Nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tuy vậy, đến nay, số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ, sức cạnh tranh vẫn còn ở mức khiêm tốn. Trước tình hình này, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, với mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ để hình thành và phát triển được 200 doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Hà Nội tạo điều kiện tối đa về nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, thương mại hóa sản phẩm cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Trong ảnh: Cán bộ Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương áp dụng công nghệ hiện đại nuôi trồng dưa lưới Nhật Bản trong nhà màng. Ảnh: Việt Nguyễn
Chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô
Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) là một trong những doanh nghiệp khoa học công nghệ của Hà Nội luôn đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm có tính đột phá. Năm 2018, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe dung dịch Nano Curcumin của công ty được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. "Thời gian qua, công ty đã được hưởng cơ chế ưu đãi áp dụng đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ nên có thêm nguồn lực để đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, từng bước tham gia nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường", Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải Lưu Hải Minh cho biết.
Cùng với Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải, một số doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn thành phố đã và đang hoạt động hiệu quả với những sản phẩm khoa học công nghệ nổi bật. Trong đó có sản phẩm hàng hóa từ bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích đã được bảo hộ, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, như: Công ty cổ phần Giống cây trồng trung ương, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển ngô Việt Nam, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh….
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà, đến nay, Hà Nội có 70 doanh nghiệp khoa học công nghệ, đứng thứ hai cả nước, sau thành phố Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp khoa học công nghệ của Hà Nội chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin - truyền thông, công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp, y tế, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, công nghệ bảo vệ môi trường...
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ được cấp giấy chứng nhận còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô - vốn là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu, nơi tập trung tiềm lực khoa học công nghệ mạnh nhất cả nước. Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, trung bình trong 3 năm gần đây, mỗi năm Hà Nội có khoảng 20 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, nhưng trong đó chỉ có 9-10 doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Có thể thấy, việc thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trên lý thuyết sẽ nhận được một số ưu đãi hấp dẫn, song để được cơ quan chuyên môn thẩm định, chứng nhận là vô cùng khó khăn, do điều kiện rất ngặt nghèo.
Thông tin thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Lê Thanh Hiếu cho biết, trong số các doanh nghiệp khoa học công nghệ của Hà Nội, chưa có doanh nghiệp nào được hình thành từ các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp hoặc vườn ươm của các trường đại học, cao đẳng. Cũng chưa có doanh nghiệp nào có sản phẩm hình thành từ kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thành phố.
Công nhân Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng.
Đồng hành cùng doanh nghiệp khoa học công nghệ
Để đạt mục tiêu sẽ hình thành và phát triển được 200 doanh nghiệp khoa học công nghệ trong 5 năm tới, ngày 28-2-2020 vừa qua, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBND về việc Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025. Theo kế hoạch, thành phố sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học công nghệ đã được chứng nhận hoàn thiện, đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, phát triển bền vững doanh nghiệp... Đặc biệt, việc ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ sẽ được hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của thành phố.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lưu Hải Minh cho rằng, việc thành phố ban hành kế hoạch bài bản để hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ là hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ rất cần sự đầu tư, hỗ trợ về mặt cơ sở vật chất cũng như tạo điều kiện tối đa để đẩy mạnh các hoạt động tạo ra sản phẩm mới, chất lượng cho cộng đồng. Do đó, ông Lưu Hải Minh kiến nghị, chính quyền các cấp của thành phố cần xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ - đặc biệt là nguồn vốn, để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển sản xuất, đồng thời thương mại hóa sản phẩm.
Thông tin về việc hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khoa học công nghệ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, thành phố đang yêu cầu các sở, ban, ngành thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, nhằm tác động rõ nét tới sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ. Theo đó, sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định mới về chứng nhận và hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển, nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp tiên phong, dẫn đầu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ.