Nhiều đề xuất liên quan đến thị trường xăng dầu

Giá xăng lẻ của Việt Nam tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới nhưng với thu nhập bình quân đầu người thì cao hơn một số quốc gia phát triển.

Ngày 27-6, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VN) (VESS) công bố nghiên cứu những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu VN và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình. Tại buổi công bố, nhiều chuyên gia xăng dầu cho rằng các nghị định về kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ những hạn chế, bất cập và cần được nghiên cứu sửa đổi sớm.

Cách tính các khoản thuế của xăng dầu không còn phù hợp

PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS, cho biết xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng. Do đó, việc đánh các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và chi tiêu của hộ gia đình.

Theo VESS, tại VN hiện mỗi lít xăng dầu bán ra đang phải chịu các loại thuế như giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (khoảng 10%), tiêu thụ đặc biệt (8%-10%) và bảo vệ môi trường.

Nghiên cứu của VESS cho rằng các quy định chi tiết và chặt chẽ trong các nghị định 95/2021 và 83/2014 của Chính phủ nhằm hướng tới mục đích duy trì ổn định thị trường xăng dầu cũng như sự an toàn trong lao động và kinh doanh. Tuy nhiên, các chính sách này cũng gián tiếp gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và các bên liên quan tham gia thị trường với nhiều dấu vết của các nhóm lợi ích muốn duy trì vị thế thị trường.

Đối với cách thức tính giá cơ sở hiện nay, VESS đánh giá có nhiều điểm yếu. Điều này khiến giá xăng dầu cơ sở không phản ánh đúng giá xăng dầu thực tế và không theo kịp sự thay đổi giá xăng dầu của thị trường quốc tế.

Cách tính thuế hoàn toàn theo tỉ lệ (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT) hiện nay có thể khiến nguồn thu ngân sách bị động khi giá thế giới tăng, giảm đột ngột. Đồng thời cách tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền đang gián tiếp làm giảm tính đa dạng hóa thị trường nhập khẩu xăng dầu.

“Nước ta có cách áp thuế lên mặt hàng xăng dầu tương đối khác biệt so với vài nước lớn trên thế giới và trong khu vực. VN là một trong số ít quốc gia đa phần sử dụng các khoản thuế tương đối để áp lên mặt hàng xăng dầu. Đồng thời là quốc gia hiếm hoi áp trực tiếp đồng thời hai khoản thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu” - VESS chỉ rõ.

Theo VESS, mặc dù giá xăng dầu bán lẻ của VN ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, so với thu nhập bình quân đầu người thì mức giá này ở vị trí cao hơn so với vài quốc gia phát triển hoặc có cùng điều kiện về kinh tế như Mỹ, Nga, Malaysia, Indonesia…

Năm 2022 có thời điểm xăng dầu tăng liên tục sáu lần, tạo áp lực lớn cho người dân. Ảnh: AN HIỀN

Năm 2022 có thời điểm xăng dầu tăng liên tục sáu lần, tạo áp lực lớn cho người dân. Ảnh: AN HIỀN

Đề xuất lập sàn đấu giá xăng dầu

Liên quan đến tình hình thị trường xăng dầu hiện nay, chuyên gia xăng dầu Phạm Ngọc Hùng cho biết hai nghị định 83, 95 về kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ những hạn chế, bất cập và đang được nghiên cứu sửa đổi.

Trong đó về hạch toán giá hiện quy định là 10 ngày đổi giá/lần nhưng có ý kiến giảm xuống còn ba ngày. Ông cho rằng với 3-7 ngày, xăng dầu về đến nơi chưa kịp mở bán thì giá đã thay đổi, vì mất nhiều thời gian đàm phán, ký hợp đồng, vận chuyển, lưu kho...

“Tôi nói vui các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu bây giờ đang trở thành con bạc, đánh bạc với chính sách nhưng phải sửa thế nào? Ba ngày không hợp lý, bảy ngày cũng không hợp lý. Còn nếu để 15 ngày thì kéo dài quá, xa rời với giá thế giới” - ông Hùng nói.

Giải pháp ông Hùng đề xuất là cần lập sàn đấu giá xăng dầu. Ông lý giải vì lượng tiêu thụ xăng dầu của ta rất lớn, trong khi tự cung cấp trong nước chiếm đến 70% và đang mở rộng hơn. Như vậy nghĩa là nguồn cung xăng dầu không phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài.

Việc lập sàn đấu giá xăng dầu cũng giải quyết được các khó khăn về kho dự trữ xăng dầu. Vì các DN muốn tham gia sàn thì phải có kho cung ứng trực tiếp, DN nào cung ứng nhanh, hậu mãi tốt, dịch vụ tốt thì chiếm lĩnh được thị trường. Vấn đề thứ hai cũng giải quyết được là minh bạch về giá, tránh độc quyền.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN, thì cho rằng dù VN đã tự cung cấp được 70% thị phần xăng dầu nhưng vẫn không thoát khỏi ảnh hưởng của giá thế giới. Bởi 70% nguyên liệu đầu vào của hai nhà máy lọc dầu đều tính bằng giá thế giới. “Chúng ta chịu ảnh hưởng rất trầm trọng từ giá quốc tế. Ngay như Trung Quốc cũng muốn lập một sàn về giá xăng dầu trong nước nhưng cũng không thành công” - ông Bảo nói.

Ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội DN nhỏ và vừa VN, cho biết trong bốn năm qua, hoạt động kinh doanh của DN bán lẻ xăng dầu vô cùng khó khăn. Nhiều DN đã phải phá sản vì chiết khấu 0 đồng, lỗ kéo dài.

“Hiện các nghị định về kinh doanh xăng dầu đều quy định khi thị trường có biến động thì cơ quan quản lý phải chủ động đề xuất thay đổi giá nhưng thời gian qua, hai bộ Công Thương và Tài chính cứ đổ qua đổ lại. Chỉ cần thực hiện đúng quy định của nghị định đó thôi chúng ta đã làm chủ được thị trường” - bà Hường nói.•

Kiến nghị thay đổi cách áp thuế

Để tăng tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh xăng dầu, nhóm nghiên cứu của VESS đề xuất các giải pháp sửa đổi chính sách liên quan như các quy định vận hành thị trường, chiết khấu, cho phép DN bán lẻ được nhập xăng dầu từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau… Chính phủ và các cơ quan, ban ngành liên quan cần tính đúng, tính đủ giá xăng dầu cơ sở, đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, DN bán lẻ và Chính phủ.

Về cách tính các khoản thuế lên mặt hàng xăng dầu, nhóm tác giả khuyến nghị thay đổi cách áp hai khoản thuế bảo vệ môi trường hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt. Cụ thể như các quốc gia trên thế giới là gộp hai loại vào một hoặc bỏ một trong hai loại thuế trên. Sử dụng thuế tuyệt đối thay vì thuế tương đối, cụ thể với thuế tiêu thụ đặc biệt với mức gợi ý là 2.000 đồng/lít…

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-de-xuat-lien-quan-den-thi-truong-xang-dau-post739762.html