Nhiều địa phương siết chặt quản lý thực phẩm, sữa, sản phẩm dinh dưỡng…
Sau khi lực lượng chức năng phanh phui các vụ thực phẩm, sữa, sản phẩm dinh dưỡng… không đảm bảo chất lượng, nhiều địa phương tổ chức kiểm tra.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc bị tạm giữ tại Hải Dương
Người dân đặc biệt quan tâm thực phẩm “bẩn”, thuốc, sữa, sản phẩm dinh dưỡng… trong thời gian gần đây, do lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm giả, không an toàn với người sử dụng. Do đó, tại nhiều địa phương, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Ninh Bình vừa kiểm tra, giám sát đối với hơn 300 cơ sở kinh doanh, nhà phân phối ở tất cả các địa bàn các huyện, thành phố, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đối với các mặt hàng: sữa, thuốc, thực phẩm chức năng; các mặt hàng là nhu yếu phẩm như: mì chính, hạt nêm, dầu ăn… đặc biệt là các sản phẩm nằm trong danh sách 84 sản phẩm sữa đã thu giữ trong đường dây sản xuất sữa giả quy mô lớn vừa triệt phá trong thời gian qua.
Chi cục QLTT tỉnh Ninh Bình cho biết, hoạt động kiểm tra này sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.
Tương tự, tại Hải Dương, lực lượng chức năng cũng kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Thị Minh Thu trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Thanh Bình (TP Hải Dương).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên 3.700 sản phẩm đồ ăn chế biến sẵn, có thể ăn ngay, giá bán khá rẻ, hầu hết dưới 10.000 đồng/sản phẩm. Đồ ăn được đóng trong các túi nilon, phía ngoài bao bì in chữ nước ngoài giống chữ Trung Quốc.
Các sản phẩm được chủ cửa hàng tự ghi là: bít tết BBQ, bít tết trâu nướng, bò Tây Tạng mini, bò ướt, cá cay các màu, chả cá xốt cay, đậu cá hải sản, mực nhồi thịt, sụn tai xào cay, thịt nướng nấm... Đây là các sản phẩm được nhóm đối tượng trẻ em rất ưa chuộng trên thị trường.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ hộ kinh doanh Nguyễn Thị Minh Thu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp đối với số hàng hóa trên. Toàn bộ số hàng hóa đã được tạm giữ để xử lý theo quy định.
Cũng tại Hải Dương, sau khi kiểm tra kho chứa hàng hóa ở xã Bắc An (TP Chí Linh) do ông D.V.Q. làm chủ, lực lượng chức năng cũng phát hiện 264 gói gia vị tổng hợp, 128 hộp, gói gia vị hương gà, 30 hộp bột gà già không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ mua bán hàng hóa. Số hàng hóa này có tổng trị giá 48,3 triệu đồng.
Tại Nghệ An, Chi cục QLTT tỉnh Nghệ An cũng đã phát hiện một gia đình đang bày bán 360kg tràng lợn đông lạnh được chứa đựng trong 36 gói, loại 10kg/gói với tổng giá trị hàng hóa là 18 triệu đồng.
Toàn bộ số nội tạng động vật đông lạnh nêu trên đều không có nhãn hàng hóa, không ghi hạn sử dụng, không có tài liệu kèm theo hàng hóa. Trên bao bì chứa đựng sản phẩm không thể hiện bất cứ thông tin gì làm căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Hàng hóa đã bị biến chất, có mùi hôi thối.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Đình Phi không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán, các giấy tờ giao dịch có liên quan đến số nội tạng động vật nêu trên.
Đội QLTT số 11 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở kinh doanh nói trên với số tiền phạt là 12 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trong tháng 4, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội liên tiếp phát hiện các vụ việc lớn vi phạm về an toàn thực phẩm, tạm giữ hàng tấn gà đông lạnh, nội tạng bò… không có xuất xứ và đã có dấu hiệu hư hỏng.