Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đang đối mặt với không ít khó khăn. Trước tình hình đó, ngành Ngân hàng đã vào cuộc với hàng loạt giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm chi phí tài chính và tăng sức chống chịu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Vietcombank cho biết, ngân hàng đã chủ động phối hợp với các khách hàng đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động, trong đó có việc hỗ trợ tài chính, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Vietcombank cũng nhanh chóng làm việc cùng các cơ quan quản lý để có định hướng phù hợp theo từng ngành nghề, từng đối tượng khách hàng.
Trước đó Vietcombank triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn quy mô lên tới 250.000 tỷ đồng hướng tới khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh và chủ doanh nghiệp tư nhân bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với lãi suất chỉ từ 4,6%/năm…
Agribank cũng vào cuộc tích cực hỗ trợ các khách hàng thông qua triển khai 9 chương trình tín dụng ưu đãi dành cho nhiều nhóm đối tượng với quy mô trên 350.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn đến 2%/năm so với lãi suất thông thường. Các chương trình tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực then chốt như xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra ngân hàng cũng tích cực mở rộng cho vay tiêu dùng và hỗ trợ hộ kinh doanh.
Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại còn cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, trong đó có các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá như hợp đồng kỳ hạn và hoán đổi ngoại tệ, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu chủ động hơn trong kế hoạch tài chính.
Ở cấp độ chính sách, NHNN đang xây dựng gói tín dụng quy mô 500.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ số, hạ tầng, và phát triển bền vững. Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, hiện nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực kinh tế trọng yếu đang chịu tác động bất lợi từ chính sách của các nước nhập khẩu lớn. Vì vậy, việc triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng và các chính sách hỗ trợ kịp thời là rất cấp bách. Với tinh thần đó Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, chương trình sẽ được triển khai với phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của toàn ngành Ngân hàng trong việc tiếp sức cho nền kinh tế.

Ở tầm nhìn dài hạn hơn, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị mới ban hành đã đặt khu vực kinh tế tư nhân vào vị trí then chốt – là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, bên cạnh tín dụng ngân hàng, cần hoàn thiện thể chế và phát triển thêm các kênh huy động vốn dài hạn.
PGS.TS Nghiêm Thị Thà - Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam nhận định, phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng. Hiện khu vực tư nhân Việt Nam mới chỉ huy động được khoảng 13% vốn qua thị trường chứng khoán – con số khiêm tốn so với mức 40% – 60% ở các nước phát triển. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm cũng còn ít, chỉ khoảng 30 quỹ đang hoạt động và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ.
Do đó việc huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính cả ngắn và dài hạn sẽ là nền tảng quan trọng để hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển bền vững. Để làm được điều đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, hệ thống tài chính – ngân hàng và các tổ chức đầu tư, nhằm tạo dựng một môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch và năng động hơn cho doanh nghiệp Việt.
PGS.TS. Nghiêm Thị Thà đề xuất cần sửa đổi các luật liên quan như Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017; và bổ sung thêm cơ chế bảo lãnh tín dụng với doanh nghiệp. Việt Nam cũng nên thành lập Quỹ Phát triển tài chính tư nhân quốc gia nhằm cung cấp tín dụng ưu đãi dài hạn cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng đưa ra phương án để phát triển thêm nhiều kênh huy động vốn đa dạng hơn hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Một khía cạnh khác, theo PGS.TS. Nghiêm Thị Thà không thể bỏ qua là nâng cao năng lực tài chính và quản trị cho khu vực tư nhân. Theo ADB, chỉ 21% DNNVV tại Việt Nam có hệ thống kế toán theo chuẩn mực quốc tế – yếu tố khiến họ khó tiếp cận vốn quốc tế. Trong 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay, chỉ có 2,1 triệu hộ đóng thuế, còn lại 3 triệu hộ chưa có đóng góp vào ngân sách. Việc chuyển đổi các hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc hợp tác xã cần được hỗ trợ thông qua các hiệp hội nghề nghiệp. Chương trình SME Link của USAID kết hợp với VCCI là một ví dụ điển hình, khi đã giúp hơn 500 doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ tín dụng đạt chuẩn, tiếp cận hơn 1.000 tỷ đồng vốn vay chỉ trong năm 2023.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhieu-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-kho-164485.html