200 triệu USD vốn từ Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Hải Phòng
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ở TP. Thâm Quyến (Trung Quốc), Thành phố Hải Phòng đã trao 7 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp với gần 200 triệu USD và trao 4 Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU).
Hội nghị xúc tiến đầu tư ở TP. Thâm Quyến (Trung Quốc) đã được tổ chức sáng nay (7/8) nằm trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc và xúc tiến đầu tư tại TP. Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc của Đoàn công tác lãnh đạo TP. Hải Phòng từ ngày 4/8 - 10/8.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng gửi lời cảm ơn đến Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, Lãnh đạo thành phố Thâm Quyến, Tập đoàn Shenzhen Holdings đã phối hợp, hỗ trợ thành phố tổ chức Hội nghị này.
“Đây là lần đầu tiên Hải Phòng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc, đúng vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng, nhằm cụ thể hóa chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai nước và tiến tới dấu mốc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 – 18/1/2025)”, ông Châu nhấn mạnh.
Thông qua hội nghị lần này, lãnh đạo TP. Hải Phòng mong muốn những thông tin được chia sẻ tại đây sẽ giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu sâu hơn nữa về môi trường đầu tư của Hải Phòng. Từ đó, đưa ra quyết định về chiến lược đầu tư, làm tiền đề cho các hoạt động nghiên cứu, triển khai đầu tư tại Thành phố, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, sản xuất chíp và bán dẫn, điện cơ, điện tử.
Phát biểu chúc mừng Hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng lãnh sự Việt Nam tại thành phố Quảng Châu chia sẻ: “Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và tham gia 16 FTA (trong đó 15 FTA đã có hiệu lực), tiếp tục là điểm đến đáng lựa chọn của đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc, đặc biệt là doanh nghiệp đến từ tỉnh Quảng Đông. Hội nghị hôm nay chính là biểu hiện sinh động của quan hệ giao thương hai nước, đưa doanh nghiệp hai bên hiểu biết và đến gần nhau hơn. Tôi tin tưởng rằng sau Hội nghị hôm nay, các doanh nghiệp Việt Nam – Hải Phòng và Trung Quốc – Thâm Quyến, Quảng Đông sẽ tìm được đối tác của mình để hợp tác kinh doanh, đóng góp thiết thực vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư giữa TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Đông nói riêng, giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc nói chung”.
Hội nghị đã được lắng nghe đại diện các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP. Hải Phòng giới thiệu về hệ thống các KCN hiện đại và quy mô sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư như KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu, KCN Nam Đình Vũ, Tổ hợp KCN DEEP C, KCN Tiên Thanh, KCN Nhật Bản – Hải Phòng, KCN Nam Cầu Kiền, KCN An Dương.
Hội nghị cũng đã chứng kiến Lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của TP. Hải Phòng cho các nhà đầu tư Trung Quốc.
Cụ thể, (1) Trao giấy chứng nhận điều chỉnh tăng vốn thêm 50 triệu USD cho Công ty TNHH Flat Việt Nam với dự án đầu tư sản xuất kính năng lượng mặt trời thành công tại KCN DEEP C Hải Phòng (nâng tổng vốn toàn dự án lên 350 triệu USD); (2) Dự án sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao của Công ty TNHH Công nghệ Ways Việt Nam tại KCN DEEP C Hải Phòng (15 triệu USD); (3) Công ty CFL Holdings Limited đầu tư Dự án sản xuất sàn nhựa với tổng vốn 10 triệu USD tại KCN DEEP C Hải Phòng; (4) Công ty TNHH Chế tạo máy Yuekai với dự án đầu tư sản xuất, gia công phụ tùng ô tô tại KCN An Dương, điều chỉnh tăng vốn thêm 35 triệu USD, nâng tổng vốn toàn dự án là 55 triệu USD; (5) Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu mới HMT Hải Phòng với dự án đầu tư về sản xuất túi khí an toàn cho xe ô tô tại KCN An Dương, điều chỉnh tăng vốn thêm 12 triệu USD, nâng tổng vốn toàn dự án lên gần 100 triệu USD; (6) Công ty Finework International với dự án sản xuất sản phẩm cơ khí và thiết bị phụ tùng công nghiệp, tổng vốn đầu tư là 10 triệu USD tại KCN Nam Đình Vũ; (7) Công ty TNHH Autel Việt Nam với dự án sản xuất thiết bị chẩn đoán lỗi ô tô tại KCN An Dương, tăng vốn thêm 58 triệu USD.
