Nhiều dự án lớn, trọng điểm của các Tập đoàn, Tổng công ty đạt giá trị thực hiện cao so với kế hoạch

9 tháng đầu năm 2024, các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu tiếp tục triển khai nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm với giá trị thực hiện đạt cao so với kế hoạch.

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng vượt tiến độ trong quý III/2024. Ảnh: ST

Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng vượt tiến độ trong quý III/2024. Ảnh: ST

Nổi bật trong số đó, theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có nhiều dự án trong lĩnh vực năng lượng. Tiêu biểu như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (đạt khoảng 42%), dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (đạt khoảng 65%); Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (đạt khoảng 80%); Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (đạt khoảng 108%); Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II (đạt khoảng 107%); Chuỗi dự án điện - khí lô B (đạt khoảng 40%); các Dự án đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối, đường dây 500 kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đã hoàn thành trong tháng 8/2024.

Trong lĩnh vực giao thông, hàng không có Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (đạt khoảng 51%); Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4 tại Lạch Huyện, Hải Phòng (đạt khoảng 18,02%); dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi (đạt khoảng 20%); Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành đạt khoảng 38,81%, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 143%; Dự án thành phần 3 - dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành ước đạt khoảng 16%, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 48%...

Với quyết tâm cao hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có những chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời, giúp các doanh nghiệp bảo đảm hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo đó, Ủy ban tập trung chỉ đạo doanh nghiệp khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế trong sản xuất, kinh doanh; triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 đột phá chiến lược của đất nước (thể chế, hạ tầng, nhân lực), làm mới 3 động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và bổ sung các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ)…

Bên cạnh đó, lãnh đạo Ủy ban đặc biệt chú trọng triển khai cơ cấu lại các Tập đoàn, Tổng công ty theo các kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó tập trung 3 nội dung: Tái cấu trúc về quản trị, bộ máy theo hướng hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng nhân lực; Tái cấu trúc về tài chính; Tái cấu trúc về ngành nghề, nguyên vật liệu đầu vào… cho phù hợp xu hướng phát triển.

Theo kế hoạch đề ra, trong thời gian tới, lãnh đạo Ủy ban sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy tinh thần tấn công mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, kiên định các vấn đề nguyên tắc nhưng linh hoạt trong thực hiện công việc cụ thể, tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường.

Đồng thời, không ngừng phát huy truyền thống, lịch sử phát triển qua nhiều năm của mỗi doanh nghiệp, tạo khí thế mới, động lực mới, kết quả mới, thắng lợi mới; tích cực, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân, người lao động theo hướng năm sau phải cao hơn năm trước; đóng góp tích cực cho công tác bảo đảm an sinh xã hội.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát huy kinh nghiệm, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các đề xuất của doanh nghiệp trên tinh thần tất cả vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của các Tập đoàn, Tổng công ty.

Trong tổng số hơn 800 doanh nghiệp nhà nước hiện có thì 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu nắm giữ khoảng 65% tổng vốn chủ sở hữu, cũng như tài sản của khối doanh nghiệp nhà nước. Các Tập đoàn, Tổng công ty giữ vai trò chủ lực trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng, giúp đảm bảo an ninh năng lượng; đảm bảo các cân đối lớn; cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quan trọng cho nền kinh tế như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản...

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

ĐỨC HUY

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/nhieu-du-an-lon-trong-diem-cua-cac-tap-doan-tong-cong-ty-dat-gia-tri-thuc-hien-cao-so-voi-ke-hoach-35668.html