Nhiều địa phương triển khai quy hoạch nông thôn còn hạn chế
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy thay đổi nông thôn trên nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc nông thôn.
Phá vỡ cấu trúc, không gian
Có thể thấy, nhiều địa phương và các cơ quan liên quan đã nghiêm túc thực hiện và triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo được sự chuyển biến rõ nét và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác lập, quản lý quy hoạch kiến trúc nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới đạt được thành tựu to lớn trong những năm qua làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn.
Bảo tàng Hồ Chí Minh (ảnh minh họa)
Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc triển khai quy hoạch còn hạn chế, đặc biệt là việc bảo vệ, phát huy không gian kiến trúc truyền thống, bảo vệ di tích văn hóa lịch sử. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến các vùng ven đô, vùng nông thôn, dẫn đến sự thay đổi về mặt xã hội, văn hóa, lối sống ở nông thôn nhanh chóng tác động đến các vấn đề xây dựng. Khu vực nông thôn, kiến trúc ngày càng mất bản sắc truyền thống, pha tạp, không phù hợp với cảnh quan tự nhiên. Kiến trúc công trình công cộng, nhà ở theo tuyến và nhà ở phân tán không phù hợp với quy hoạch, địa hình tự nhiên, thiếu điểm nhấn, thiếu phân bố không gian hợp lý (giữa khu vực sản xuất, dân sinh, công trình công cộng, cây xanh).
Một góc thành phố Phan Thiết (ảnh: N. Lân)
Các không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính tín ngưỡng như: đình làng, đền, chùa và các không gian phụ trợ như: sân đình, giếng làng, ao làng... đang dần bị lấn chiếm do không gian ở và không gian sản xuất nghề truyền thống tạo nên. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng nhà ở, nhà xưởng sản xuất, nơi giới thiệu bán sản phẩm tại khu trung tâm… thường không đồng bộ, hoàn chỉnh trong nhiều năm, dẫn đến phần lớn các không gian văn hóa truyền thống, trong quá trình phát triển, đã rơi vào tình trạng biến đổi cấu trúc, phá vỡ không gian. Việc triển khai Luật Kiến trúc và định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam còn chậm, các văn bản pháp luật nhiều điểm chưa phù hợp thực tế cả về nội dung chuyên môn đến nguồn lực thực hiện.
Do đó, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 7/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam. Với mục tiêu nhằm nâng cao công tác quản lý, phù hợp và thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về kiến trúc hướng đến xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đường Lê Duẩn - TP. Phan Thiết (ảnh: N. Lân)
Xây dựng nông thôn mới có bản sắc riêng
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu xác định nội dung của kế hoạch gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan quản lý nhà nước và địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ thực hiện kế hoạch. Xác định vai trò và mối quan hệ giữa bản sắc địa phương với kiến trúc nông thôn sẽ góp phần xây dựng kiến trúc nông thôn mới có bản sắc, duy trì và truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển nông thôn nói chung và trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói riêng. Xây dựng quy hoạch kiến trúc nông thôn trên địa bàn tỉnh với định hướng phát triển tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống gắn với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cầu Lê Hồng Phong bắc qua sông Cà Ty (ảnh: minh họa)
Để kế hoạch được triển khai có hiệu quả, UBND tỉnh đề ra các giải pháp. Cần xác định rõ quy mô, ranh giới, tính chất của khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn trong đồ án quy hoạch chung xây dựng xã theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025. Phát triển các điểm dân cư tập trung có quy mô, có điều kiện sống như người dân đô thị. Khu vực ven đô cần được xác định rõ và có các giải pháp quy hoạch hài hòa với không gian đô thị, giữ được bản sắc, khai thác tốt tiềm năng trong giai đoạn trước mắt, tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng. Nâng cấp các dịch vụ đô thị ở khu vực nông thôn theo hướng tiếp cận với các tiêu chuẩn của đô thị để hỗ trợ quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế…
UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật (liên quan quy hoạch xây dựng, kiến trúc) tham mưu UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất cơ quan Trung ương để ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với điều kiện thực tế, truyền thống văn hóa, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, theo quy định pháp luật hiện hành.