Nhiều dư địa cho tăng trưởng GDP 7% trong năm 2024?

Nếu như có thêm thuận lợi từ diễn biến kinh tế thế giới thì GDP Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt mức tăng trưởng gần 7% và CPI tăng 4,12%.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa dự báo 2 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2024, trong đó kịch bản 1 Việt Nam tăng trưởng GDP 6,55% và kịch bản 2 là 6,95%. Để làm rõ hơn dự báo này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Xin ông cho biết, đâu là cơ sở để CIEM đưa ra kịch bản tăng trưởng GDP đạt 6,95% trong năm 2024?

Dựa vào đánh giá về diễn biến tình hình kinh tế trong nước và thế giới những tháng đầu năm 2024, CIEM đưa ra 2 kịch bản cập nhật triển vọng tăng trưởng GDP cả năm 2024. Trong kịch bản 1 là kịch bản thông thường, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% (trong năm 2024), lạm phát là 4,32%, tăng trưởng xuất khẩu là 9,54%. Ở kịch bản 2 (kịch bản tích cực), tăng trưởng GDP có thể đạt 6,95%, lạm phát bình quân thấp hơn, là 4,12%, tăng trưởng xuất khẩu là khoảng hơn 11,64%.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Kịch bản tích cực giả thiết kinh tế thế giới có thể phục hồi nhanh hơn, một số nền kinh tế lớn quyết liệt hơn trong việc hạ lãi suất và theo đó ảnh hưởng đến tiêu dùng và nhu cầu nhập khẩu.

Ngoài ra, giá cả trên thị trường thế giới có thể hạ nhiệt. Ví dụ, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá nhập khẩu của Việt Nam 6 tháng đầu năm giảm 2,15% so với cùng kỳ năm trước, thì kịch bản tích cực giả thiết giảm giá nhập khẩu 4% trong năm 2024 so với năm trước. Nếu kịch bản này xảy ra, áp lực giá cả đối với Việt Nam sẽ giảm đi đáng kể.

Kịch bản 2 cũng giả thiết Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ để cải thiện tăng trưởng, tập trung vào năng suất lao động và chất lượng đầu tư, cũng như liên kết vùng và các nền kinh tế mới. Liên quan đến các nội dung cải cách này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt trong thời gian vừa qua với rất nhiều chuyển biến tích cực. Nếu triển khai hiệu quả những cải cách đã đề ra, và để những cải cách ấy sớm phát huy với năng suất lao động, đối với hiệu quả khu vực công, tạo nên sức lan tỏa đối với đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, thì Việt Nam có thể có hy vọng tích cực cho kết quả tăng trưởng và lạm phát. Nếu như có thêm thuận lợi từ diễn biến kinh tế thế giới thì GDP có thể tăng gần 7% và CPI tăng 4,12%.

Ở kịch bản cao, CIEM dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt 6,95%

Ở kịch bản cao, CIEM dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt 6,95%

Báo cáo của CIEM cũng đề cập đến vấn đề năng suất lao động, vậy đâu là nguyên nhân khiến năng suất lao động ở Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, thưa ông?

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến nội dung về tăng năng suất lao động. Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1305/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến 2030, đây cũng nội dung rất quan trọng, nhằm đóng góp chuyển dịch cơ cấu lại nền kinh tế và cải thiện chất lượng cạnh tranh quốc gia.

Nhưng năng suất lao động liên quan đến rất nhiều bộ, ngành và năng suất lao động không chỉ là kỹ năng, sự thích ứng của người lao động đối với mô hình kinh tế mới mà còn có những vấn đề về khả năng học hỏi những kiến thức mới hay sự phối hợp giữa các bộ, ngành địa phương trong công tác xây dựng chính sách, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh. Theo đó, vấn đề năng suất lao động ở Việt Nam là rất phức tạp. Cần lưu ý, năng suất lao động tuyệt đối của Việt Nam có thể thấp hơn so với nhiều nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế trong khu vực, nhưng chúng ta cần phải cố gắng cải thiện một cách nhanh nhất. Nói cách khác, cái mà nhiều doanh nghiệp quan tâm không phải mức tuyệt đối của năng suất lao động mà là tốc độ cải thiện năng suất lao động mà Việt Nam đang và có thể đạt được trong tương lai.

