Nhiều ĐBQH không đồng tình giảm cấp phó HĐND, Bộ trưởng bộ Nội vụ nói gì?
Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với đề xuất giảm cấp phó hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, cấp huyện tại phiên thảo luận sáng ngày 10/6. Bộ trưởng bộ Nội vụ cũng đã tham gia giải trình thêm ý kiến của các ĐBQH.
Sáng 10/6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, vấn đề cắt giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện nhận được ý kiến trái chiều.
Không đồng tình cắt giảm cấp phó
ĐBQH Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) nêu: “Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và cấp huyện, tôi đề nghị xem xét cấp phó này trong tổng thể chức danh và tổ chức bộ máy HĐND mỗi cấp, trên cơ sở đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương thời gian qua. Theo tôi, luật cần quy định rõ tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách trong tổng số đại biểu. Đây là tỷ lệ để đảm bảo mỗi cơ quan HĐND cần có để tổ chức bộ máy hoạt động mang tính chuyên nghiệp và hiệu quả. Tại sao Quốc hội yêu cầu tới đây nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách còn địa phương đặt nặng vấn đề giảm biên chế để quy định theo chiều hướng giảm đi. Nhiệm kỳ này theo đánh giá của người am hiểu cho rằng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã tăng lên rõ rệt.
Một trong những nguyên nhân tạo nên tiến bộ là tạo nên số lượng đại biểu chuyên trách làm việc ở các ban của HĐND cấp tỉnh, khi xác định rõ số đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách theo tỷ lệ thì lúc đấy chúng ta mới có căn cứ để xác định số lượng Phó Chủ tịch, Phó ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Như vậy, câu chuyện biên chế không nằm ở việc có bao nhiêu Phó Chủ tịch, Phó ban Hội đồng nhân dân, vì các chức danh này nằm trong tổng biên chế đại biểu HĐND chuyên trách. Vấn đề là bố trí chức danh cho bộ máy HĐND thế nào cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của từng nhóm địa phương khác nhau, như nhóm nông thôn, nhóm miền núi, hải đảo, tỉnh, thành phố, thành phố đặc biệt và việc bố trí này liên quan từ việc bố trí cấp trưởng.
Từ thực tiễn địa phương chúng tôi thấy rằng, HĐND khi được bố trí các trưởng ban là chuyên trách thì hoạt động hiệu quả hơn. Và ở trung ương theo tôi có lẽ cũng nên tổng kết xem những địa phương bố trí Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là chuyên trách thì hiệu quả thế nào để cân nhắc, định hướng cho địa phương trong thời gian tới. Nếu khi bộ máy bố trí cấp trưởng là chuyên trách thì tôi thấy chỉ cần bố trí một cấp phó chuyên trách để hỗ trợ thôi là đủ.
Câu chuyện giảm một Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, huyện, theo tôi không nên cứng nhắc chỉ quy định quản lý về biên chế chuyên trách HĐND, tùy điều kiện, tình hình, quy mô, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn mà yêu cầu bố trí từ 1 đến 2 Phó Chủ tịch cho phù hợp. Ở đây, số lượng cấp phó sẽ nằm trong tổng khung số lượng cấp phó đã quy định ở từng cấp”.
Ngoài ra, ĐBQH Trần Văn Lâm nêu thêm: “Về Phó Chủ tịch cấp xã loại 2, tôi đề nghị tăng thêm 1 Phó Chủ tịch để đáp ứng yêu cầu hiện nay. Tuy nhiên, theo tôi cần nhìn nhận vấn đề cho trúng để tới đây có cách ứng xử ra sao, bởi vì chúng ta đặt trong bối cảnh cải cách hành chính. Khi cải cách hành chính thì cải cách bộ máy hành chính giảm đầu mối, giảm biên chế, giảm cấp phó, phải gắn với cải cách thủ tục hành chính, tăng phân cấp, phân quyền cho cấp dưới kể cả tới cấp phòng, cấp chuyên viên để chịu trách nhiệm, phải đổi mới phương pháp làm việc, chế độ công tác, giảm họp hành, thực hiện làm việc trên môi trường mạng, thực hiện chính quyền điện tử.
Thời gian qua việc gắn kết này không thực sự diễn ra, do vậy chẳng phải xã loại 2 thiếu Phó Chủ tịch đi họp mà nhiều xã khác, chính quyền huyện cũng thiếu Phó Chủ tịch đi họp. Vậy, vấn đề ở đây xem xét không chỉ tăng cấp phó mà phải gắn với việc xem xét, đổi mới cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Đề nghị cơ quan soạn thảo tập trung nghiên cứu làm rõ vấn đề này”.
