Nhiều doanh nghiệp gỗ bị đình chỉ hoạt động nhà máy vì vướng quy định phòng cháy chữa cháy

Nhiều doanh nghiệp gỗ đang bị áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động nhà máy vì không đáp ứng được quy định phòng cháy chữa cháy. Hiện tại, các doanh nghiệp đang chờ hướng chỉ đạo của Chính phủ để Bộ Công an và Bộ Xây dựng giải quyết vấn đề này.

Kiến nghị lên Thủ tướng, ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho hay, toàn ngành gỗ nói chung và các doanh nghiệp khác nói riêng đang vướng mắc rất nhiều về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), đặc biệt là Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Quy chuẩn 06022 của Bộ Xây dựng.

Quy định phòng cháy chữa cháy đang gây khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp ngành gỗ (Ảnh minh họa: Int)

Quy định phòng cháy chữa cháy đang gây khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp ngành gỗ (Ảnh minh họa: Int)

Qua tổng kiểm tra của Bộ Công an, riêng Bình Định nói riêng và toàn ngành gỗ nói chung, có rất nhiều doanh nghiệp bị phạt về PCCC.

"Ngoài mức xử phạt hành chính từ 80- 90 triệu đồng/cơ sở, với những lỗi liên quan đến PCCC trong đầu tư xây dựng, thì doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động nhà máy", ông Thiện phản ánh.

Đặc biệt, việc xuất hàng sang thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Australia, cần phải có các chứng chỉ, trong đó ngoài tác động môi trường thì PCCC là một tiêu chí.

"Hiện tại, các doanh nghiệp đang chờ hướng chỉ đạo của Chính phủ để Bộ Công an và Bộ Xây dựng giải quyết vấn đề này", ông Thiện cho hay.

Trước tình hình khó khăn của ngành gỗ, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đề nghị rà soát các tiêu chuẩn PCCC đã ban hành từ lâu, không còn phù hợp, tiếp tục rà soát QCVN 0622 của Bộ Xây dựng và đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung các quy định về PCCC theo hướng phù hợp với năng lực và điều kiện của đa số doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển, chuyển đổi sản xuất từ tiểu thủ công nghiệp sang hiện đại.

Ngoài ra, một số công trình đã xây dựng và đưa vào hoạt động theo diện thu hút đầu tư của nhà nước, hiện hầu hết các công trình này không thể đáp ứng quy định tiêu chuẩn hiện hành về khoảng cách an toàn chữa cháy, khoảng cách đường ranh giới khu đất.

Như vậy, doanh nghiệp khó có thể đáp ứng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn. Nếu yêu cầu chủ doanh nghiệp khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của cơ quan công an để duy trì đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC và đưa vào hoạt động, như thiếu hệ thống, phương tiện PCCC, hệ thống nhà xưởng, kiến trúc trước đây, giờ chỉnh sửa lại theo yêu cầu mới là không thể làm được.

Không chỉ các doanh nghiệp ngành gỗ, thực tế nhiều quy định mới về PCCC đang khiến các doanh nghiệp nhiều ngành mắc kẹt. Nhiều công trình đầu tư vốn lớn ngưng trệ vì chưa được nghiệm thu PCCC. Điều kiện đảm bảo PCCC vướng ở chỗ chính doanh nghiệp cũng không biết phải đáp ứng như thế nào.

Theo Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE), hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp trong Hội điêu đứng vì các quy định PCCC, nhiều trường hợp đầu tư xây dựng nhà xưởng nhưng không hoạt động được vì không thể nào đáp ứng tiêu chí và quy định của PCCC. Quy định về PCCC quá cứng nhắc, chẳng khác nào thêm một “chốt chặn” đối với sự phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//quan-tri/nhieu-doanh-nghiep-go-bi-dinh-chi-hoat-dong-nha-may-vi-vuong-quy-dinh-phong-chay-chua-chay-1091996.html