Nhiều 'điểm nghẽn' trong phát triển điện khí LNG
Các dự án điện khí LNG tại Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, từ thủ tục hành chính chậm trễ đến vướng mắc trong hợp đồng mua bán điện, khiến tiến độ triển khai dự án bị đình trệ.
Các dự án điện khí LNG đang gặp phải nhiều trở ngại
Việt Nam đang đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ điện khí LNG để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo Quyết định 500/QĐ-TTg, đến năm 2030, nguồn điện này sẽ chiếm 14,9% tổng công suất, cung cấp 83 tỷ kWh. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án đang gặp phải nhiều khó khăn.
Ông Lã Hồng Kỳ - Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng cho biết, quá trình thực hiện các dự án nhà máy nhiệt điện khí trọng điểm đang tồn tại những thách thức, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Ông Lã Hồng Kỳ chỉ rõ, một số tỉnh chưa tiến hành lựa chọn được nhà đầu tư như Thanh Hóa, Nghệ An và Ninh Thuận do còn lúng túng, chậm trễ trong công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Tiếp đó là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, công tác bàn giao đất, cho thuê đất đối với dự án nguồn và tuyến đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án.
Liên quan đến các vướng mắc với chủ đầu tư, ông Lã Hồng Kỳ chia sẻ, các chủ đầu tư đã được giao dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc trong thu xếp vốn vay do phải đáp ứng các yêu cầu của tổ chức tín dụng (các dự án điện khí hiện nay, trừ dự án Nhơn Trạch 3 và 4, đang sử dụng hợp đồng mua bán điện (PPA) của dự án để đi thu xếp toàn bộ vốn vay cho dự án).
"Hiện chưa có dự án điện khí nào hoàn thành việc đàm phán, ký kết hợp đồng PPA với EVN do còn một số vướng mắc: liên quan đến tỷ lệ điện năng qua hợp đồng (Qc) dài hạn ổn định hoặc Chuyển ngang cam kết sản lượng mua khí từ Hợp đồng mua khí sang hợp đồng mua điện, và vấn đề chuyển ngang giá khí sang giá điện", ông Kỳ cho hay.
Ngoài ra, các chủ đầu tư nước ngoài còn yêu cầu thêm bảo lãnh của Chính phủ như bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh chấm dứt hợp đồng của EVN, bảo lãnh rủi ro tiến độ đường dây truyền tải điện…
Theo ông Kỳ, tính đồng bộ là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công của các chuỗi dự án khí. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án này thường gặp phải nhiều khó khăn, bao gồm sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài khó kiểm soát, thời gian thực hiện kéo dài, dẫn đến rủi ro về công nghệ và chính sách, sự tham gia của nhiều chủ đầu tư khác nhau, gây khó khăn trong việc phối hợp và ra quyết định và môi trường pháp lý phức tạp, liên quan đến nhiều bộ luật. Những yếu tố này không chỉ làm tăng chi phí và thời gian thực hiện dự án mà còn tạo ra những rào cản đáng kể đối với các nhà đầu tư.
Xây dựng khung pháp lý hoàn thiện để thu hút đầu tư vào điện khí LNG
Theo ông Lã Hồng Kỳ, để các dự án nhà máy nhiệt điện khí tiếp tục được triển khai đúng tiến độ thì ngoài việc xác định cơ cấu nguồn điện phù hợp cần phải tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết các khó khăn, thách thức nêu trên.
Ông Nguyễn Đức Tùng - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương cho biết, cần rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG trên cơ sở tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG. Theo đó, cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư trong các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch... để tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG. Các cơ chế chính sách được ban hành cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Để đảm bảo nguồn cung LNG ổn định và lâu dài, theo ông Nguyễn Đức Tùng, Việt Nam cần phát triển đồng bộ khai thác nội địa kết hợp với nhập khẩu. Việc tăng cường công tác tìm kiếm và thăm dò các mỏ khí mới là ưu tiên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu mà còn tạo cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên nội địa tiềm năng. Đồng thời, trong dài hạn, Việt Nam cần nghiên cứu khả năng phát triển các nhà máy sản xuất LNG nếu có đủ các điều kiện về công nghệ, tài chính và nhân lực.
Việt Nam cũng cần xây dựng và ban hành cơ chế nhập khẩu và bố trí các nhà máy điện khí trên quy mô cả nước để giảm giá thành vận chuyển nhiên liệu, cũng như khả năng hấp thụ nguồn nhiên liệu LNG của nhà máy điện.
Theo ông Tùng, việc ban hành cơ chế chuyển ngang giá LNG trong các hợp đồng mua bán LNG sang giá điện của các dự án điện khí LNG trong hợp đồng mua bán điện là điều kiện căn bản để đảm bảo hiệu quả và kích thích đầu tư cho các dự án điện khí LNG.
Ông Nguyễn Thành Sơn - Chuyên gia tư vấn độc lập về năng lượng cho rằng, không nên triển khai dự án điện LNG ở vùng biển nông như Thái Bình, vì vùng biển Thái Bình rất nông, tầu LNG lớn không vào được. Trong khi, tầu chở LNG tải trọng lớn là ưu thế của điện LNG vì làm cho chi phí hoạt động và giá thành điện của dự án giảm đi đáng kể.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhieu-diem-nghen-trong-phat-trien-dien-khi-lng-159074.html