Nhiều dự án tồn đọng ở TP.HCM: Có thể hợp lý nhưng không hợp pháp

Ông Trần Văn Bảy cho biết Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị cho phép thực hiện cơ chế cần thiết để xử lý những công trình, dự án tồn đọng nhiều năm do vướng mắc nhưng TP không có động thái thực hiện là điều rất đáng tiếc.

Chiều 13-6, trong phiên thảo luận tổ tại Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy nhìn nhận cùng với sự phát triển của TP cũng đã để lại nhiều vấn đề tồn đọng.

 Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy gợi ý hướng ra cho các công trình, dự án tồn đọng. Ảnh: HÀ THƯ

Chánh Thanh tra TP.HCM Trần Văn Bảy gợi ý hướng ra cho các công trình, dự án tồn đọng. Ảnh: HÀ THƯ

Theo ông, các công trình, dự án tồn đọng rất lớn. “Bây giờ đi tiếp thì đi không được, không ai đủ bản lĩnh ký cho đi tiếp khi có rất nhiều vướng mắc. Nói cách khác là không phù hợp pháp luật, có thể hợp lý nhưng không hợp pháp” – ông Bảy nói và cho biết lâu nay TP có các tổ công tác, ban chỉ đạo tháo gỡ một số vấn đề nhưng chưa giải quyết triệt để được các vấn đề.

Ông Trần Văn Bảy cho biết Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị cho phép thực hiện cơ chế cần thiết để xử lý những công trình, dự án tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế thủ tục.

“Đây là định hướng của Bộ Chính trị, vấn đề là phải chủ động, khẩn trương có đề án để trình cấp có thẩm quyền là Trung ương, từ đó có văn bản pháp lý ở tầm Quốc hội cho phép xử lý những công trình, dự án tồn đọng này” – ông Bảy nói và cho rằng từ khi có Nghị quyết 31 đến nay, TP không có động thái thực hiện chủ trương này là điều rất đáng tiếc.

Ông mong lãnh đạo TP giao trách nhiệm cho các cơ quan nghiên cứu đề án này, đính kèm danh mục dự án đang bế tắc, vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp lý mà lịch sử để lại trong quá trình phát triển TP. Từ đó, giúp dự án có hướng ra, hạn chế lãng phí, giảm bớt bức xúc của người dân, doanh nghiệp.

“Bây giờ đi các chung cư treo băng rôn vì không cấp giấy được, đó là một chuyện thôi nhưng thực tế nhiều công trình lớn của TP bị tắc mà tầm TP không giải quyết được” – ông Bảy nói thêm và cho biết có ngành từng gặp vướng mắc tương tự, đã xin nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ.

Về đầu tư công, Chánh Thanh tra Trần Văn Bảy cho biết TP đang thực hiện nhiều công trình đầu tư công và gặp áp lực về tiến độ, “vừa chạy vừa xếp hàng”. Ông Bảy bày tỏ lo lắng vì làm gấp có thể sẽ thiếu sót.

Ông đề nghị Thành ủy, UBND TP nên lập tổ công tác độc lập với chủ đầu tư và các cơ quan đang triển khai dự án. Qua đó, tham gia kiểm tra, giám sát ngày từ đầu, “soi” và phát hiện ra các vấn đề chưa phù hợp để tham mưu TP xử lý sớm. Không để công trình khi hoàn thành rồi mới thanh tra, kiểm tra thì không còn thời gian, cơ hội để khắc phục nữa.

Ông gợi ý các tổ công tác này có thể bổ sung các chuyên gia, cán bộ am hiểu sâu lĩnh vực nhưng phải độc lập với chủ đầu tư.

 Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm chia sẻ về việc giải ngân đầu tư công. Ảnh: HÀ THƯ

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm chia sẻ về việc giải ngân đầu tư công. Ảnh: HÀ THƯ

Liên quan đến việc này, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm nhìn nhận với số vốn lớn, mục tiêu giải ngân 95% của TP.HCM là rất khó đạt được.

Theo ông, các chủ đầu tư phải vào cuộc thực sự, giải quyết vướng mắc từng khâu, thậm chí phát động chiến dịch sớm.

“Chúng ta say sưa làm mà không tự kiểm tra, giám sát chéo, độc lập thì dễ có rủi ro” – ông Lâm nói và cho biết hiện nay TP đã thành lập các tổ liên ngành để kiểm tra chất lượng công trình trọng điểm.

LÊ THOA

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-du-an-ton-dong-o-tphcm-co-the-hop-ly-nhung-khong-hop-phap-post795577.html