Nhiều dự án tại Khu công nghiệp Đại Kim bị trì trệ, dở dang, bỏ hoang
Trong khi người dân nhường đất cho dự án, không còn đất nông nghiệp để sản xuất hoa màu nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn thì các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng tại KCN Đại Kim lại trì trệ, dở dang, bỏ hoang tàn cho cỏ dại mọc.
KCN Đại Kim ở địa bàn Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được quy hoạch từ năm 2007 theo quyết định 162 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích khoảng 33ha bao gồm đất ruộng, đất màu của người dân. Tuy nhiên, đến nay KCN này vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư như kỳ vọng ban đầu, phần lớn diện tích đất quy hoạch đã bị bỏ hoang hóa cho cỏ dại mọc um tùm và là nơi chăn thả trâu bò, hệ thống mương thoát nước bị hư hỏng xuống cấp tiềm ẩn gây nguy hiểm mạng người và gia súc, nhất là mỗi khi mưa lũ.
Đến nay, trong tổng số 33ha thì mới chỉ có khoảng 13ha được doanh nghiệp vào đăng ký thuê đất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dự án.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ có nhà máy sản xuất lắp ráp xe đạp điện đang hoạt động cầm chừng, còn các doanh nghiệp khác mặc dù đã tiến hành đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng dự án, nhà xưởng…, nhưng đều trong tình trạng trì trệ, dang dở, bỏ hoang nhếch nhác hoặc dừng hoạt động trong nhiều năm liền khiến bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Nhiều người dân ở xã Sơn Kim 1 cho biết, trong khi người dân nhường đất cho dự án, không còn đất nông nghiệp để sản xuất hoa màu nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn thì các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng tại KCN Đại Kim lại trì trệ, dở dang, bỏ hoang tàn cho cỏ dại mọc.
Người dân kiến nghị chính quyền địa phương, các quan chức năng cần nghiên cứu, xem xét nếu như các dự án tại KCN này hoạt động không hiệu quả và không tiếp tục đầu tư xây dựng được nữa thì cũng nên tiến hành thu hồi, bàn giao mặt bằng lại để người dân cải tạo sản xuất hoa màu, chứ cứ để bỏ hoang hóa kéo dài như thế này thì vô cùng lãng phí và còn gây ra thêm nhiều hệ lụy khác...
Ông Nguyễn Sỹ Luận, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Kim 1, cho biết, trước đây 33ha đất ruộng sản xuất của người dân trên địa bàn đã bị thu hồi để quy hoạch xây dựng KCN Đại Kim. Ban đầu, kỳ vọng khi các dự án vào đầu tư sẽ tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các dịch vụ quanh KCN, làm thay đổi diện mạo bộ mặt của địa phương. Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai đầu tư, hầu hết các dự án đều dang dở không hoạt động và bỏ hoang tan tành, kéo theo đó là gây ra nhiều hệ lụy cho địa phương, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự, môi trường. Thời gian qua người dân địa phương rất bức xúc, phản ứng, kiến nghị nhiều lần về dự án “chết yểu” bỏ hoang ở KCN này nhưng vẫn không có kết quả.
Theo ông Luận, việc dự án đầu tư vào KCN Đại Kim không hiệu quả là do nhiều nguyên nhân, trong đó tuyến quốc lộ 8A từ nội địa đi cửa khẩu quốc tế Cầu Treo qua Lào và ngược lại ngày càng bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, lưu thông khó khăn; thay đổi cơ chế chính sách, KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn là khu phi thuế quan, doanh nghiệp không được ưu đãi về thuế như trước đây nên không muốn tiếp tục vào đầu tư… Địa phương mong muốn cơ quan chức năng sớm có các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp để kêu gọi, thu hút, giúp đỡ các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào KCN để tránh lãng phí quỹ đất, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội... Nếu không được thì nên tiến hành xem xét thu hồi các phần diện tích đất không có hiệu quả để bàn giao lại cho người dân.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, nguyên nhân khiến các tổ chức, doanh nghiệp không còn mặn mà đầu tư hoặc vào đăng ký thuê đất tại KCN Đại Kim để hoạt động sản xuất là do một số quy định cơ chế, chính sách, pháp luật thay đổi không còn như trước; các ưu đãi về đầu tư, về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các ưu đãi khác hết hiệu lực; đặc biệt là sau khi KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn là khu phi thuế quan theo quy định của Luật thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực từ ngày 1-9-2016 và ngày 16-1-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg về việc bãi bỏ Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 26-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với KKT cửa khẩu, nên các nhà đầu tư đã dừng triển khai đầu tư, hoặc không tiến hành đi vào hoạt động, vì nếu hoạt động sẽ không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, một số dự án không huy động được nguồn vốn góp của cổ đông và vốn vay ngân hàng thương mại…