Nhiều giải pháp 'thức tỉnh' nghề truyền thống ở Bình Dương
Bình Dương đã nỗ lực 'đánh thức' làng nghề truyền thống để bắt kịp với xu thế, không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa mà còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Tỉnh Bình Dương có nhiều ngành nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tuy nhiên, trước sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường và gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, nhiều làng nghề có nguy cơ mai một. Để vực dậy làng nghề, các nghệ nhân mong muốn Bình Dương có những chính sách hỗ trợ.
Nghệ nhân trăn trở
Nghề sản xuất sơn mài là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời ở Đất Thủ - Bình Dương. Với sự sáng tạo độc đáo của các nghệ nhân, sản phẩm sơn mài Bình Dương đã chinh phục được những khách hàng khó tính trong nước và các nước trên thế giới, như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản… Sau hơn 100 năm hình thành và phát triển, cũng như các nghề truyền thống khác, nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đang dần mai một.
Để vực dậy làng nghề, Bình Dương lập hồ sơ xin công nhận nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và đến năm 2016 đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận. Đến năm 2017, Bình Dương tiếp tục xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch”. Thế nhưng, đến nay, đề án vẫn “nằm trên giấy” khiến nghệ nhân lo lắng.
Họa sĩ Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội sơn mài tỉnh Bình Dương mong muốn, đề án phải sớm được triển khai để bảo tồn, lưu giữ làng nghề. “Sau khi Đề án được thành lập, ngoài chương trình xúc tiến thương mại, các hoạt động sản xuất kinh doanh, chương trình đào tạo cũng phải được đưa vào. Nghề đặc thù nên lực lượng kế thừa không thể thiếu, phải có sự tiếp nối liên tục. Do đó, nên mời các nghệ nhân còn tâm huyết với nghề đưa vào đào tạo tại khu làng nghề”, Họa sĩ Nguyễn Văn Quý nêu ý kiến.
Không chỉ có sơn mài, Bình Dương còn nổi tiếng với nghề sản xuất gốm sứ và có những thương hiệu nổi tiếng như Minh Long, Cường Phát, Phước Dũ Long… Sản phẩm gốm Bình Dương đã “bay cao, bay xa” đến các nước trên thế giới. Mặc dù đã có tên tuổi nhưng do ảnh hưởng của chiến tranh, dịch bệnh, các cơ sở gốm sứ ở Bình Dương đang gặp khó khăn về đơn hàng. Trong khi loay hoay tìm cách phục hồi, nhiều cơ sở lại phải đối mặt với nỗi lo phá sản, nếu phải di dời cơ sở từ phía Nam lên phía Bắc theo Quyết định số 3210 của tỉnh Bình Dương để tránh ô nhiễm.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cho biết, hầu hết các cơ sở gốm sứ đều kinh doanh theo mô hình gia đình, nên không có vốn để xây dựng nhà xưởng mới. Mặt khác, thợ lành nghề đã ổn định chỗ ở nên sẽ không theo nhà máy di chuyển đi nơi khác. Để lưu giữ nghề truyền thống đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù.
“Chúng tôi cũng rất mong muốn các cấp, các ngành quy hoạch 1- 2 cụm công nghiệp có vị trí giao thông thuận tiện, không quá xa nơi sản xuất cũ để DN vận chuyển lao động lành nghề lên nơi sản xuất mới. Từ đó gầy dựng bộ khung sản xuất, từ từ nơi sản xuất mới đi vào ổn định thì sau đó ngưng hẳn ở nơi cũ”, ông Thành đề xuất.
Bình Dương còn là “cái nôi” của nghề thủ công mỹ nghệ Nam bộ, như may tre đan, làm lu, heo đất, guốc gỗ, chạm trỗ, điêu khắc, sản xuất nhang…Các nghề truyền thống này cũng đang gặp khó khăn để bảo tồn, phát triển trong bối cảnh cạnh tranh.
Khơi dậy tiềm năng
Trước trăn trở của các Nghệ nhân, lãnh đạo UBND TP.Thủ Dầu Một cho biết, mới đây UBND tỉnh Bình Dương đã thống nhất cho điều chỉnh Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch". UBND thành phố đang triển khai thực hiện đề án.
“Đề án được điều chỉnh được phân kỳ thành 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2023-2026 sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng các hạng mục liên quan như cổng chào, hệ thống bảng chỉ dẫn vào khu làng nghề, nhà quản lí bảo tồn di tích. Giai đoạn 2026-2030 sẽ đầu tư đường dẫn vào làng nghề là đường Lò Lu, cùng với đó UBND thành phố sẽ thành lập các ban quản lí, ban điều hành”, ông Trần Bảo Lâm, Phó Chủ tịch UBND TP. Thủ Dầu Một cho biết.
Đối với nỗi lo “rơi rụng” nhiều cơ sở gốm sứ sau di dời, lãnh đạo Sở Công Thương Bình Dương cho biết, đối với ngành nghề truyền thống, Sở đang tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có những tiêu chí đặc biệt để các nghề này phát triển, bảo tồn.
Liên quan đến việc đào tạo nghề để có đội ngũ kế thừa, Bình Dương đã có chính sách miễn tiền học phí cho học sinh học các nghề sơn mài, điêu khắc tại trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa tỉnh. Các trường nghề cũng sẽ kết nối với DN, cơ sở sản xuất nghề truyền thống để đào tạo theo yêu cầu.
Ông Hồ Trúc Thanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương cho biết, sắp tới Bình Dương tổ chức công nhận danh hiệu cho 40 Nghệ nhân. Sở sẽ phối hợp với các sở tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách để nghệ nhân tham gia truyền nghề.
“Sở NN&PTNT phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu UBND cơ chế, chính sách để các Nghệ nhân tham gia đào tạo nghề trong các chương trình đào tạo nghề của tỉnh, để làm sao duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị, tinh hoa, sáng tạo của người nghệ nhân để đảm bảo lưu trữ được các nghề truyền thống”, ông Thanh khẳng định.
Vấn đề hỗ trợ vốn, chính sách để các làng nghề, người theo nghề truyền thống có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo các ngành tham mưu, đề xuất cơ chế đặc thù ngoài các chính sách của Trung ương.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho hay, tỉnh quy hoạch không gian phát triển làm sao để phát triển khoa học, phát triển xanh, sạch, bền vững nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn làng nghề theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ mới. Đưa nghề truyền thống trở thành mũi nhọn kinh tế gắn với phát triển du lịch.
Có thể thấy, trước những tác động của kinh tế thị trường, Bình Dương đã nỗ lực “đánh thức” làng nghề truyền thống để bắt kịp với xu thế. Việc làm này không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa mà còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.