Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa

Những năm gần đây, sự gia tăng về số lượng các phương tiện giao thông, nhất là ô tô cá nhân đã tạo áp lực cho giao thông đô thị tại TP Thanh Hóa. Hằng ngày, vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường, phố khu vực trung tâm thành phố thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông (UTGT) cục bộ. Để giảm thiểu nguy cơ UTGT khu vực nội thị, thời gian qua, TP Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, phân luồng giao thông, điều tiết các phương tiện vận tải ra, vào trung tâm thành phố, điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông phù hợp với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông...

Cảnh sát giao thông TP Thanh Hóa làm nhiệm vụ điều tiết giao thông tại nút giao đường Trần Phú với đường Lê Quý Đôn, phường Ba Đình.

Cảnh sát giao thông TP Thanh Hóa làm nhiệm vụ điều tiết giao thông tại nút giao đường Trần Phú với đường Lê Quý Đôn, phường Ba Đình.

Với mục tiêu đảm bảo hiệu quả việc chống UTGT một cách tổng thể, bền vững tại khu vực nội thị, cuối năm 2021, TP Thanh Hóa đã triển khai phương án thí điểm bố trí các điểm dừng, đỗ xe trên 4 tuyến đường, phố là Hà Văn Mao, Lê Hồng Phong, Nguyễn Trãi và Hàng Đồng; tổ chức cắm biển cấm dừng, đỗ theo giờ trên tuyến đường Lê Quý Đôn, đoạn từ Trường THCS Trần Mai Ninh đến Trường THPT Đào Duy Từ. Sau khi đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm, cuối tháng 11/2023, TP Thanh Hóa đã ban hành phương án “Quản lý điểm đậu đỗ xe tại các điểm công cộng trên địa bàn TP Thanh Hóa”. Qua rà soát, thành phố đã xác định được một số tuyến đường khu vực nội thành có đủ điều kiện để sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè để đậu đỗ, trông giữ xe ô tô. Cụ thể, một phần lòng đường Âu Cơ, đoạn từ đường Lê Thánh Tông - đường Trịnh Kiểm, bố trí 75 ô đỗ công cộng; một phần lòng đường, vỉa hè đường Lạc Long Quân, đoạn từ Quốc lộ 1A - đường Lê Thánh Tông, bố trí 159 ô đỗ công cộng; vỉa hè Đại lộ Lê Lợi, đoạn từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nút giao Siêu thị Go! Thanh Hóa, bố trí 373 ô đỗ công cộng; một phần lòng đường Võ Nguyên Giáp, đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường tránh thành phố, bố trí 340 ô đỗ công cộng; một phần lòng đường Trịnh Kiểm, đoạn từ Quốc lộ 1A - đường Âu Cơ, bố trí 200 ô đỗ công cộng; vỉa hè đường Lê Quý Đôn, đoạn trước cổng Trường THCS Trần Mai Ninh và Sở Ngoại vụ, bố trí 30 ô đỗ công cộng; vỉa hè đường Hạc Thành, đoạn từ đường Cửa Tiền - đường Phan Chu Trinh, bố trí 325 ô đỗ công cộng; vỉa hè đường Bùi Khắc Nhất, đoạn từ Đại lộ Lê Lợi - đường Nguyễn Duy Hiệu và đoạn từ Bảo tàng cổ vật Hoàng Long đến Chung cư AT Home, bố trí 296 ô đỗ công cộng; một phần lòng đường, vỉa hè đường Nguyễn Duy Hiệu, đoạn từ Đại lộ Lê Lợi - đường Lê Lai, bố trí 192 ô đỗ công cộng; vỉa hè đường Phan Chu Trinh, đoạn từ đảo giao thông đến đường Hạc Thành, bố trí 62 ô đỗ công cộng; vỉa hè phía tây đường Hàng Đồng, đoạn từ Đại lộ Lê Lợi - ngã 3 đường Xuân Diệu, bố trí 14 ô đỗ công cộng.

Tổng cộng số lượng ô đỗ xe ô tô trên các tuyến đường nêu trên là 2.066 vị trí. Việc triển khai bố trí các điểm đậu đỗ xe trên các tuyến đường, phố khu vực nội thành đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác phân luồng giao thông và giúp vỉa hè, lòng đường khu vực nội thị thông thoáng, các phương tiện giao thông dừng, đỗ quy củ.

