Nhiều địa phương tại Bắc Giang linh hoạt giải pháp giảm nghèo đa chiều bền vững

Nhiều địa phương tại Bắc Giang triển khai loạt hoạt động trên cơ sở tiếp cận đủ 6 nhóm dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân theo bộ tiêu chí giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Dù đã có những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo song so với mặt bằng chung của tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ hộ nghèo của Sơn Động vẫn còn cao (hiện còn 15,59%). Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, Sơn Động ra khỏi danh sách huyện nghèo, địa phương này đã triển khai nhiều hoạt động trên cơ sở tiếp cận đủ 6 nhóm dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân theo bộ tiêu chí giảm nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

Với chiều thiếu hụt việc làm, huyện Sơn Động tiếp tục quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, dân tộc thiểu số. Địa phương luôn xác định giúp người dân nghèo có kiến thức, kỹ năng nghề, việc làm mới, tạo thu nhập ổn định chính là trao cho họ chiếc “cần câu” hiệu quả nhất để giảm nghèo bền vững.

Các chính sách về lao động, việc làm đã góp phần nâng cao tiêu chí về thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện. Giai đoạn 2020-2023, tỷ lệ hộ nghèo của Sơn Động giảm bình quân 5%/năm, cao hơn mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra là giảm 2,5-3%/năm. Riêng năm 2023, huyện giảm 5,23% tỷ lệ hộ nghèo (mục tiêu là 4%).

Năm nay, huyện được phân bổ hơn 4 tỷ đồng dự kiến tổ chức 25 lớp đào tạo nghề cho khoảng 750 lao động nông thôn. Với sự tích cực của các cấp, ngành, từ đầu năm đến nay Sơn Động đã tổ chức 6 lớp đào tại nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng được khai giảng thu hút 180 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo các xã: Đại Sơn, Giáo Liêm, Lệ Viễn, hai thị trấn An Châu và Tây Yên Tử.

Quan tâm, chăm lo đào tạo nghề, tạo việc làm bền vững cho người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo là hoạt động thiết thực.

Quan tâm, chăm lo đào tạo nghề, tạo việc làm bền vững cho người dân, đặc biệt là người nghèo, cận nghèo là hoạt động thiết thực.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh hoàn thành 100% các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất được phân bổ vốn, nhằm tạo việc làm, thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

65% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất. 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động (có sức lao động) có việc làm ổn định.

Tính đến cuối năm 2023, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh là 28.773 hộ/477.385 tổng số hộ dân toàn tỉnh (tương đương 6% số hộ). Toàn tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng.

Theo kế hoạch, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Bắc Giang hết năm 2025 còn 0,9%. Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm trên 4%, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%.

Để bù đắp chiều thiếu hụt về nhà ở cho người nghèo, cận nghèo, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã huy động nhiều nguồn lực xã hội hóa để thực hiện với sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp…, giúp người nghèo, cận nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Năm 2024, qua rà soát, toàn huyện có 127 nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, xây mới 73 nhà, sửa chữa 54 nhà. Sau hai tháng triển khai, Ban Chỉ đạo các cấp trên địa bàn huyện Lạng Giang đã vận động được trên 2,4 tỷ đồng, hơn 7 vạn viên gạch không nung và 811 ngày công. Tính đến nay, toàn huyện đã khởi công được 97/127 nhà; trong đó xây mới 46 nhà, sửa chữa 51 nhà. Hiện, 37 công trình nhà ở đã hoàn thành và bàn giao cho hộ nghèo đưa vào sử dụng.

Từ nay đến cuối năm, có 166 hộ nghèo, cận nghèo và 29 hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở tại huyện Lạng Giang cần sửa chữa, xây mới với tổng kinh phí hỗ trợ gần 11 tỷ đồng. Huyện phấn đấu đến hết tháng 11/2024 sẽ hoàn thành các ngôi nhà, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều.

Ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang, đánh giá việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình người có công khó khăn về nhà ở bằng cách vận động hỗ trợ theo hình thức “Chìa khóa trao tay”; triển khai xây dựng mô hình nhà lắp ghép nhằm phát huy tinh thần tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc, giúp cho hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhieu-dia-phuong-tai-bac-giang-linh-hoat-giai-phap-giam-ngheo-da-chieu-ben-vung-2314346.html