Trong khi đó, ĐBQH Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước) cho rằng không nên giảm Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, nếu giảm số lượng đại biểu HĐND một cách cào bằng, áp dụng với tất cả các địa phương là chưa hợp lý, cần phải được cân nhắc thận trọng
ĐB Tôn Ngọc Hạnh bày tỏ: “Theo phương án của Chính phủ thì giảm số lượng đại biểu HĐND cào bằng tất cả các địa phương gồm cả Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng điều này là không hợp lý, không có tính thuyết phục cao… Chúng ta phải bảo đảm được 2 mục tiêu là bộ máy giảm, không tăng biên chế nhưng phải đảm bảo hoạt động hiệu quả. Nếu không xét điều kiện cụ thể của từng địa phương mà chỉ giảm cơ học thì không hiệu quả và dẫn đến việc phải sửa luật thường xuyên”.
“Theo quy định tại Điều 82 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Phó Chủ tịch HĐND giúp việc cho Chủ tịch HĐND trong việc điều hành phiên họp. Vậy, nếu quy định có một Phó Chủ tịch HĐND thì trường hợp đột xuất, bất khả kháng không thể tham gia các phiên họp thường kỳ của HĐND thì sẽ không có nhân sự thay thế để thực hiện các công việc. Đồng thời, khối lượng công việc của HĐND tỉnh là rất lớn, trong đó có việc quan trọng như quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm của tỉnh. Dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, địa phương nếu chỉ có 1 Phó Chủ tịch chuyên trách thì việc trao đổi sẽ rất khó khăn, khả năng quyết định các vấn đề quan trọng sẽ bị ảnh hưởng và hạn chế”, đại biểu Hạnh viện dẫn quy định tại Điều 82.
Bộ trưởng bộ Nội vụ giải trình
Tham gia giải trình thêm một số vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã thay mặt cho bộ Nội vụ là cơ quan soạn thảo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương cảm ơn Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã có rất nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo luật, nhất là trong buổi thảo luận tại tổ chiều 24/5/2019.
“Ban soạn thảo xin tiếp thu tối đa và nghiêm túc các ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ cùng các cơ quan chuyên môn tiếp tục hoàn thiện dự thảo để kịp thông qua Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào cuối năm 2019”, bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.
Về giảm số lượng Phó Chủ tịch của Hội đồng nhân dân và các Phó ban của Hội đồng nhân dân. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã giải trình thêm một số ý kiến: “Xoay quanh vấn đề này có 9 đại biểu bày tỏ ý kiến, ví dụ ý kiến đại biểu Nguyễn Tuấn Anh ở Bình Phước, Trần Văn Lâm ở Bắc Giang, Nguyễn Văn Sáng ở Lào Cai. Điều này không đặt ra vấn đề HĐND và UBND là khác nhau. Đây là một thể chế chính trị duy nhất. HĐND, UBND là một, ở đây là do việc chúng ta tổ chức phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau, công việc phù hợp giữa HĐND và UBND. Đồng thời, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương 6 khóa XII, cho nên ý kiến đề nghị của các đại biểu tôi thấy bộ Nội vụ là cơ quan soạn thảo xin tiếp thu vấn đề này để nghiên cứu.
Đối với Thường trực HĐND, nếu Chủ tịch HĐND là chuyên trách thì có thể một Phó Chủ tịch chuyên trách, như vậy trong các lãnh đạo của HĐND có không dưới hai chuyên trách. Không để Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND chỉ có một người để khi đồng chí đó vắng thì đã có đồng chí khác. Nếu Chủ tịch không chuyên trách thì hai Phó Chủ tịch chuyên trách là phù hợp. Các Ban của Hội đồng nhân dân tôi thấy ý kiến đóng góp của các đại biểu cũng cơ cấu như vậy, tức là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nên có hai chuyên trách, một chuyên trách là trưởng hoặc một chuyên trách là phó. Tôi nghĩ như vậy là phù hợp.
Đối với HĐND cấp huyện đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất như dự thảo. Đối với trách nhiệm của Thường trực HĐND cấp xã, các đại biểu đồng tình là ngoài Chủ tịch và Phó Chủ tịch của HĐND xã còn quy định thêm các ủy viên là các Ban của HĐND có thể quyết định về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trình cho Ủy ban nhân dân. Trong luật cũ quy định Ủy ban nhân dân xã lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trình cấp huyện”.
Trước đó, chiều 24/5, báo cáo với Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Hiện đang có 2 loại ý kiến khác nhau về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
Loại ý kiến thứ nhất: Giảm số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay xuống còn 1 Phó Chủ tịch ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện nhằm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về cơ cấu tổ chức HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trong phạm vi cả nước.
Loại ý kiến thứ hai: Giữ nguyên số lượng 2 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện như Luật tổ chức chính quyền địa phương hiện hành nhằm bảo đảm cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trong bối cảnh đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đối với chính quyền địa phương hiện nay.