Nhiều giải pháp trợ lực cho mục tiêu tăng trưởng

Những tháng cuối năm 2024, hoạt động sản xuất và thương mại của nước ta, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ tiếp tục có cả những thuận lợi và thách thức.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của ngành.

Thông tin này được ông Bùi Huy Sơn- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Công Thương nhấn mạnh tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/10 tại Hà Nội nhằm đánh giá kết quả đạt được của ngành công thương 9 tháng năm 2024

Theo ông Bùi Huy Sơn, kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo là “hạ cánh an toàn”, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế của một số đối tác lớn của Việt Nam có nhiều khác biệt.

Tình hình tài khóa - tiền tệ toàn cầu đang có dấu hiệu nới lỏng hơn khi các chính sách tài khóa tại nhiều quốc gia trở nên hỗ trợ tăng trưởng hơn; quý III/2024 đánh dấu sự phục hồi tích cực của thương mại toàn cầu (mặc dù không đồng đều giữa các ngành và khu vực). Xu hướng lạm phát toàn cầu đang dần hạ nhiệt mặc dù vẫn còn nhiều thách thức (ngày 18/9/2024, Fed đã cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 50 điểm, lần đầu tiên sau hơn 4 năm nhằm kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh); sức ép lên tỷ giá USD/VND giảm khi Fed cắt giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí nhập khẩu;

Nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng, và dệt may (các nhà bán lẻ toàn cầu tăng cường dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ lớn). Ngoài ra, xuất khẩu dệt may của nước ta sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn khi các đơn hàng xuất khẩu được dịch chuyển từ Bangladesh. Thị trường các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư… Tuy nhiên, cũng còn nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định.

Ông Bùi Huy Sơn cũng chỉ ra việc diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, yếu tố rủi ro, bất định, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang ở châu Âu và Trung Đông. Cùng đó, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề… làm tốc độ phục hồi kinh tế, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại.

Các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng tạo nên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu. Giá cước vận tải biển chưa có xu hướng hạ nhiệt; những tác động tiêu cực của siêu bão Yagi đối với hoạt động sản xuất trong nước sẽ là khó khăn, thách thức không hề nhỏ đối với sản xuất công nghiệp và thương mại của nước ta trong thời gian tới.

Lãnh đạo Bộ Công Thương tại buổi họp báo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Lãnh đạo Bộ Công Thương tại buổi họp báo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, ngành công thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh trong toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế. Triển khai hiệu quả các Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản đã được phê duyệt; tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tính nền tảng. Hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành công thương năm 2024, đặc biệt là các dự án sửa đổi, bổ sung các luật (Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Hóa chất, hồ sơ xây dựng Luật phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả) và các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành.

Bộ Công Thương tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc các doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt để từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh việc tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng, Bộ sẽ đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm củng cố thể chế về phòng vệ thương mại hướng tới bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Tiếp tục nâng cao việc sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ hiệu quả các ngành xuất khẩu của Việt Nam ứng phó hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Mặt khác, phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Cùng đó, tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng. Triển khai Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... nhằm bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng.

Đặc biệt, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định các nhà máy điện trong thời gian tới (Công điện số 7287/CĐ-BCT ngày 19 tháng 9 năm 2024). Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước…; tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ).

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhieu-giai-phap-tro-luc-cho-muc-tieu-tang-truong/351096.html