Nhiều động vật quý hiếm, nguy cấp được cứu hộ và trả về tán rừng Trường Sơn

Trong 6 tháng năm 2024, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tiếp nhận và cứu hộ 23 cá thể động vật hoang dã từ các tổ chức, cá nhân để chăm sóc, phục hồi tập tính và thả về môi trường tự nhiên tại khu vực Vườn Quốc gia 17 cá thể.

Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, là nơi sinh sống của nhiều loại động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Công tác cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật luôn đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Trần Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết, thời gian qua đơn vị này cứu hộ, chăm sóc nhiều cá thể động vật hoang dã thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm theo quy định tại Nghị định của Chính phủ.

Cán bộ Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Phong Nha - Kẻ Bàng chăm sóc sức khỏe cho cá thể linh trưởng.

Cán bộ Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Phong Nha - Kẻ Bàng chăm sóc sức khỏe cho cá thể linh trưởng.

Trong 6 tháng năm 2024, trung tâm tiếp nhận và cứu hộ 23 cá thể động vật hoang dã từ các tổ chức, cá nhân để chăm sóc, phục hồi tập tính và thả về môi trường tự nhiên tại khu vực Vườn Quốc gia 17 cá thể. Hiện nay, trung tâm đang chăm sóc và cứu hộ 73 cá thể động vật hoang dã với tỷ lệ cứu hộ thành công đạt gần 92%.

Ngày 6/3, đơn vị tiếp nhận cá thể khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) và 2 cá thể khỉ vàng (Macaca mulatta) từ người dân trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Trong đó, cá thể khỉ mặt đỏ được một người dân tại thôn Thuận Hoan, xã Đồng Hóa phát hiện trong khi đi làm rẫy và đưa về nhà chăm sóc. Sau khi được vận động, người dân tự nguyện giao nộp khỉ cho cơ quan chức năng. Còn 2 cá thể khỉ vàng được một người tại thị trấn Đồng Lê và xã Thanh Hóa giao nộp. Tại thời điểm tiếp nhận khỉ mặt đỏ đều bị suy giảm tập tính hoang dã.

Tiếp nhận cá thể khỉ mặt đỏ từ người dân.

Tiếp nhận cá thể khỉ mặt đỏ từ người dân.

Ngày 9/3, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chuyển giao nhiều động vật hoang dã gồm 3 cá thể khỉ đuôi lợn (Macaca leonina), 1 cá thể khỉ vàng (Macaca mulatta); 4 cá thể cầy hương (Viverricula indica), 1 cá thể dúi mốc lớn (Rhizomys pruinosus) và 2 cá thể chim hồng hoàng (Buceros bicornis).

Đến ngày 4/6, người dân ở thị trấn Phong Nha nộp 1 cá thể Rùa Sa nhân (Cuora mouhotii) có trọng lượng 0,6kg.

Theo lãnh đạo Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, đây là những các thể thuộc danh mục những loài động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Hồng hoàng là loài động vật thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); đồng thời là loài động vật thuộc nhóm IB Nghị định 84/2021/NĐ-CP.

Hồng hoàng là loài động vật thuộc Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); đồng thời là loài động vật thuộc nhóm IB Nghị định 84/2021/NĐ-CP.

"Sau khi cứu hộ, chăm sóc và phục hồi tập tính tự nhiên cho nhiều động vật hoang dã, đơn vị thả 17 cá thể về môi trường tự nhiên tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng", lãnh đạo Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cho biết.

Trước khi thả, những cá thể này được kiểm tra sức khỏe an toàn dịch bệnh, đủ thời gian cách ly kiểm dịch, đủ hồ sơ, hoàn tất công tác cứu hộ... Khu vực thả các loài động vật nguy cấp, quý hiếm này là khu vực an toàn, phù hợp với sinh cảnh của từng loài, được lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ.

Tiến hành thả các cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tiến hành thả các cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Việc cứu hộ và tái thả những cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên góp phần bảo vệ các loài động vật rừng có nguy cơ bị đe dọa, tuyệt chủng, đảm bảo các giá trị tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cho biết thêm, ngoài công tác chăm sóc, cứu hộ động vật hoang dã, đơn vị còn tiến hành nhân giống và sưu tập được 165 cây giống bản địa thuộc 3 loài. Cùng với đó gieo ươm, nhân giống được nhiều loài thực vật quý hiếm cải tạo cảnh quan khu cứu hộ động vật hoang dã.

Video: Cuộc sống của những con hổ Đông Dương dưới tán rừng Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Đan Thanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-dong-vat-quy-hiem-nguy-cap-duoc-cuu-ho-va-tra-ve-tan-rung-truong-son-16924061109104325.htm