Tiếp đến là Lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại Hải Phòng.
Đó là, (1) Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổ hợp KCN DEEP C và Công ty CFL Holdings Limited, về việc triển khai mở rộng dự án đầu tư hiện hữu có giá trị 100 triệu USD tại KCN DEEP C Hải Phòng; (2) Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa KCN Nam Cầu Kiền và Công ty TNHH Khởi Nguyên về việc triển khai dự án đầu tư sản xuất linh kiện điện thoại có giá trị 12 triệu USD tại KCN Nam Cầu Kiền; (3) Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Công ty TNHH Exquisite Power Việt Nam về việc triển khai mở rộng dự án đầu tư về lắp ráp pin cho thiết bị điện thoại di động, máy tính xách tay tại KCN Nam Đình Vũ với số vốn đầu tư tăng gần 100 triệu USD; (4) Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Công ty TNHH Liên hợp Đầu tư Thâm Việt về tăng cường thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại TP. Hải Phòng và công bố thành lập Trung tâm tư vấn bất động sản công nghiệp của Công ty TNHH Đầu tư Thâm Việt tại Hải Phòng.
Trước đó, ngày 6/8, Đoàn công tác của lãnh đạo TP.Hải Phòng đã tới thăm và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn ZTE và Tập đoàn TCL tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Đây là hai tập đoàn công nghệ và chuyển đổi số có tầm ảnh hưởng không chỉ tại Trung Quốc mà còn trong phạm vi toàn cầu.
Tại cuộc làm việc với ZTE, lãnh đạo tập đoàn ZTE bày tỏ ấn tượng với những thành tựu mà Hải Phòng đạt được trong phát triển kinh tế và cho rằng thành phố cảng có nhiều dư địa để phát triển chuyển đổi số, tự động hóa sản xuất thông minh. ZTE mong muốn khảo sát đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số cảng biển với Hải Phòng.
Còn tại cuộc làm việc với Tập đoàn TCL, lãnh đạo Tập đoàn TCL đánh giá cao tiềm năng và dư địa phát triển của Hải Phòng để sớm khảo sát đầu tư. Đồng thời, mong muốn lãnh đạo Thành phố quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư về các thủ tục hành chính, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cùng cơ chế đối với các doanh nghiệp phụ trợ trong hệ sinh thái của Tập đoàn TCL.
Lũy kế đến nay, trên địa bàn Thành phố Hải Phòng có 405 dự án đầu tư từ Trung Quốc với tổng số vốn đạt 6,14 tỷ USD (bao gồm Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông). Thu hút đầu tư FDI của Hải Phòng luôn nằm trong nhóm các địa phương hàng đầu của cả nước, bình quân thu hút hàng năm khoảng 2,5 tỷ USD và trở thành lựa chọn thành công của các Tập đoàn lớn như Flat, Tongwei, TP Link, Sanhua, Autel...
Hải Phòng hiện đang có 2 KCN được đầu tư bởi nhà đầu tư Trung Quốc là KCN An Dương do Tập đoàn Thâm Quyến Holdings làm chủ đầu tư và KCN Đồ Sơn. Các doanh nghiệp Trung Quốc hàng năm xuất khẩu 5,34 tỷ USD, sử dụng 58.000 lao động, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của TP. Hải Phòng.