Nhiều con đường chưa nối nhịp… bờ vui
Mỗi công trình được đầu tư hàng chục tỷ đồng và được khởi công từ nhiều năm nay, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, đến nay các hạng mục đầu tư vẫn dở dang, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư và tạo ra những bất tiện không đáng có trong đời sống của nhân dân.
Mỗi công trình được đầu tư hàng chục tỷ đồng và được khởi công từ nhiều năm nay, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, đến nay các hạng mục đầu tư vẫn dở dang, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư và tạo ra những bất tiện không đáng có trong đời sống của nhân dân.
Tuyến đường nhánh nối tỉnh lộ 21 với đường Hàm Nghi (TP Hà Tĩnh) có chiều dài 5,6 km qua địa phận các xã Thạch Xuân, Thạch Đài (Thạch Hà) được khởi công từ năm 2014. Đến tháng 6-2016, các đơn vị thi công đã hoàn thành và bàn giao 2,3 Km đoạn qua xã Thạch Xuân với tổng mức đầu tư 52 tỷ đồng. Theo quan sát của phóng viên, đoạn đường dài 2,3km được thiết kế bốn làn, rải thảm nhựa, rộng 12m được thi công bảo đảm chất lượng, mỹ thuật.
Tuy vậy, thay vì khai thác công năng tuyến đường như kỳ vọng ban đầu, sau khi hoàn thành, công trình được đầu tư 52 tỷ đồng này trở thành sân phơi lúa và điểm chăn trâu bò. Theo quan sát của chúng tôi, sở dĩ tuyến đường bị “lãng quên” là do không có điểm đấu nối. Cụ thể, hơn ba km còn lại của tuyến đường (đoạn nối với đường Hàm Nghi) chưa được thi công, khiến tuyến đường này trở thành đường cụt.
Theo chia sẻ của chủ đầu tư, năm 2009, tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 21 (nay là quốc lộ 8C) với tổng mức đầu tư 367 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và trái phiếu Chính phủ. UBND huyện Thạch Hà được giao làm chủ đầu tư. Dự án chia làm hai đoạn. Đoạn tuyến chính dài 17 km, nối từ ngã ba Ngọc Sơn đến Trạm Bù (xã Thạch Điền, Thạch Hà). Đoạn tuyến nhánh dài 5,6 km, nối từ đường Hàm Nghi kéo dài (TP Hà Tĩnh) về xã Thạch Xuân (Thạch Hà). Với nguồn vốn được bố trí, chủ đầu tư mới chỉ thi công được 2,3km/5,6 km, phần còn lại của dự án hiện đang là là khu đất trồng lúa của bà con hai xã Thạch Xuân và Thạch Đài (Thạch Hà).
Mặc dù đã hoàn thành từ năm năm qua nhưng công trình xây dựng cầu Bà Vương bắc qua kênh C2 nối liền hai xã Mai Phụ và Hộ Độ vẫn thể đưa vào sử dụng. Do chưa được đấu nối với các tuyến giao thông xung quanh nên cầu Bà Vương cứ nằm cheo leo khiến việc đi lại của nhân dân và học sinh gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm nhất là vào mùa mưa bão.
Theo thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà, hạng mục xây dựng cầu Bà Vương nằm trong gói thầu xây lắp tuyến sáu thuộc dự án nâng cấp đường giao thông liên xã huyện Lộc Hà. Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 104 tỷ đồng. Đến nay, sau 12 năm triển khai thực hiện, dự án vẫn chưa hoàn thành tại tuyến giao thông số sáu và đang tạm dừng thi công từ tháng 12-2016 do còn thiếu nguồn vốn 16,965 tỷ đồng (Tổng giá trị xây lắp 36,82 tỷ đồng, số vốn đã được bố trí 19,855 tỷ đồng).
Theo UBND huyện Lộc Hà, bên cạnh việc chưa huy động được nguồn lực để hoàn thành dự án, đến nay việc phóng tuyến đang gặp khó khăn do chưa có mặt bằng để thi công. Cụ thể, đoạn nối từ cầu Bà Vương đến Quốc lộ 15B dài hơn một km đang vướng đến diện tích đất làm muối của 49 hộ dân ở Hộ Độ và Mai Phụ. Theo quan sát, mặt bằng hiện trạng nơi tuyến đường sẽ đi qua là đất muối hoang hóa lâu năm không sản xuất, toàn bộ khu vực là đồng cỏ mọc phủ kín, tuy nhiên đến thời điểm hiên nay, đơm vị thi công vẫn chưa có mặt bằng sạch để triển khai, khiến toàn bộ dự án này bị đình trệ suốt 12 năm qua.
Cách địa điểm triển khai dự án này không xa, từ nhiều năm nay, người dân xã Thuần Thiện (Can Lộc) luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, bất tiện khi lưu thông trên tuyến đường giao thông dài 2,4 km có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Theo Chủ tịch UBND xã Thuần Thiện, Lê Sỹ Thái, Tuyến đường giao thông nông thôn đi dọc kênh N16 ở xã Thuần Thiện được xây dựng vào tháng 11-2015 với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng đến cuối năm 2017, công trình cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, các đơn vị liên quan “quên” thiết kế cầu dẫn qua mương nước khiến các phương tiện giao thông phải quay đầu khi đi đến điểm nghẽn này. Sự tắc trách của các bên liên quan không chỉ làm giảm hiệu quả khai thác công trình còn khiến người dân gặp phải những tình huống dỡ khóc, dỡ cười khi đi qua đây.
Thực tế quá trình đầu tư xây dựng các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công thời gian qua ở Hà Tĩnh cho thấy, bên cạnh những yếu tố khách quan, những vướng mắc, yếu kém trong công tác GPMB là nguyên do chính khiến các công trình, dự án bị chậm tiến độ, thậm chí có những dự án đã triển khai cả chục năm trời vẫn không có mặt bằng sạch để thi công. Đơn cử như, chỉ vì vướng năm hộ dân mà gần 10 năm qua, công trình xây dựng đường Tiên Yên ( Nghi Xuân) vẫn ì ạch, giẫm chân tại chỗ, khiến người dân bức xúc.
Qua tìm hiểu được biết, tuyến đường tuyến đường HL 04 nối từ ngã ba xã Tiên Điền (nay là thị trấn Tiên Điền) đến thôn Yên Liệu - xã Xuân Yên được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt nâng cấp năm 2011 với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng. Tháng 4-2012, dự án được khởi công xây dựng, do UBND huyện Nghi Xuân làm chủ đầu tư.
Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Nghi Xuân, Nguyễn Xuân Hải cho biết: Tuyến đường Tiên - Yên đã thi công được 3,4 km, 200m còn lại đang “tắc” do vướng mặt bằng năm hộ dân, đều thuộc thôn Hợp Giáp, xã Xuân Yên (trong đó có một hộ vướng vào phần mái che, một hộ phải giải tỏa một phần đất ở và ba hộ phải di dời - tái định cư.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển, đi lên của địa phương nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Tĩnh khá lớn, trong khi đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nhất là các nguồn vốn ngân sách địa phương chưa được quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế dẫn đến việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn để tạo sự đột phá trong đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn chế, chưa thích ứng được với các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư có lúc chưa hiệu quả trong việc xử lý các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Mặc dù quy trình thủ tục, lộ trình và thời gian thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư có nhiều bước, nhưng việc tổ chức thực hiện còn lúng túng, thiếu kiên quyết… khiến các dự án bị chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/nhieu-con-duong-chua-noi-nhip-bo-vui-616153/