Nhiều địa phương đề xuất không bỏ thi THPT quốc gia vì lo thí sinh lại vất vả thi tuyển sinh nhiều trường
Sau khi Bộ GD-ĐT đề xuất Chính phủ 2 phương án vẫn thi THPT quốc gia hoặc bỏ thi, nhiều ý kiến lo ngại nếu không có kỳ thi này thì thí sinh sẽ rất vất vả về các thành phố lớn để dự các đợt thi tuyển sinh riêng của trường ĐH.
Nhiều lãnh đạo sở GD-ĐT nêu mong muốn vẫn tổ chức thi. Việc giữ ổn định kỳ thi tránh được nhiều xáo trộn, đặc biệt với học sinh. Hiện nay, số lượng học sinh có nhu cầu thi đại học rất lớn. Nếu không tổ chức thi THPT quốc gia, các em sẽ phải đến thành phố lớn để dự thi tại các trường đại học, như vậy sẽ áp lực và tốn kém.
Hiện một số địa phương đã bắt đầu cho học sinh đi học trở lại. Tỉnh Cà Mau cho học sinh lớp 9 và 12 đến trường trở lại từ ngày 20/4. Tỉnh Vĩnh Long cũng quyết định cho học sinh khối lớp 9 và 12 đến trường vào ngày 27/4.
Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng, cho biết dự kiến sẽ tham mưu UBND tỉnh quyết định cho học sinh đi học trở lại vào cuối tháng 4, đầu tháng 5.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết Sở này sẽ tham mưu UBND tỉnh cho học sinh đi học lại vào đầu tháng 5 tới nếu diễn biến dịch bệnh không có gì bất thường.
Riêng Thanh Hóa dự kiến đề xuất UBND tỉnh cho học sinh THCS, THPT đi học lại vào đầu tháng 5; các cấp học thấp hơn trở lại trường học sau đó khoảng từ 1-2 tuần.
Nghệ An, Quảng Nam cũng dự kiến thời điểm mở cửa trường học vào đầu tháng 5. Thanh Hóa dự kiến đề xuất UBND tỉnh cho học sinh THCS, THPT đi học lại vào đầu tháng 5; các cấp học thấp hơn trở lại trường học sau đó khoảng từ 1-2 tuần…
Với Yên Bái, ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GDĐT cho biết đã chủ động đưa ra 5 kịch bản tương ứng với 5 mốc thời gian dự kiến học sinh đi học trở lại, mốc sớm nhất là 20/4 và mốc muộn nhất là 15/6; kịch bản tương ứng với mỗi mốc thời gian đều tính đến đầy đủ các yếu tố, từ thực hiện chương trình đến ôn tập, đội ngũ, kinh phí kèm theo…
Thực tế, đối với những địa phương thuộc nhóm nguy cơ thấp, việc cho học sinh đi học trở lại đang được tính toán sớm nhất có thể trước thời hạn các kỳ thi tuyển sinh đang đến gần.
Được biết 2 phương án tổ chức thi THPT quốc gia được Bộ đề ra bao gồm trường hợp học sinh có thể đi học trước ngày 15-6, kỳ thi THPT quốc gia vẫn được tổ chức từ ngày 8 đến 11-8 và Bộ sẽ xem xét giảm môn thi, giảm nhẹ yêu cầu.
Nếu dịch bệnh phức tạp hơn, Bộ GD-ĐT dự kiến không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép để phù hợp với Luật Giáo dục.
Điều này khiến các trường ĐH phải lên kế hoạch tổ chức thi tuyển sinh riêng trong đó, riêng ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức công bố tổ chức thi riêng. Tuy nhiên cách làm đó cũng khiến học sinh lớp 12 khá bị động khi chưa được quay lại trường đã phải đối mặt với nhiều thay đổi trong thi cử, tuyển sinh ĐH năm nay.