Nhiều dự án giao thông giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả
Sau một thời gian gặp khó khăn, nhiều dự án (DA) giao thông trọng điểm ở địa phương đã 'khởi sắc' trong việc giải ngân nguồn vốn được giao kế hoạch trong năm 2023.
Nâng tỷ lệ giải ngân
DA xây dựng tuyến đường Phong Điền - Điền Lộc (Phong Điền) là một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh. Khởi công trước năm 2018, DA này có chiều dài hơn 16,25km với điểm đầu nối QL1A (thị trấn Phong Điền) và điểm cuối đến biển Điền Lộc, nhưng nhiều năm qua liên tục bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cũng như vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB).
Năm 2023, khi mặt bằng, nhất là khu vực cầu vượt đường sắt (Km0+0.0 - Km1+500) đoạn qua thị trấn Phong Điền và xã Phong Hiền được tháo gỡ bàn giao một phần đáng kể cho chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (BQL DA ĐTXDCTGT) tỉnh, tiến độ DA này đã có những bước tiến đáng kể.
Đến nay DA đã hoàn thành đoạn tuyến Km1+500-Km9+800; cầu Thiềm và cầu Bàu Bàng đưa vào sử dụng. Tại cầu vượt đường sắt đã hoàn thành đơn nguyên bên phải rộng 15,5m; 8/16 cọc khoan nhồi mố M1, M2 và 3/8 cọc khoan nhồi trụ T1, T2 đơn nguyên bên trái tuyến đã hoàn thành. Cùng với các hạng mục trên phần nền đường, mặt đường bê tông xi măng rộng 15,0m đoạn từ Km9+800-Km11 và hạng mục cầu Hòa Xuân 2, cầu Hòa Xuân 1 đã hoàn thành… Tiến độ giải ngân vốn của DA đến nay là hơn 506 tỷ đồng; trong đó năm 2023 được bố trí hơn 97 tỷ đồng và đang phấn đấu đến cuối tháng 1/2024 giải ngân đạt 100%.
Ông Lê Văn Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Thành Đạt, đơn vị chính thi công DA đường Phong Điền - Điền Lộc cho biết, hiện DA còn một số điểm qua địa bàn thị trấn Phong Điền và Phong Hiền đang vướng mắc, nhưng với sự nỗ lực tháo gỡ của chính quyền sở tại, cùng với việc phân bố vốn cho DA năm 2024, cũng như điều kiện thời tiết thuận lợi, hy vọng đoạn Km0+0.0 - Km12+937 (QL49B) cơ bản hoàn thiện vào cuối năm nay.
Cùng với DA đường Phong Điền - Điền Lộc, các DA như cầu vượt biển Thuận An, cầu vượt sông Hương, đường Phú Mỹ - Thuận An… việc giải ngân vốn năm 2023 đã “khởi sắc” dù công tác GPMB thời gian vừa qua chưa đạt như kỳ vọng. Đặc biệt, DA tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 2.400 tỷ đồng đã gặp khó về mặt bằng do vướng đất nuôi trồng thủy sản, nhiều lăng mộ ở xã Hải Dương và Thuận An (TP. Huế). Tuy nhiên, gần đây các bên liên quan vào, cuộc công tác GPMB ở đây từng bước tháo gỡ. Hiện nay, DA đang tập trung vào thi công gói thầu xây lắp số 10 do liên danh nhà thầu: Công ty CP xây dựng Tân Nam -Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương - Công ty CP 479 Hòa Bình thực hiện. Đây là một trong DA có tiến độ thi công đạt tốt. Vốn đã bố trí cho DA đến thời điểm này là hơn 1.274 tỷ đồng, thi công đạt hơn 55% khối lượng công việc. Trong đó, năm 2023 DA đã bố trí vốn hơn 621 tỷ đồng, đến thời điểm này đã giải ngân 100%.
Không để “đọng” vốn đầu tư công
Năm 2023, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều dự án trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Đáng mừng, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương top đầu có tỷ lệ giải nhân vốn đầu tư công cao trong cả nước. Tuy nhiên, xét về từng góc độ cụ thể vẫn còn nhiều DA có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2023 chưa đạt như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc BQL DA ĐTXDGT tỉnh chia sẻ, tính đến thời điểm này hầu hết các DA, đặc biệt biệt là DA giao thông trọng điểm do đơn vị quản lý, làm chủ đầu tư đều đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 từ 90-100%. Đây là một trong lĩnh vực đứng top cao về giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh.
Thành quả trên phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh; đồng thời chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền địa phương - nơi có DA giao thông đi qua đã đồng tâm hiệp lực tháo gỡ khó khăn, bất cập tồn tại của từng DA. Cụ thể, BQL DA ĐTXDGT tỉnh phân công, phân nhiệm cụ thể từng tổ, cán bộ phụ trách quản lý theo dõi tiến độ DA và làm “cầu nối” chia sẻ những thông tin, đề xuất tháo gỡ vướng mắc khi DA gặp khó khăn, nhất về công tác GPMB. Từ đó, nhiều DA, như: cầu vượt biển Thuận An, cầu vượt sông Hương, đường Phong Điền - Điền Lộc từng gặp khó về GPMB từng bước được tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ. Hơn nữa, yếu tố khá quan trọng là các nhà thầu cũng chủ động được nhân lực, phương tiện, thường xuyên nỗ lực tăng ca kíp, bất chấp thời tiết xấu, ngoại trừ những ngày bão lũ ở Huế…
Năm 2024, các DA giao thông trọng điểm ở địa phương đến thời điểm này đã được bố trí gần 1.288 tỷ đồng. Cụ thể như đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương: 360,646 tỷ đồng; đường bộ ven biển và cầu vượt cửa biển Thuận An: 547,332 tỷ đồng; đường Vành đai 3 là 165,086 tỷ đồng; đường Phú Mỹ - Thuận An 26 tỷ đồng; đường Phong Điền - Điền Lộc: 92 tỷ đồng; chỉnh trang mở rộng nút giao Trần Phú - Đặng Huy Trứ - Đoàn Hữu Trưng gần 27 tỷ đồng...
Theo lãnh đạo BQL DA ĐTXDGT tỉnh, để đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công hoàn thành kế hoạch năm 2024, đơn vị có kế hoạch cụ thể, thường xuyên chỉ đạo, phối hợp ban, ngành địa phương; các nhà thầu vào cuộc quyết liệt. Đồng thời, cam kết chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công không đạt mục tiêu đề ra. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về sở, ngành chức năng liên quan để sớm tháo gỡ, xử lý theo quy định.
Hiện nay, các nhà thầu đang bám sát tiến độ thi công từng DA; trước mắt hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 100% và không để “đọng” vốn đầu tư năm 2024.