Nhiều dự án kéo dài cả chục năm chưa triển khai

Cuối năm 2021, HĐND tỉnh đã thông qua danh mục thu hồi hơn 330 dự án trên các lĩnh vực vì quá thời hạn chưa tiến hành thu hồi đất để thực hiện. Tuy nhiên, hiện vẫn có những dự án kéo dài hơn 10 năm chưa xong khiến người dân rất bức xúc.

Khu nhà ở công nhân và chuyên gia xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) kéo dài 15 năm khiến nhiều người dân khá bức xúc. Ảnh: H.GIANG

Khu nhà ở công nhân và chuyên gia xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) kéo dài 15 năm khiến nhiều người dân khá bức xúc. Ảnh: H.GIANG

Khảo sát thực tế ở các địa phương trong tỉnh cho thấy, không ít dự án được quy hoạch qua 10-30 năm nhưng vẫn còn ngổn ngang. Có nhiều lý do khiến dự án chậm triển khai, nhưng chủ yếu vẫn là vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch lệch pha nhau, doanh nghiệp (DN) không đủ năng lực thực hiện dự án hoặc DN giữ đất chờ thời.

* Chờ đợi nhiều năm

Hầu hết các địa phương trên địa bàn Đồng Nai đều có những công trình, dự án quy hoạch nhiều năm chưa triển khai được làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng dự án. Đồng thời, dự án, công trình đã quy hoạch không thực hiện ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong các đợt tiếp xúc cử tri, đây là vấn đề được nhiều người dân trong tỉnh phản ánh.

Trong số các dự án giao thông sẽ triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, có 4 dự án gồm: nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773; xây dựng đường tỉnh 770B; mở rộng, nâng cấp đường tỉnh 769 và đường tỉnh 772 sẽ thực hiện khai thác quỹ đất lợi thế dọc hai bên đường để tạo nguồn vốn đầu tư. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng ngoài thực hiện đối với dự án xây dựng các tuyến đường thì cũng sẽ được thực hiện đối với các khu đất lợi thế được quy hoạch.

Đơn cử như tại các khu phố 1, 2, 3 của P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) có 4 dự án kéo dài gần 20-30 năm chưa thực hiện, gây ảnh hưởng đến đời sống của hơn 4,2 ngàn hộ dân đang sinh sống trong khu vực quy hoạch dự án. Vì thế, người dân bị mất đi các quyền lợi trên chính thửa đất của mình như: người dân không thể kê khai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được cấp phép xây dựng nhà ở nên nhiều năm nay nhà cửa xuống cấp xập xệ, không thể chia tách cho con khi đến tuổi trưởng thành muốn làm nhà sống riêng…

Bà Nguyễn Thị Linh (ngụ KP.1, P.Long Bình Tân) than thở: “Một phần diện tích của gia đình tôi bị quy hoạch mở rộng đường cho dự án khu dân cư cách đây gần 30 năm nên năm 1993, nhà tôi không được đăng ký kê khai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên căn nhà xây dựng sau hơn 30 năm đã xuống cấp trầm trọng nhưng không được cấp phép để xây dựng lại”. Vì vậy, gia đình bà Linh cũng như hàng ngàn hộ dân bị quy hoạch trong dự án “treo” chỉ mong thành phố, UBND tỉnh sớm thu hồi dự án, còn nếu triển khai tiếp thì phải thực hiện nhanh. Ngoài ra, tại một số phường khác của TP.Biên Hòa có những dự án kéo dài hơn 10 năm chưa thực hiện như: An Bình, Thống Nhất, Phước Tân, Tam Phước, Hóa An…

Tương tự, nhiều hộ dân ở H.Nhơn Trạch chịu tác động nặng nề vì những công trình, dự án kéo dài hơn 10 năm chưa xong. Cụ thể như dự án Khu nhà ở công nhân chuyên gia thuộc xã Phú Hội do Công ty TNHH Vạn Phúc làm chủ đầu tư được cấp phép hơn 15 năm vẫn còn ngổn ngang. Dự án Khu biệt thự Đại Phước Paragon ở xã Đại Phước của Công ty CP Đầu tư Việt Thiên Lâm được cấp phép gần 14 năm chưa làm xong. Tại các xã: Long Tân, Phước Thiền, Phú Thạnh, Vĩnh Thanh…, nhiều dự án kéo dài hơn 10 năm chưa được triển khai.

Ngoài ra, các huyện: Long Thành, Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu cũng có những dự án quy hoạch nhiều năm rồi để đó.

* Dự án “treo” 2 lần

Tại Đồng Nai, không hiếm cảnh dự án bị “treo” đến 2 lần, đó là khi UBND huyện, tỉnh thu hồi những dự án chậm triển khai nhưng vẫn giữ nguyên quy hoạch thì quyền hạn của người dân trên thửa đất vẫn bị hạn chế. Bởi có những công trình, dự án đưa vào kế hoạch thu hồi đất quá 3 năm không thực hiện bị thu hồi, nhưng quy hoạch giữ nguyên để mời gọi nhà đầu tư khác và tiếp tục đưa vào kế hoạch sử dụng đất của năm sau.

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, qua rà soát, trên địa bàn Đồng Nai có đến 100 dự án chậm triển khai, song việc thu hồi dự án rất khó khăn. Hiện nay, tỉnh đang cho sàng lọc lại, những nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án sẽ tiến hành thu hồi.

Mỗi năm, Đồng Nai đều đưa vào kế hoạch sử dụng đất khoảng 1,5 ngàn dự án trên các lĩnh vực, trong đó có đến hơn 80% dự án chuyển tiếp từ những năm trước qua và số dự án hoàn thành chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong quy hoạch sử dụng đất từ năm 2015-2020, toàn tỉnh quy hoạch gần 2 ngàn dự án phải thu hồi đất, nhưng đến cuối kỳ chỉ có hơn 800 dự án hoàn thành thu hồi đất, hơn 440 dự án đang triển khai công tác thu hồi đất và gần 740 dự án chưa triển khai.

Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức nhận xét: “Tỷ lệ dự án hoàn thành theo đúng tiến độ những năm gần đây đã được nâng lên gần 70%, nhưng trong đó vẫn còn không ít dự án do nhiều nguyên nhân chậm tiến độ nhiều năm. Mỗi năm, tỉnh đều rà soát hủy kế hoạch sử dụng đất của nhiều dự án chậm tiến độ”.

Tuy hằng năm đều có hàng trăm dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất quá 3 năm chưa triển khai phải đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất, nhưng vẫn còn nhiều dự án kéo dài 10-30 năm chưa xong. Người dân sống trong vùng bị quy hoạch dự án chỉ có một mong mỏi là dự án nếu triển khai thì phải đẩy nhanh tiến độ, còn nếu không thực hiện tiếp thì tiến hành thu hồi, xóa quy hoạch và trả lại quyền lợi trên thửa đất cho người dân.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202204/nhieu-du-an-keo-dai-ca-chuc-nam-chua-trien-khai-3112356/