Nhiều GV, NV hợp đồng bị hạ bậc lương, Phòng Nội vụ huyện Tánh Linh nói gì?
Nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng tại Bình Thuận sau nhiều năm cống hiến bậc lương bị hạ xuống, bỗng chốc trở về bằng mức khởi điểm như người mới vào nghề.
Sau các bài viết phản ánh về việc các giáo viên, nhân viên hợp đồng lâu năm tại huyện Hàm Thuận Nam bị hạ lương xuống bậc 1, bằng với mức lương khởi điểm của người mới vào nghề, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được tâm thư của độc giả là giáo viên, nhân viên hợp đồng tại huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) gửi về cũng với nội dung tương tự.
Giáo viên, nhân viên hợp đồng tâm tư
Một giáo viên hợp đồng dạy trung học cơ sở tại huyện Tánh Linh cho biết, nhà trường áp dụng việc hạ bậc lương của giáo viên, nhân viên hợp đồng từ đầu năm 2025. Theo đó, đối tượng thuộc diện hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 111) đều bị hạ lương xuống bậc 1 và hưởng theo hệ số lương với mức tối đa là 2.34.
Điều này khiến giáo viên hợp đồng dù nhiều năm cống hiến (có người gần 20 năm) vẫn chưa được vào biên chế thì nay bỗng chốc mức lương trở về khởi điểm, bằng với mức lương của những người khác mới vào nghề.
Chia sẻ với phóng viên, một giáo viên cho hay, ngày 26/11/2024 Ủy ban nhân dân huyện Tánh Linh ra công văn về việc hướng dẫn nội dung xây dựng dự toán kinh phí năm 2025 về ký kết hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị trường học trên địa bàn theo Nghị định số 111.
Đến ngày 8/1/2025 Phòng Nội vụ huyện này tiếp tục ra công văn số 08/PNV về việc hướng dẫn hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ theo Nghị định 111. Theo công văn này, những người đã có hợp đồng lao động từ trước khi Nghị định 111 có hiệu lực cũng được hướng dẫn phải ký lại hợp đồng mới theo Nghị định này.
Vì thế, hiện nhiều nhà nhà trường đã áp dụng hai công văn này để thực hiện trả lương cho giáo viên, nhân viên hợp đồng về bậc 1 của ngạch hiện hưởng. Cụ thể, người có trình độ chuyên môn trung cấp về bậc 1 là 1.86, còn người có trình độ chuyên môn đại học sẽ về bậc 1 là 2.34. Thời gian bắt đầu thực hiện tháng 1/2025.

Công văn của Ủy ban nhân dân huyện Tánh Linh về việc ký kết hợp đồng thực hiện công việc chuyên môn nghiệp vụ trong trường học. Ảnh: Độc giả cung cấp
"Chúng tôi là những giáo viên, nhân viên được hợp đồng lao động trước ngày 30/12/2022, tức là ký hợp đồng trước khi Nghị định 111 được ban hành. Tại hợp đồng cũng đã ghi rõ thỏa thuận về hợp đồng không xác định thời hạn và lên lương hàng năm bình thường như các đối tượng thuộc diện biên chế.
Theo đề án vị trí việc làm hàng năm của nhà trường, chúng tôi thuộc hợp đồng trong biên chế được giao (có cấp kinh phí trả lương hàng năm) nhưng chúng tôi vẫn chưa được tuyển dụng vào biên chế mặc dù có nhiều người hợp đồng trên 5 năm, thậm chí có người công tác hơn 15 năm vẫn là giáo viên, nhân viên hợp đồng.
Vì vậy việc hiện tại nhiều trường trên địa bàn huyện Tánh Linh áp dụng chi trả mức lương cho những giáo viên, nhân viên như chúng tôi theo Nghị định 111 khiến chúng tôi hụt hẫng, sự gắn bó của chúng tôi trong nhiều năm qua giờ trở về như ban đầu.
Vốn dĩ những đối tượng là giáo viên, nhân viên hợp đồng như chúng tôi đã rất thiệt thòi vì thời gian cống hiến lâu năm nhưng không được xem xét cho vào biên chế. Ngoài ra, mức thu nhập hiện tại cũng chúng tôi cũng là thấp so với những người đã được biên chế.
Việc hạ lương của chúng tôi xuống bậc 1 là đồng nghĩa với việc chúng tôi bị giảm thu nhập hàng tháng. Điều này tác động rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, đặc biệt là động lực làm việc của chúng tôi", giáo viên chia chia sẻ.
Ngoài những giáo viên hợp đồng, tại huyện Tánh Linh một số nhân viên phụ trách công tác thiết bị trường học, nhân viên kế toán, nhân viên y tế trường học theo diện hợp đồng cũng bày tỏ nhiều trăn trở về việc họ bị hạ bậc lương.
