Nhiều giải pháp khống chế gia tăng HIV ở Đồng Tháp

Trong 10 năm qua, số người nhiễm HIV ở Đồng Tháp vẫn tăng hàng năm, nhưng tỷ lệ tử vong do căn bệnh này giảm mạnh. Mỗi năm, tỉnh phát hiện gần 400 ca nhiễm HIV, riêng năm 2019 có tới 416 trường hợp. Điều đáng báo động và quan ngại khi tỷ lệ nhiễm HIV mới ở địa phương gia tăng nhanh chóng ở nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM), và tăng mạnh ở nhóm 16 đến 25 tuổi (chiếm trên 87%).

BS Nguyễn Ngọc Quý, Phó trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ khi triển khai chương trình dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tình trạng lây nhiễm giảm rất mạnh. Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai xét nghiệm tầm soát HIV tại trạm y tế xã cho các bà mẹ mang thai, khi sản phụ đến khám thai được tư vấn về sản phụ khoa và xét nghiệm HIV. “Trên 70% thai phụ đều tái khám và khám thai ở trạm y tế xã. Hằng năm, trên 92% thai phụ ở Đồng Tháp tầm soát HIV. Từ năm 2020-2023 tỷ lệ bà mẹ mang thai phát hiện nhiễm HIV giảm rất nhanh, từ 0,6% vào năm 2020 giảm xuống còn 0,3% vào 2022 và năm 2023 chỉ còn 0,2%. Phụ nữ có thai xét nghiệm nhiễm HIV chủ yếu về từ nước ngoài, sau đó họ đi khám thai xét nghiệm máu thì phát hiện”, BS Quý cho biết.

Mạng lưới tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) giúp tìm kiếm ca nhiễm mới bằng cách vận động và test xét nghiệm HIV nhanh.

Mạng lưới tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) giúp tìm kiếm ca nhiễm mới bằng cách vận động và test xét nghiệm HIV nhanh.

Tuy tỷ lệ nhiễm HIV ở Đồng Tháp nằm trong top cao của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng hơn 3 năm lại đây (từ 2020 -2023 và 4 tháng đầu năm 2024), Đồng Tháp gần như không ghi nhận ca nhiễm HIV lây từ mẹ sang con. “Mỗi năm tỉnh tầm soát trên 20 nghìn phụ nữ mang thai, 3 năm liền không có trường hợp nào lây truyền từ mẹ, con sinh ra không bị nhiễm HIV mặc dù mẹ bị nhiễm. Khi phát hiện sản phụ nhiễm HIV, chúng tôi đã điều trị dự phòng ngay và không lây truyền sang con. Mẹ nhiễm HIV không lây sang con, sinh ra đứa khỏe mạnh là điều cực kỳ mừng và cũng là thành công trong cuộc chiến phòng, chống HIV/AIDS”, BSCK2 Võ Công Đoàn, Phó Giám đốc CDC Đồng Tháp cho biết.

BS Đoàn cũng cho biết thêm, trong 3 năm vừa qua, nhóm phụ nữ mại dâm và tiêm chích ma túy không phát hiện trường hợp nào nhiễm HIV. Nguyên nhân là do hai nhóm này được tuyên truyền, các đồng đẳng viên tiếp cận phát bao cao su, tỷ lệ sử dụng bao cao su ở gái mại dâm lên tới 100%.

Số trường hợp chuyển AIDS và tử vong có sự biến đổi đáng kể, năm 2013 số trường hợp chuyển AIDS và tử vong cao nhất lần lượt là 390 và 203 trường hợp. “Nhưng 10 năm sau, con số này giảm mạnh chỉ còn 69 người. Trên thực tế số trường hợp chuyển AIDS, tử vong giảm rõ rệt nói lên hiệu quả của thuốc điều trị kháng virus (ARV) đóng góp rất lớn”. Các trường hợp khi được phát hiện nhiễm HIV nhanh chóng đưa vào điều trị trong ngày để sớm đạt tải lượng virus dưới ngưỡng, nhằm sớm cắt đứt đường lây. Đây là thành quả điều trị ARV ở Đồng Tháp”, BS Đoàn cho hay.

Để giảm tỷ lệ lây nhiễm, Đồng Tháp đã có nhiều sáng kiến như từ năm 2023 thực hiện làm xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV mới để sàng lọc ca nhiễm mới, cũ. Theo Phó Giám đốc CDC Đồng Tháp, những ca mới chưa được điều trị, nồng độ virus rất cao nên tỷ lệ lây nhiễm cao. Do đó, phải truy vết giống như tìm ca liên quan F0 thời COVID-19 nhưng khó hơn nhiều lần so với COVID-19 vì những ca nhiễm mới chủ yếu trong nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới). Để khống chế đường lây nhanh chóng, CDC Đồng Tháp phải nhờ tới các cộng tác viên, là các MSM giúp truy vết.

Từ sự thay đổi mô hình lây nhiễm, tỉnh thay đổi chiến lược tìm ca nhiễm trong cộng đồng, chủ yếu dựa mạng lưới tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) như S66 Lotus và thành viên đồng đẳng các nhóm… bằng cách đẩy mạnh truyền thông tạo cầu trực tiếp, trên ứng dụng mạng xã hội...; thực hiện sáng kiến mới trong tìm ca, xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích - PNS; tiếp cận mạng lưới-SNS. Hầu hết những ca có nguy cơ (chủ yếu là MSM) đã được điều trị thuốc dự phòng Prep, đã làm giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Tới đây CDC Đồng Tháp mong muốn sớm tập huấn cho 1.007 phòng khám tư nhân và 2.135 nhà thuốc trên toàn tỉnh để những người này tham gia vào cộng đồng khống chế dịch. Đồng thời đang đề xuất cho một cơ sở y tế tư nhân được xét nghiệm khẳng định HIV để triển khai điều trị trong ngày. Bên cạnh đó, đề xuất sớm xây dựng được Phòng khám và điều trị Prep tại khu công nghiệp để tạo thuận lợi cho công nhân được cấp phát thuốc tại chỗ.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/nhieu-giai-phap-khong-che-gia-tang-hiv-o-dong-thap-i732736/