Nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn tại làng nghề
Ngày 25-8, tại Nam Định, Cục Công Thương địa phương phối hợp Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Sở Công Thương tỉnh Nam Định tổ chức Hội thảo 'Tư vấn nâng cao nhận thức tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn tại các cơ sở công nghiệp nông thôn'.
Hội thảo là một trong những hoạt động thường niên trong Chương trình Khuyến công quốc gia năm 2023.
Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam và Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, trong đó, khoảng 2.000 làng nghề truyền thống với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia.
TS. Nguyễn Như Chinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết: Tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng thay thế là cách tiếp cận giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại nguồn thông qua sử dụng nguyên, vật liệu tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời, giúp các cơ sở sản xuất ở làng nghề cắt giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, hoàn thiện quy trình sản xuất, giảm bớt chi phí xử lý môi trường, bảo đảm cho làng nghề phát triển bền vững.
Còn theo ông Lại Đức Tuấn, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững - Bộ Công Thương, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chìa khóa cho bài toán phát triển bền vững của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các làng nghề Việt Nam. Đây là hướng phát triển bền vững cho các cơ sở sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong tương lai.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để làng nghề Việt Nam phát triển bền vững, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và an toàn lao động... đặc biệt là các giải pháp kỹ thuật. Trong đó, các biện pháp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải thông qua áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu, góp phần quan trọng nhằm phát triển bền vững làng nghề.
Đóng góp giải pháp để tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn, từ thực tiễn của địa phương, bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội tham luận với chủ đề “Bát Tràng từ làng nghề khói bụi tới làng nghề xanh”. Bà Vinh cho rằng, làng nghề Bát Tràng đã làm chủ được lò nung gas khí hóa lỏng nhưng để tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí, cần thiết kế lò gas mới, chọn vật liệu chịu lửa đúng loại, trang thiết bị đúng chỉ số kỹ thuật, phù hợp nhu cầu sử dụng của sản phẩm nung đốt.
Thời gian tới, có thể khuyến khích áp dụng điện mặt trời cho việc sấy và hòa lưới điện, phục vụ những lò điện sản phẩm có nhiệt độ dưới 1200 độ C cũng là điều kiện tốt cho làng nghề góp phần thay thế năng lượng khí gas hóa lỏng, giảm chi phí sản xuất, cải thiện môi trường làng nghề; có chính sách khuyến khích người sản xuất đầu tư thiết bị, tạo ra năng lượng mới bảo đảm môi trường xanh...