Hiện nay, khu vực nội thành có nhiều nút giao cắt, ngã ba, ngã tư, như: Ngã tư Bưu điện, Đại lộ Lê Lợi đoạn từ cầu Đông Hương - Lê Hoàn, khoảng mở Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Thanh Hóa, Lê Quý Đôn - Trần Phú, Trường Thi - Bến Ngự, Nguyễn Trãi - Hà Văn Mao - Minh Khai, Tống Duy Tân - Đào Duy Từ - Lê Hữu Lập, Nguyễn Trãi - Hạc Thành - Phan Bội Châu, Tống Duy Tân - Đào Duy Từ - Lê Hữu Lập... Hằng ngày, vào giờ tan tầm hoặc khi thành phố có mưa, số lượng xe ô tô tham gia giao thông tăng đột biến, thì tại các nút giao cắt, ngã ba, ngã tư trên thường xuyên xảy ra tình trạng UTGT cục bộ.

Thực hiện các kế hoạch của TP Thanh Hóa về chống UTGT, gắn với công tác quản lý trật tự đô thị, Công an TP Thanh Hóa đã chủ trì, phối hợp với các phòng, ban có liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ, thời điểm, nguyên nhân UTGT các tuyến đường, phố. Đồng thời, đề xuất các giải pháp chống UTGT; xây dựng các phương án, kế hoạch phân luồng, ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết các “điểm đen” về trật tự giao thông. Cụ thể, Công an thành phố tập trung điều chỉnh tổ chức giao thông ở khu vực trung tâm thành phố, bằng việc lắp đặt dải phân cách tạm thời tại một số đoạn đường, khoảng mở của dải phân cách cứng và các ngã ba, ngã tư dễ xảy ra UTGT, như: Cầu vượt Phú Sơn; ngã tư Đại lộ Lê Lợi - Lê Hồng Phong - Hàng Đồng; ngã tư Triệu Quốc Đạt - Trần Phú; khu vực giao nhau Trần Phú - Lê Hoàn - Tịnh Điền. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ huy, bố trí lực lượng điều tiết các phương tiện, chống tình trạng UTGT cục bộ tại các nút giao cắt, ngã ba, ngã tư trên các tuyến đường nội thành. Cùng với điều chỉnh hiệu lệnh tăng thời gian tín hiệu đèn xanh trên các tuyến đường có đông phương tiện lưu thông, Công an thành phố còn lắp đặt biển báo cho rẽ phải khi có tín hiệu đèn đỏ đối với tất cả các phương tiện hoặc với mô tô, xe máy. Đặc biệt, Công an thành phố phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức giao thông “làn sóng xanh” trên các tuyến đường trục chính, mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, như: Quốc lộ 1A đoạn đường Bà Triệu - Trần Phú - Quang Trung và Đại lộ Lê Lợi, nhằm phát huy hiệu quả về công tác quản lý, điều hành giao thông đô thị, cải thiện tình hình giao thông trên địa bàn thành phố, đem lại hiệu quả hơn nữa trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Về lâu dài, để giảm đến mức tối đa tình trạng UTGT trên địa bàn TP Thanh Hóa cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của các tầng lớp Nhân dân. Cùng với đó, TP Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng, tiến độ xây dựng các cầu vượt đường sắt, các nút giao với quốc lộ đi qua địa bàn; tổ chức phân luồng giao thông từ xa qua thành phố theo các tuyến đường vành đai; sửa chữa, lắp đặt bổ sung, điều chỉnh đồng bộ hệ thống tín hiệu giao thông đường bộ trên các tuyến đường, tạo điều kiện cho người và phương tiện tham gia giao thông thông suốt, an toàn. Đồng thời, phân công lực lượng chức năng và các tổ tự quản ở cơ sở trực tiếp tham gia hướng dẫn, phân luồng chống UTGT tại các nút giao thông trọng điểm trong giờ cao điểm...

Bài và ảnh: Trần Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhieu-giai-phap-chong-un-tac-giao-thong-o-tp-thanh-hoa-230977.htm