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại bỏ yếu tố giá thì mức tăng năng suất lao động đã đạt hơn 6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu như chúng ta tạo động lực cho tăng trưởng khu vực công để họ làm nhanh hơn, nhiều hơn, có trách nhiệm hơn thì năng suất lao động ở khu vực công có thể cải thiện nhanh và tạo được mức lan tỏa sang các khu vực tư và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Để đạt được mức tăng trưởng GDP gần 7% như kịch bản đề ra, theo ông chính sách tài khóa những tháng cuối năm cần thực hiện ra sao?

Có thể nói, các giải pháp tài khóa mà chúng đã thực hiện trong thời gian qua, câu chuyện giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm hay tăng lương từ 1/7 đã cho thấy nỗ lực lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Những giải pháp này cũng dựa trên những đánh giá rất chặt chẽ về dư địa của chính sách tài khóa. Những giải pháp, chính sách đã thực hiện đều phù hợp với dư địa tài khóa Việt Nam. Việt Nam vẫn còn dư địa để thực hiện không ít các nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Tuy nhiên, tại thời điểm này thì nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn; vì vậy, chỉ cần thực hiện tốt các chính sách tài khóa đã đề ra từ đầu năm, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch giao, đồng thời tạo sân chơi hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn tạm thời, từ đó phục hồi sớm. Theo đó, cần mạnh dạn đặt niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp, vì đây là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Nếu làm đc điều đó, chúng ta vừa hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp với các giải pháp tài khóa ở mức độ phù hợp nhưng vẫn giữ được dư địa tài khóa để ứng xử với các cú sốc trong tương lai.

Trong 6 tháng đầu năm, điều hành tiền tệ có rất nhiều điểm sáng

Trong 6 tháng đầu năm, điều hành tiền tệ có rất nhiều điểm sáng

Vậy nếu đạt mức tăng trưởng gần 7% theo đúng kịch bản đề ra thì áp lực với chính sách tiền tệ những tháng cuối năm là gì, thưa ông?

Trong 6 tháng đầu năm, điều hành tiền tệ có rất nhiều điểm sáng. Thứ nhất là công tác điều hành lãi suất: Việt Nam đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp. So với nhiều nền kinh tế của khu vực thì Việt Nam là nước đi đầu trong việc giảm lãi suất. Nhiều nước vẫn giữ mức lãi suất cao trong một thời gian còn dài hơn cả dự kiến.

Thứ hai, điều hành tỷ giá rất linh hoạt, chủ động và chặt chẽ. Tỷ giá trung tâm tăng chậm hơn so với tỷ giá trên thị trường tự do hay tỷ giá bán ra của các ngân hàng thương mại. Mức độ biến động của tỷ giá VNĐ/USD - thể hiện tỷ giá dao động nhiều hay ít - trên thị trường Việt Nam thấp hơn nhiều so với chỉ số USD Index trên thị trường quốc tế. Điều này có nghĩa, nhà đầu tư nước ngoài khi cân nhắc đến hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam, họ sẽ được hưởng lợi nhờ ổn định tỷ giá, qua đó có thuận lợi trong sản xuất - kinh doanh.

Hướng đến tương lai, kỳ vọng và yêu cầu đối với công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước rất lớn. Chúng ta phải đối mặt với nhiều kịch bản điều hành lãi suất của các nền kinh tế chủ chốt, trong đó có những đối tác lớn của Việt Nam. Hay yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có chất lượng, phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế, với Việt Nam và nhu cầu của doanh nghiệp. Nếu có thuận lợi từ đà phục hồi kinh tế thế giới thì tôi tin rằng, với kinh nghiệm điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ sẽ đạt được kết quả tích cực, đóng góp vào tăng trưởng GDP năm 2024.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-du-dia-cho-tang-truong-gdp-7-trong-nam-2024-331846.html