Nhiều gói giải pháp cho chính quyền địa phương

Theo toàn văn quyết định của Hội nghị Trung ương lần thứ ba vừa được công bố, Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu 'phân chia rõ ràng' trách nhiệm giữa trung ương và địa phương; tăng cường sức mạnh tài chính của chính quyền địa phương để giải quyết tình trạng mất cân bằng kinh tế kéo dài hàng thập kỷ và vượt qua vấn đề cơ cấu quan trọng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Trao quyền tự chủ tài chính cho chính quyền địa phương

Tài liệu của Hội nghị Trung ương lần thứ ba, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Khóa XX thông qua, liệt kê một loạt các mục tiêu cải cách cần hoàn thành vào năm 2029 với hơn 300 biện pháp chính sách, trong đó, Chính quyền cam kết sẽ chi ngân sách trung ương nhiều hơn và trao quyền tự chủ về ngân sách lớn hơn cho các địa phương.

Các tòa chung cư đang trong quá trình thi công của nhà phát triển địa ốc Trung Quốc Vạn Khoa ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, hôm 15.3.2024. Ảnh: AFP/Getty Images

Các tòa chung cư đang trong quá trình thi công của nhà phát triển địa ốc Trung Quốc Vạn Khoa ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, hôm 15.3.2024. Ảnh: AFP/Getty Images

Trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ hướng tới mục tiêu "phân chia trách nhiệm rõ ràng, phối hợp nguồn lực tài chính và cân bằng khu vực" trong mối quan hệ tài chính giữa chính quyền trung ương và địa phương, tài liệu Hội nghị vừa được công bố cho biết. Cụ thể, giới lãnh đạo đã nhất trí trao cho chính quyền địa phương nhiều "năng lực tài chính tự chủ" hơn, cho phép họ tăng nguồn thuế và mở rộng "một cách phù hợp" quyền quản lý liên quan đến thuế.

Các biện pháp chính sách từ phiên họp toàn thể kéo dài 4 ngày đã vạch ra lộ trình kinh tế của Trung Quốc trong trung hạn. Các biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền địa phương đang phải vật lộn với tình trạng cạn kiệt tiền mặt, với nguy cơ vỡ nợ hàng nghìn tỷ đô la đang phủ bóng đen lên triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, tình trạng chênh lệch giữa ngân sách trung ương và địa phương được coi là một trong những mâu thuẫn cơ bản trong sự phát triển không thiếu đồng đều của đất nước. Giải quyết vấn đề mấu chốt này rất quan trọng đối với con đường phát triển bền vững của Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu ngày càng căng thẳng.

Khủng hoảng tài chính ở cấp địa phương cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút. Các cơ quan này vốn là những đơn vị chi tiêu chính cho nhiều dịch vụ công cộng địa phương như giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Thiếu sự đầu tư liên tục của các cơ quan công quyền ở địa phương, chi phí cao của các dịch vụ này khiến các hộ gia đình không muốn chi tiêu nhiều hơn cho các lĩnh vực khác.

Nhu cầu trong nước giảm sút, không đủ để hấp thụ sản xuất trong nước được coi là mặt trái của cái gọi là "năng suất dư thừa" ở Trung Quốc, vốn là cụm từ mà Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu vẫn viện dẫn để tìm cách hạn chế thương mại hơn nữa đối với các sản phẩm của Trung Quốc.

Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết: "Tài liệu này dường như chỉ ra rằng một cuộc cải cách tài chính quan trọng sắp diễn ra". “Tôi nghĩ mục tiêu là giúp chính quyền địa phương duy trì tình hình tài chính bền vững bằng cách bổ sung thêm nguồn thu và chuyển một số khoản chi cho chính quyền trung ương”, ông viết trong một lưu ý hôm 22.7. Ông Zhang hy vọng chương trình trái phiếu chính quyền địa phương sẽ đóng vai trò hiệu quả hơn khi các quy định được nới lỏng để nguồn tiền có thể được sử dụng tự do hơn. Ông cho biết Hội nghị Trung ương lần thứ ba không thay đổi mục tiêu chính sách của chính phủ, nhưng đã đưa ra các biện pháp mới để đạt được các mục tiêu đó.

Giải quyết vấn đề nan giải trong phân cấp tài chính

Kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu cải cách thị trường cách đây hơn bốn thập kỷ, cải cách thuế và mối quan hệ trung ương-địa phương từ lâu đã được coi là những yếu tố khó khăn và cơ bản nhất của một cuộc đại tu thực sự hệ thống kinh tế Trung Quốc.

Vào những năm 1980, Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống hợp đồng thuế trên thực tế, với tỷ lệ giữ lại doanh thu cao cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, điều đó làm suy yếu năng lực tài chính của chính quyền trung ương, khiến nhiều cải cách khó thực hiện.

Cuộc cải cách chia sẻ thuế năm 1994, do Thủ tướng lúc bấy giờ là Chu Dung Cơ khởi xướng, đã giúp giảm bớt tình trạng thâm hụt doanh thu của chính quyền trung ương nhưng lại bị đổ lỗi là dẫn đến các vấn đề như gia tăng gánh nặng cho chính quyền địa phương.

Kết quả là, chính quyền địa phương chuyển sang đấu giá quyền sử dụng đất để tăng thêm doanh thu, góp phần tạo nên bong bóng bất động sản. Sự sụt giảm mạnh của ngành bất động sản trong vài năm qua là lý do chính gây ra những khó khăn về tài chính mà chính quyền địa phương phải đối mặt.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm ngoái, doanh thu tài chính của chính quyền địa phương chiếm 54% tổng thu ngân sách quốc gia, trong khi họ gánh tới 86% tổng chi tiêu.

Tình trạng thiếu hụt ngân sách trong bối cảnh kinh tế suy thoái sau đại dịch và khủng hoảng bất động sản đã làm gia tăng lo ngại về rủi ro tài chính của hơn 300 đơn vị hành chính cấp tỉnh và khoảng 3.000 đơn vị hành chính cấp huyện của Trung Quốc. Một số trong số đó đang chìm trong nợ nần chồng chất.

Hội nghị Trung ương lần thứ ba đã quyết định rằng đất nước sẽ thiết lập một “cơ chế dài hạn” để giảm thiểu rủi ro nợ tiềm ẩn và mở rộng “một cách hợp lý” việc sử dụng tiền huy động từ trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương.

Các biện pháp sẽ được triển khai cũng bao gồm tăng khoản thanh toán chuyển nhượng chung từ chính quyền trung ương cho chính quyền địa phương, chuyển giao việc thu thuế tiêu thụ cho chính quyền địa phương và cải thiện việc phân chia doanh thu thuế giữa trung ương và địa phương - chẳng hạn như thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, theo tài liệu của Hội nghị, chính quyền trung ương cũng sẽ ủy quyền một số quyền quản lý doanh thu phi thuế.

Những giải pháp này được kỳ vọng giúp tăng cường sức mạnh tài chính của chính quyền địa phương để giải quyết tình trạng mất cân bằng kinh tế kéo dài hàng thập kỷ và vượt qua vấn đề cơ cấu quan trọng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Quỳnh Vũ (Theo SCMP)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/nhieu-goi-giai-phap-cho-chinh-quyen-dia-phuong-i381820/