trong 2025
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - đoàn Hà Nội cho biết, ở trong nước, có nhiều cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2025.
Kỳ vọng nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - đoàn Hà Nội cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt quyết tâm đưa kinh tế năm 2025 đạt mức tăng trưởng trên 8%, thay vì mức 6,5-7%, phấn đấu đạt 7-7,5% như Quốc hội đã quyết nghị.
Việc phấn đấu đạt tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 - năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 không phải chỉ là cho riêng năm 2025, hay cho giai đoạn 5 năm 2021-2025, mà quan trọng hơn còn là bước chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030 và xa hơn tới năm 2045.
Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng đã xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá và thể hiện tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá trên tinh thần đổi mới cả tư duy, cách nghĩ, cách làm và hành động, cả về tổ chức bộ máy đến nội dung nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. "Chúng ta đều mong muốn và kỳ vọng năm 2025 là năm đáng ghi nhớ với kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội" - đại biểu nói.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, mặc dù năm 2025, địa chính trị trên thế giới còn có sự bất ổn, nhiều diễn biến khó lường, tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được đánh giá sẽ khởi sắc hơn nhờ phục hồi của tăng trưởng thương mại và kiểm soát lạm phát tốt hơn.
Ở trong nước, cũng có nhiều cơ sở để kỳ vọng nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2025. Trong đó, nền tảng của năm 2024 là điều quan trọng. Tăng trưởng GDP năm 2024 ước đạt trên 7%. Điều này cho thấy, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi các yếu tố chính như hoạt động thương mại mạnh mẽ khi xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo tiếp tục tăng trưởng mạnh.
"Việt Nam đang cho thấy khả năng thích ứng tốt với những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường xuất khẩu" - đại biểu Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát lạm phát hiệu quả, duy trì ổn định tỷ giá và tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển. Nền kinh tế nội địa với sức tiêu dùng ngày càng tăng là cơ sở vững chắc cho tăng trưởng bền vững. Các ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản và du lịch cũng được kỳ vọng duy trì đà phát triển mạnh mẽ trong năm 2025.
Khu vực doanh nghiệp sẽ khởi sắc vì các đơn hàng trong năm 2025 sẽ tốt hơn so với năm 2024, do nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục. Sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may.
Cộng đồng doanh nghiệp đang quyết tâm tận dụng đà tăng trưởng xuất khẩu với lợi thế về thị trường, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP tiếp tục mang lại lợi thế cạnh tranh về thuế quan, mở ra cơ hội xuất khẩu đáng kể cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) góp phần đưa Việt Nam tham gia nhiều công đoạn của chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Dự kiến, Việt Nam có thể thu hút vốn FDI khoảng 39-40 tỷ USD cho cả năm 2024.
Các động lực mới như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hay việc 63 tỉnh thành triển khai đồng loạt các quy hoạch trên cơ sở khai thác tiềm năng lợi thế… sẽ là những yếu tố đóng góp cho tăng trưởng.
Đặc biệt, việc các dự luật có hiệu lực từ năm 2025 sẽ tạo “điểm rơi” tốt để kích thích tăng trưởng cho năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, cũng như tạo đà cho các năm về sau. Đồng thời, chuyện tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả là động lực quan trọng cho nền kinh tế không chỉ trong năm 2025, mà quan trọng hơn cho cả giai đoạn phát triển trong tương lai.
Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu
Đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia nhằm tạo động lực cho nền kinh tế. Cùng với đó, cải thiện môi trường đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân cũng như đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số và năng lượng tái tạo.
Mặt khác, Chính phủ cần triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm giảm thuế, phí và lãi suất vay nhằm giảm chi phí sản xuất và thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển sản xuất kinh doanh.
Về phía Bộ Công Thương, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tăng trưởng, cần tiếp tục theo dõi, thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để các doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng thời, chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu và khuyến nghị đến doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Ngoài ra, triển khai đa dạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi, từ đó, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA. Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao về triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Ông Cừ cũng nhấn mạnh việc cần phải quan tâm đến thị trường nội địa 100 triệu dân, ưu tiên xúc tiến thương mại đối với thị trường nội địa và các thị trường lân cận, thị trường khu vực ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ...
Đại biểu Trương Xuân Cừ - đoàn Hà Nội khẳng định: Việc các dự luật có hiệu lực từ năm 2025 sẽ tạo “điểm rơi” tốt để kích thích tăng trưởng cho năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, cũng như tạo đà cho các năm về sau.