Nhiều điểm mới trong tuyển sinh 2024 của trường Đại học Y Hà Nội

Năm 2024, trường Đại học Y Hà Nội mở thêm 3 ngành đào tạo mới gồm: tâm lý học, kỹ thuật phục hình răng và hộ sinh. Số sinh viên sau khi tốt nghiệp tiếp tục theo học nội trú tại trường có tỷ lệ cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, PGS.TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Đại học, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, Đề án tuyển sinh năm 2024 của trường Đại học Y Hà Nội có 4 điểm mới.

Tỷ lệ sinh viên trường Đại học Y Hà Nội tốt nghiệp có việc làm đạt tới 99% hàng năm - Ảnh: VGP/HM

Tỷ lệ sinh viên trường Đại học Y Hà Nội tốt nghiệp có việc làm đạt tới 99% hàng năm - Ảnh: VGP/HM

Những ngành đào tạo mới và phương thức tuyển sinh

Thứ nhất, Nhà trường mở thêm 3 ngành đào tạo mới gồm: ngành tâm lý học (60 chỉ tiêu), ngành kỹ thuật phục hình răng (50 chỉ tiêu) và ngành hộ sinh (50 chỉ tiêu). Trong đó, ngành kỹ thuật phục hình răng và ngành hộ sinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức đào tạo.

Đối với ngành tâm lý học, Nhà trường mở ngành đào tạo này thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi theo hướng dẫn và quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm nay, Nhà trường xét tuyển theo 3 tổ hợp là B00 (Toán, Hóa, Sinh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh).

Thứ hai, năm nay Nhà trường cũng tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành kỹ thuật xét nghiệm y học và ngành kỹ thuật phục hồi chức năng tại Phân hiệu của Nhà trường ở Thanh Hóa.

Thứ ba, Nhà trường dành 40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo của các ngành: Y khoa, răng hàm mặt, điều dưỡng đào tạo theo chứng chỉ tiên tiến, cho xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT của tổ hợp D00 (Toán, Hóa, Sinh).

Thứ tư, riêng với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực y tế công cộng, có cấp chứng chỉ hành nghề, năm nay Nhà trường tuyển sinh theo 3 tổ hợp: B00 (Toán, Hóa, Sinh), B08 (Toán, Sinh, Tiếng anh), D01 (Toán, Văn, Anh).

Theo PGS Lê Đình Tùng, việc sử dụng 3 tổ hợp này để tuyển sinh ngành y tế công cộng năm nay là do căn cứ tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, vị trí việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp và ý kiến của các bên liên quan, đặc biệt là các nhà tuyển dụng.

Đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành y tế công cộng thường làm việc trong các tổ chức quốc tế, các chương trình y tế quốc gia, chương trình y tế trọng điểm hoặc tại các đơn vị sự nghiệp.

Các đơn vị sử dụng những đối tượng lao động này thường liên quan đến các công việc như: viết dự án, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và viết báo cáo, trình bày báo cáo nên rất cần các năng lực về ngoại ngữ.

"Vì vậy, sau khi rà soát, đối chiếu với các nội dung, yêu cầu chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra thì Nhà trường bổ sung thêm 2 tổ hợp mới để tuyển sinh ngành này, với mục đích tăng cường khả năng tiếp cận các ngành đào tạo của Nhà trường đối với sinh viên, học sinh học theo phân ban ở cấp THPT", Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ.

Năm 2024, trường Đại học Y Hà Nội mở thêm 3 ngành đào tạo mới - Ảnh: VGP/HM

Năm 2024, trường Đại học Y Hà Nội mở thêm 3 ngành đào tạo mới - Ảnh: VGP/HM

Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt tới 99%

PGS.TS Lê Đình Tùng nhấn mạnh, mỗi năm Nhà trường đều có thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành nghề sau khi tốt nghiệp 12 tháng các ngành đào tạo của Nhà trường.

Tỷ lệ này của Nhà trường cao nhất trong khối các trường đào tạo về lĩnh vực sức khỏe trên cả nước, với mức trung bình các năm đạt 98-99%.

Một số ngành trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của trường có tỷ lệ sinh viên ra trường sau 12 tháng tốt nghiệp, có việc làm đúng ngành nghề đạt 85% như ngành y học dự phòng, y học cổ truyền, thậm chí có ngành đạt 50% (sinh viên y khoa), đó là do các em sinh viên còn lại sau khi tốt nghiệp, tiếp tục theo học bậc nội trú và các bậc học sau đại học tại Nhà trường, thay vì đi làm ngay.

