Nhiều giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND

Sáng 25-3, tham luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến kinh nghiệm trong đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội với các đại biểu dự hội nghị.

Lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội với các đại biểu dự hội nghị.

Phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội

Tham luận về vai trò của HĐND trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến khẳng định, những đổi mới thời gian qua đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Hậu Giang, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.

“Đặc biệt năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức chương trình “Lắng nghe và trao đổi” với chủ đề “Đưa nghị quyết vào cuộc sống” được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh”, đồng chí Trần Văn Huyến nói.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến trình bày tham luận tại hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến trình bày tham luận tại hội nghị.

Nhấn mạnh một số việc làm nổi bật thể hiện vai trò của HĐND tỉnh Bắc Giang trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhằm trả lời câu hỏi “Vì sao trong bối cảnh khó khăn, nhiều thách thức, Bắc Giang lại có được những kết quả nổi bật như vậy?”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành cho biết, HĐND tỉnh thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sự lãnh đạo của cấp ủy, chủ động triển khai có hiệu quả Chương trình công tác năm 2023. HĐND tỉnh luôn xác định đúng vai trò, chức năng và vị thế trong việc quyết định những vấn đề quan trọng tại địa phương; sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trên mọi mặt công tác…

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành trình bày tham luận tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang Lâm Thị Hương Thành trình bày tham luận tại hội nghị.

Nêu giải pháp phát huy vai trò, thẩm quyền của HĐND tỉnh trong xây dựng cơ chế phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng, cần phát huy vai trò hạt nhân của tập thể Thường trực HĐND tỉnh và trách nhiệm của từng cá nhân để thúc đẩy, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh bảo đảm khoa học, dân chủ kỷ cương, gần dân, sát dân, vì dân.

Nâng cao chất lượng phương thức giám sát theo hướng đi sâu nắm bắt cơ sở, tiếp thu và đối chiếu ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân để đánh giá toàn diện pháp luật nhà nước và chính sách của tỉnh; phát huy tính chủ động, độc lập, vai trò phản biện của các Ban và từng đại biểu HĐND tỉnh, trách nhiệm giải trình của UBND các cấp, các ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong chấp hành nghị quyết HĐND tỉnh và các kiến nghị sau giám sát…

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trình bày tham luận tại hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký trình bày tham luận tại hội nghị.

Cụ thể hóa các cơ chế đặc thù tại địa phương

Trong khi đó, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, xác định việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh là nhiệm vụ trọng yếu của toàn hệ thống chính trị thành phố, Thường trực HĐND thành phố đã chủ động tham mưu chuẩn bị trước các kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngay khi Quốc hội vừa thông qua, để sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân trình bày tham luận tại hội nghị.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân trình bày tham luận tại hội nghị.

Trong đó, năm 2023, HĐND thành phố đã tổ chức 5 kỳ họp (2 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp chuyên đề) và thảo luận, thông qua 249 Nghị quyết (trong đó có 25 Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15).

“Việc thông qua và triển khai các Nghị quyết của HĐND thành phố để thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 là đòn bẩy hết sức hiệu quả để thành phố tận dụng cơ hội phát triển nhanh và bền vững. Nhiều nghị quyết đem lại hiệu quả thiết thực ngay sau khi triển khai”, đồng chí Huỳnh Thanh Nhân nói.

Thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết, ngay sau các kỳ họp của HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố đã phối hợp với UBND thành phố khẩn trương triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết của HĐND thành phố bằng những chương trình, kế hoạch, giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân trình bày tham luận tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân trình bày tham luận tại hội nghị.

Đặc biệt, Thường trực HĐND thành phố đã triển khai phần mềm theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố, hướng đến mục tiêu 100% nghị quyết của HĐND thành phố được theo dõi, giám sát quá trình thực hiện trên môi trường điện tử; tiếp tục đánh giá, mở rộng dần quá trình theo dõi, giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố đến toàn bộ cử tri và nhân dân thành phố.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan dân cử

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung cho biết, trong công tác xây dựng pháp luật, trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật đã mời Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh tham dự. Đối với những dự án Luật có phạm vi, đối tượng rộng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, cần phải lấy ý kiến rộng rãi, Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch, tố chức triển khai lấy ý kiến; sau đó, tổng hợp, thống nhất nội dung cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

“Ví dụ tiêu biểu là hoạt động phối hợp lấy ý kiến góp ý vào Luật đất đai (sửa đổi)”, đồng chí Thái Thị An Chung nói.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung trình bày tham luận tại hội nghị.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung trình bày tham luận tại hội nghị.

Về công tác phối hợp giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã xây dựng chương trình giám sát của Đoàn, trong đó xác định rõ nội dung, chuyên đề giám sát. Ngay từ đầu năm, Thường trực và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tỉnh thống nhất điều hòa hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh để tránh trùng lặp về nội dung và phân bố hợp lý về thời gian, địa điểm giám sát.

Khi triển khai các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đều mời Thường trực HĐND và ban có liên quan của HĐND tham gia đoàn giám sát. Ngược lại, khi triển khai giám sát của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh thì Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được mời tham gia cùng đoàn giám sát.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng trình bày tham luận tại hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng trình bày tham luận tại hội nghị.

Đối với công tác phối hợp giữa HĐND 2 cấp (tỉnh, huyện), Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng cho biết, tỉnh đã tổ chức hội nghị trao đổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan với nhau.

Nội dung thảo luận tập trung các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả, cải tiến, đổi mới các mặt công tác của HĐND các cấp như công tác tổ chức kỳ họp, hoạt động giám sát, việc ban hành nghị quyết, chính sách, công tác tiếp xúc cử tri…; giới thiệu trao đổi kinh nghiệm, phương thức cách làm, mô hình hoạt động hiệu quả của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử ở địa phương; thảo luận thống nhất phương hướng hành động của Thường trực HĐND 2 cấp; những định hướng đổi mới tập trung về nội dung, phương thức giám sát, thẩm tra, việc lựa chọn vấn đề mới, cần thiết để xây dựng kế hoạch giám sát chuyên đề, đổi mới phương thức giám sát, thẩm tra thiết thực, hiệu quả trên một số lĩnh vực quan trọng, cụ thể về kinh tế, văn hóa - xã hội, pháp chế.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhieu-giai-phap-nang-cao-nang-luc-hieu-luc-hieu-qua-hoat-dong-cua-hdnd-661713.html