Nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay khi chuyển đổi xanh

Tham gia quá trình chuyển đổi xanh, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn lực, thay đổi nhận thức và công nghệ, rào cản lớn nhất của doanh nghiệp là vấn đề tài chính.

Nông dân sẵn sàng thay đổi mô hình sản xuất

Sáng 19/2, tại TPHCM, Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh”.

Tại tọa đàm, các diễn giả và đại diện các doanh nghiệp (DN) đã thảo luận các vấn đề tiêu chuẩn xanh trong sản xuất, xu hướng kinh tế xanh, nguồn tài chính xanh và những vướng mắc trong tiến trình chuyển đổi xanh.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM - năm qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức kỷ lục 16,3 tỷ USD, tăng gần 21% so với năm 2023. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 9,1 tỷ USD, chiếm 56% tổng giá trị.

Ông Nguyễn Chánh Phương phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Chánh Phương phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: T.L

Tham gia quá trình chuyển đổi xanh, theo ông Phương, nhiều DN gỗ đã chuyển sang khai thác các nguyên liệu tự nhiên khác như mây, tre, lá. Tuy vậy, việc truy xuất nguồn gốc của những sản phẩm làm từ nguyên liệu này gặp khó khăn. Ngoài ra, các vấn đề như quản trị, thuế, quy trình chứng nhận nguồn gốc vẫn còn thách thức.

Sau thời gian đầu tư vào công nghệ xanh trong nông nghiệp, ông Nguyễn Thái Việt Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty Saty Holding – nhận thấy rằng nông dân sẵn sàng thay đổi mô hình sản xuất để thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là đầu ra cho sản phẩm xanh bởi khó cạnh tranh với nông sản truyền thống.

Ngoài hỗ trợ nông dân về kỹ thuật và giống, Saty Holding đang tập trung minh bạch hóa quy trình sản xuất bằng công nghệ số, kiểm soát chất lượng. Đại diện DN này muốn hợp tác với các ngân hàng để giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn xanh, thúc đẩy mô hình canh tác bền vững.

Đánh giá về quá trình tham gia chuyển đổi xanh của DN thành phố, ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (Huba) – cho rằng các DN đã có giải pháp chuyển đổi đa dạng và mạnh mẽ.

Ông Đinh Hồng Kỳ cho rằng khó khăn lớn nhất của DN khi chuyển đổi xanh là vấn đề tài chính. Ảnh: T.L

Ông Đinh Hồng Kỳ cho rằng khó khăn lớn nhất của DN khi chuyển đổi xanh là vấn đề tài chính. Ảnh: T.L

Năm 2024, có 98 DN được vinh danh là “Doanh nghiệp xanh TPHCM”. Điều này cho thấy xu hướng chuyển đổi xanh không chỉ phát triển tại thành phố mà đang lan rộng. Mới đây, ban vận động của Hội DN xanh thành phố cũng đã được thành lập, quy tụ nhiều DN lớn tham gia.

Theo ông Kỳ, 90% DN trong nước là các DN vừa và nhỏ (SME) nhưng phần lớn DN mạnh dạn chuyển đổi xanh lại là các tập đoàn lớn. Tham gia quá trình này, các SME đang gặp nhiều khó khăn từ nhận thức, nguồn nhân lực, công nghệ đến tài chính.

Trong đó, rào cản lớn nhất là vấn đề tài chính. Theo thống kê, khoảng 65% DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để thực hiện các dự án xanh. Dù đã có cơ chế hỗ trợ tài chính nhưng việc đưa nguồn vốn này đến đúng đối tượng đang là bài toán khó.

Sớm ban hành danh mục dự án để ngân hàng mạnh dạn cho vay

Đại diện phía ngân hàng, ông Vương Thành Long – Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV – nhận thức rằng, chuyển đổi xanh vừa là áp lực, vừa là cơ hội. Thực tế, quá trình này cần nguồn vốn lớn và công nghệ hiện đại. Dù lợi ích mang lại rất rõ nhưng DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn.

Ông Vương Thành Long kiến nghị cần sớm ban hành danh mục dự án xanh để ngân hàng làm căn cứ cho vay. Ảnh: T.L

Ông Vương Thành Long kiến nghị cần sớm ban hành danh mục dự án xanh để ngân hàng làm căn cứ cho vay. Ảnh: T.L

Tính đến hết năm 2024, tổng dư nợ tín dụng xanh của BIDV đạt 81.000 tỷ đồng. Bên cạnh việc giảm dần hạn mức cho vay đối với các ngành phát thải carbon cao như xi măng, sắt thép, phân bón, BIDV đang tăng cường tài trợ vốn cho các dự án xanh bằng ưu đãi lãi suất.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, đại diện BIDV kiến nghị cần sớm ban hành danh mục dự án xanh, tiêu chuẩn và điều kiện cụ thể để các ngân hàng có căn cứ triển khai cho vay.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lim Dyi Chang – Giám đốc Khối khách hàng DN, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, UOB đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh và hỗ trợ DN Việt trong quá trình phát triển bền vững.

Nỗ lực này không chỉ giúp DN tiếp cận vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án xanh mà còn góp phần vào cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Netzero) vào năm 2050 của Chính phủ.

Ông Lim Dyi Chang (bên phải), đại diện ngân hàng UOB Việt Nam. Ảnh: T.L

Ông Lim Dyi Chang (bên phải), đại diện ngân hàng UOB Việt Nam. Ảnh: T.L

Đại diện UOB Việt Nam cho biết, để khuyến khích DN đầu tư các dự án bền vững, ngân hàng đang cung cấp các khoản vay xanh với điều kiện ưu đãi hơn so với khoản vay truyền thống. Cụ thể, DN có thể được vay đến 70% khi có các dự án đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững quốc tế.

Bên cạnh cho vay đầu tư theo từng dự án, UOB Việt Nam còn hỗ trợ vốn lưu động cho các sáng kiến xanh, tạo điều kiện cho DN mở rộng hoạt động trong các lĩnh vực thân thiện môi trường.

Anh Phương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhieu-doanh-nghiep-kho-tiep-can-von-vay-khi-chuyen-doi-xanh-2372861.html