"Thống kê này dựa trên kết quả khảo sát những sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm ngay, trong khi hầu hết sinh viên các nhóm ngành đào tạo cấp bằng bác sĩ đều tham dự kỳ thi tuyển bác sĩ nội trú, tiếp tục học ở bậc học này thêm 3 năm trước khi hành nghề", PGS Lê Đình Tùng cho biết.

Hiện nay, mỗi năm trường Đại học Y Hà Nội có khoảng 500 chỉ tiêu đào tạo bác sĩ nội trú, trong đó có hơn 400 sinh viên của Nhà trường tiếp tục theo học sau khi tốt nghiệp.

Theo nguyện vọng của nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp, việc được tiếp tục theo học bác sĩ nội trú là ước mơ của sinh viên Đại học Y Hà Nội, vì các em sẽ có nhiều cơ hội việc làm nhất tại các bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện lớn, bệnh viện quốc tế…

Tuyển sinh tổ hợp Văn – Sử - Địa ngành nào?

Đối với kỳ tuyển sinh năm nay, Nhà trường cũng lưu ý những thí sinh đăng ký tuyển sinh vào học ngành điều dưỡng kết hợp xét tuyển chứng chỉ quốc tế. Cụ thể, năm nay Nhà trường có sử dụng thang điểm Ielts hoặc tương đương 5.0 để xét tuyển kết hợp ngành này.

Đối với ngành tâm lý học – ngành mới tuyển sinh năm nay, Nhà trường dự kiến tuyển sinh 60 chỉ tiêu cho 3 tổ hợp (B00 – Toán, Hóa, Sinh; C00 – Văn, Sử, Địa; D01 – Văn, Toán, Anh).

"Nhà trường sử dụng 3 tổ hợp này để tuyển sinh ngành tâm lý học – thuộc lĩnh vực khoa học và hành vi, chứ không sử dụng tổ hợp C00 – Văn, Sử, Địa để tuyển sinh tất cả các ngành sức khỏe của Nhà trường", ông Lê Đình Tùng khẳng định.

Đặc biệt, năm nay Nhà trường cũng sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực học sinh trung học phổ thông năm 2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển một số ngành của Nhà trường, trong đó có ngành kỹ thuật xét nghiệm y học, ngành kỹ thuật phục hồi chức năng và ngành điều dưỡng.

Các ngành này đào tạo tại Phân hiệu của Nhà trường ở Thanh Hóa. Nhà trường đã dành 10 chỉ tiêu của mỗi ngành đào tạo để tuyển sinh theo hình thức này.

Thông tin ngành điều dưỡng tuyển sinh đào tạo theo chương trình mới của Nhà trường chỉ tuyển được 4 sinh viên trong năm 2023 là hoàn toàn không chính xác. Hàng năm, Nhà trường có dành chỉ tiêu tuyển sinh kết hợp xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và nếu không tuyển đủ theo phương thức này thì Nhà trường sẽ sử dụng tiếp chỉ tiêu tuyển sinh của ngành này cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia.

"4 sinh viên này có đủ năng lực, yêu cầu về ngoại ngữ để tuyển thẳng hoặc xét trúng tuyển kết hợp. Các sinh viên khác là xét tuyển theo phương thức dựa vào kết quả thi 3 môn Toán, Hóa, Sinh của kỳ thi tốt nghiệp THPT", PGS Lê Đình Tùng lý giải.

Năm 2023, tỷ lệ xét tuyển kết hợp đối với ngành điều dưỡng đào tạo theo chương trình mới của Nhà trường đạt 103%, tức là tổng chỉ tiêu luôn đủ và thừa. Nhà trường đã dành 20% chỉ tiêu cho xét tuyển kết hợp có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Nhiều học sinh đủ điều kiện xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhưng lại đăng ký học nhiều ngành khác nên chỉ tiêu tuyển sinh của ngành điều dưỡng theo chương trình mới được chuyển sang xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với 3 môn Toán, Hóa, Sinh.

"Tỷ lệ trúng tuyển và nhập học đối với tất cả các ngành của Trường đều rất cao và đứng đầu trong nhóm các trường đào tạo các ngành sức khỏe. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Trường đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe, có cấp chứng chỉ hành nghề luôn cao hơn so với ngưỡng chung cả nước. Hàng năm, hầu hết các ngành đào tạo của Nhà trường luôn tuyển đủ 100% chỉ tiêu", đại diện Nhà trường nhấn mạnh.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/nhieu-diem-moi-trong-tuyen-sinh-2024-cua-truong-dai-hoc-y-ha-noi-102240621100113743.htm