Nhiều địa phương quyết tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao

Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế vào sáng 21.2, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết sẽ phấn đấu tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu được Chính phủ giao, với giải pháp trọng tâm là: quyết liệt giải ngân đầu tư công và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục từ nay đến năm 2045. “Chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, Nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc", Thủ tướng nói.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 21.2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 21.2.

Vừa qua, Chính phủ đề xuất phương án tăng trưởng năm 2025 từ 8% trở lên và được Trung ương, Quốc hội nhất trí. Chính phủ cũng đã giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh: “Muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ, ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%”.

Nhiều “đầu tàu” hướng tới tăng trưởng hai con số

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết sẽ phấn đấu tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao.

TP. Hồ Chí Minh được giao chỉ tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay, song “vì cả nước, vì đồng bào thành phố, Thành phố phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10%”, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được nói. Theo đó, trước mắt, thành phố sẽ đưa bộ máy sắp xếp đi vào hoạt động nhanh, kịp thời, không để tình trạng gián đoạn trong quản lý nhà nước. Đồng thời tập trung cải cách hành chính, tháo gỡ các điểm nghẽn để đưa các dự án tồn đọng, dự án có vướng mắc vào hoạt động, tạo nguồn lực phát triển trong thời gian tới. Cùng với đó, thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và chủ yếu đầu tư vào hạ tầng giao thông...

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cũng cam kết “đạt mục tiêu tăng trưởng 12,5% Chính phủ giao, thậm chí có thể tăng trưởng ở mức cao hơn”. Trong quý I, GRDP của Hải Phòng đạt khoảng 12%, cao hơn mức trung bình của quý I các năm trước, thường là 10%. Thành phố đang xây dựng kế hoạch phát triển với mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân đạt 15,6% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Ông Tùng cho biết, vừa qua, Thủ tướng phê duyệt Khu kinh tế ven biển phía Nam của thành phố quy mô 13.000ha. Đây là dự án trọng điểm, là cơ sở đạt mục tiêu tăng trưởng. Thành phố đang tập trung đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ triển khai dự án; nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn trên thế giới cũng đang quan tâm và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Với dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng, thành phố cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai và kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét phương án thi công đồng thời từ cả hai đầu tuyến để rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa dự án vào vận hành. Về hệ thống cảng biển quốc tế Tân Vũ - Lạch Huyện, thành phố kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét, phê duyệt phát triển bến cảng 9 đến bến 12 để bảo đảm kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông.

Với tinh thần trách nhiệm và xét tiềm năng, lợi thế của mình, Quảng Ninh cũng quyết tâm phấn đấu tăng trưởng vượt 14%, cao hơn 2 điểm phần trăm so với chỉ tiêu Chính phủ giao, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn cho biết. Tỉnh lấy đầu tư công, lấy đầu tư ngoài ngân sách làm động lực tăng trưởng chính; bảo đảm các ngành truyền thống như than, điện phải đạt chỉ tiêu đặt ra; thu hút du lịch doanh thu phải đạt hơn 55.000 tỷ đồng… Tỉnh cũng mong muốn Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương triển khai khu du lịch phức hợp cao cấp của Khu Kinh tế Vân Đồn. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD, nếu được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất sẽ đóng góp vào tăng trưởng cho năm 2025 và những năm tiếp theo…

Bên cạnh đó, nhiều địa phương xác định sẽ tập trung phát triển các động lực tăng trưởng mới, toàn diện. Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là trên 50% (khoảng 150.000/210.000 doanh nghiệp đang hoạt động); phát triển hơn 200 đơn vị được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học, công nghệ; tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế sáng tạo, phấn đấu 2025, tỷ trọng kinh tế số của Hà Nội đạt trên 20 tỷ USD; lập thêm các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… Đà Nẵng tập trung vận hành hiệu quả Khu Công viên phần mềm số 2; tập trung nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và chính sách ưu đãi phù hợp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hàng đầu trong lĩnh vực vi mạch quốc tế; phấn đấu doanh thu thông tin - truyền thông tăng 10 - 10,5%; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 180 - 200 triệu USD, tăng 12 - 13%...

Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cơ chế, chính sách đột phá

Trên bình diện chung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, thời gian tới, cần tập trung cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án. Cùng với đó, xóa bỏ định kiến về doanh nghiệp, dân doanh; luôn đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, quy định mới, đột phá, quy định "luồng xanh" cho các dự án trong lĩnh vực công nghệ cao.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả, đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW vào cuộc sống; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các chính sách mới, đột phá đã được Quốc hội cho phép thí điểm về đầu tư, tài chính, đấu thầu, thử nghiệm có kiểm soát, cơ chế quỹ, đầu tư mạo hiểm, quỹ khoa học, công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu của doanh nghiệp... để tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, tập trung rà soát sửa đổi, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, hoàn thiện. Tiếp tục xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 FTA đã ký kết; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu...

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước, chủ động đưa ra giải pháp, công cụ với thời điểm, liều lượng hợp lý để có thể góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Căn cứ vào mục tiêu lạm phát khoảng từ 4,5 - 5%, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi diễn biến thực tế để có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để có thể tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; triển khai gói tín dụng thủy sản 100 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ nhà ở là 120 nghìn tỷ đồng…

Đánh giá cao các báo cáo, ý kiến với tinh thần thống nhất, chiến đấu cao, các giải pháp cụ thể với tính khả thi cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, tiếp thu các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành chỉ thị của Thủ tướng để tổ chức thực hiện.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhieu-dia-phuong-quyet-tang-truong-cao-hon-chi-tieu-chinh-phu-giao-post405266.html