Chủ tịch Quốc hội: Tất cả bộ máy chờ đợi việc Quốc hội 'nhấn nút' ngày 24-6
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tất cả bộ máy đang chờ đợi Hiến pháp được thông qua và sau đó là đề án sáp nhập các tỉnh thành vào ngày 24-6, có hiệu lực từ 1-7.
Thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 23-5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin hiện nay, lãnh đạo các địa phương vắng họp Quốc hội vì phải về địa phương, họp Thường vụ để tính toán chuyện sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã.
Làm gì cũng phải cải thiện đời sống người dân
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa Hiến pháp 2013, luật Tổ chức chính quyền địa phương và nhiều dự án luật tại kỳ họp lần này nhằm phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính.
“Hiện nay nhiều lãnh đạo địa phương vắng họp Quốc hội vì phải về địa phương họp thường vụ tính chuyện sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã”- Chủ tịch Quốc hội nói và thông tin giữa tháng 6 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Đề án sáp nhập cấp tỉnh sẽ được thông qua tại đợt 2 của kỳ họp, ngay sau khi việc sửa đổi Hiến pháp được thông qua.
“Tất cả bộ máy đang chờ đợi Hiến pháp được thông qua và sau đó là đề án sáp nhập các tỉnh thành vào ngày 24-6, có hiệu lực từ 1-7"- theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian chuyển tiếp là một tháng rưỡi, để tới 15-8 các địa phương phải sắp xếp tổ chức bộ máy xong, đi vào hoạt động.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định những sự kiện này đều liên quan đến quản lý, chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ quan trọng là phải bảo đảm tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số giai đoạn 2026-2030. Các địa phương cũng đã đăng ký chỉ tiêu tăng trưởng với Chính phủ.
Lược qua những con số đáng nói về kinh tế - xã hội trong 4 tháng đầu năm, Chủ tịch Quốc hội khẳng định trong 6 tháng cuối năm, trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp, chúng ta không thể chủ quan. Đặc biệt, căng thẳng thương mại gia tăng có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta, tác động trực tiếp đến xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài.
“Những điều này đòi hỏi phải có sự linh hoạt, nhất là trong chiến lược đàm phán thương mại quốc tế. Hiện Bộ trưởng Bộ Công Thương đang tích cực đàm phán với Mỹ về thuế đối ứng”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Phải quyết liệt với hàng giả, hàng nhái để người dân tin tưởng
Sau khi đề cập một số hạn chế về kinh tế- xã hội, Chủ tịch Quốc hội nhận định sức mua trong nước phục hồi chậm ở một số lĩnh vực, phản ánh nhu cầu tiêu dùng trong nước chưa thực sự mạnh.
Ông đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát động phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. “Nhưng muốn người tiêu dùng mua hàng Việt Nam thì hàng Việt Nam phải chất lượng. Mấy tuần qua hàng giả, nhái, kém chất lượng bị bắt rất nhiều”- Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo ông, hệ thống ban chỉ đạo từ trung ương đến địa phương đều có nhưng lại để hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại với số lượng lớn. “Cái này phải kiểm điểm nghiêm túc. Cái chính là ở địa phương. Phải tăng cường quản lý, các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng nhái quyết liệt hơn nữa để người dân tin tưởng”- Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý các giải pháp tới đây cần tập trung vào tăng cường đầu tư công, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường. Đồng thời, tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, mất việc.
“Tinh gọn, sắp xếp bộ máy xong thì công chức, viên chức chưa nhận được tiền, chưa tạo việc làm để ổn định cuộc sống. Cái này phải có giải pháp”- Chủ tịch Quốc hội nói thêm.
Ông đề nghị Quốc hội đồng hành với Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục cải cách thể chế, luật pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế như việc thể chế hóa Nghị quyết 66, Nghị quyết 68 của Trung ương vừa rồi.
“Xây dựng các Nghị quyết của Quốc hội thể chế hóa Nghị quyết của Trung ương chưa đầy 2 tuần. Phải nói là lịch sử”- Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Ông cho hay thời gian vật chất không còn nhiều nên đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống, nhất là của các ĐBQH là rất lớn. Hai tuần làm việc của Quốc hội vừa qua đã thể hiện một trách nhiệm chính trị rất cao. Ông nói các ĐBQH nếu có ý kiến đóng góp, phản ánh gì thì có thể nhắn tin trực tiếp cho Chủ tịch Quốc hội, các ủy viên thường trực.
“Vì phát biểu ở hội trường có 7 phút thôi. Các ĐBQH có hiến kế, đóng góp gì thì mạnh dạn. Chúng tôi sẵn sàng tiếp thu”- Chủ tịch Quốc hội nói.