Một nhân viên y tế trường học chia sẻ với phóng viên: "Trong quá trình công tác tròn 13 năm, tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nên được nhà trường xét nâng bậc lương theo quy định; đến thời điểm ngày 31/12/2024, lương của tôi được hưởng ở bậc 7, hệ số 3.06 ngạch nhân viên
Thế nhưng khi Ủy ban nhân dân huyện và Phòng Nội vụ huyện Tánh Linh ra các văn bản như vậy, nhà trường đã yêu tôi phải ký lại hợp đồng theo Nghị định 111, chuyển xếp lương của tôi về bậc 1, hệ số là 1,86. Như vậy, lương của tôi đang từ bậc 7, hệ số 3.06 (hưởng từ tháng 12 năm 2024) hạ xuống bậc 1, hệ số1.86, (hưởng từ tháng 01/2025) bằng với mức lương khởi điểm khi mới vào nghề.
Ngoài việc thu nhập hàng tháng bị giảm xuống, điều chúng tôi thấy chạnh lòng nhất là sự cống hiến của chúng tôi nhiều năm qua không được nhà trường và cấp trên ghi nhận.
Chúng tôi cũng đã tìm hiểu và được biết, trong cùng một tỉnh nhưng có huyện khác họ không ký lại hợp đồng với giáo viên, nhân viên hợp đồng và không hạ bậc lương. Điều này không khỏi khiến cho chúng tôi có nhiều băn khoăn. Phải chăng cùng một địa phương nhưng quyền lợi của người lao động lại có sự phân biệt khác nhau?".
Đơn vị liên quan nói gì?
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã liên hệ đến một số nhà trường và Phòng Nội vụ huyện Tánh Linh để có thêm thông tin khách quan.
Theo ghi nhận, sau khi văn bản của Ủy ban nhân dân và Phòng Nội vụ huyện Tánh Linh được ban hành, vì mỗi nơi hiểu theo một cách khác nhau nên cách thực hiện khác nhau. Vì thế hiện tại có trường đã thực hiện hạ bậc lương của giáo viên, nhân viên hợp đồng nhưng cũng có trường đang phân vân không biết làm thế nào mới đúng chủ trương của cấp trên.
Tại Trường Trung học cơ sở Đức Phú (huyện Tánh Linh), khi chưa chắc chắn về quan điểm chỉ đạo của cấp trên, hiện nhà trường cũng đang có phương án để đảm bảo mức lương của lao động hợp đồng được hưởng không bị sụt giảm.
Thầy Lê Văn Phúc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Ở trường có nhân viên kế toán hợp đồng 19 năm chúng tôi vẫn giữ nguyên, không thực hiện việc hạ bậc lương đối với cô ấy.
Về vấn đề này các trường cũng mới có cuộc họp với Ủy ban nhân dân huyện Tánh Linh, tuy nhiên chưa có sự thống nhất quan điểm từ phía Phòng Tài chính - Kế hoạch".
Cũng theo thầy Phúc, cách hiểu của nhà trường với văn bản được Ủy ban nhân dân huyện và Phòng Nội vụ huyện Tánh Linh ban hành thì việc hạ bậc lương xuống bậc 1 đối với các giáo viên và nhân viên hợp đồng là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, vì có nhiều đối tượng trong diện này có thâm niên công tác từ 15 đến 20 năm, nếu phải hạ bậc lương trở về mức lương khởi điểm sẽ khiến thu nhập của họ bị giảm sút mạnh. Thầy Phúc cho rằng, đây là một thiệt thòi rất lớn nên nhà trường đang cân đối tài chính để đảm bảo thu nhập cho họ.
Chia sẻ về nguồn tài chính để nhà trường có thể đảm bảo chi trả cho các đối tượng này khi nhà trường không thực hiện hạ bậc lương, lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Đức Phú cho hay: "Việc chi trả này đang được lấy từ nguồn lương của năm 2024.
Tuy nhiên việc này phụ thuộc vào hệ số lương của người được chi trả là cao hay thấp. Nếu hệ số cao thì nó sẽ ảnh hưởng đến nguồn chi lương vì tổng tiền lương đã được "khoán" để nhà trường chi trả theo hằng năm.
Có một số trường khi không thực hiện việc hạ bậc lương của giáo viên họ đã phải làm riêng một văn bản cam kết với đối tượng bị tác động, cũng có trường chỉ thỏa thuận bằng miệng. Trong đó các trường cũng nêu rõ nêu rõ việc, nếu sau này cấp trên yêu cầu thì buộc các giáo viên, nhân viên đó phải trả lại tiền", thầy Phúc nhấn mạnh.

Nội dung trong công văn của Phòng Nội vụ huyện Tánh Linh. Ảnh: Độc giả cung cấp
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Nội vụ huyện Tánh Linh cho biết: "Về việc này Phòng Nội vụ không có quan điểm chỉ đạo hạ bậc lương đối với giáo viên và nhân viên hợp đồng. Chúng tôi chỉ hướng dẫn thực hiện theo Nghị định 111, còn việc cấp kinh phí ra sao là do Phòng Tài chính - Kế hoạch thực hiện"
Cũng theo lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Tánh Linh, khi thực hiện theo Nghị định 111 thì những đối tượng mới ký hợp đồng, hoặc có thời gian hợp đồng không quá 12 tháng thì phải tính lương ở bậc 1. Còn đối với những đối tượng chuyển tiếp thì không có chủ trương hạ bậc lương.
"Ngày 8/5, Phòng Nội vụ cũng đã mời hiệu trưởng các trường và các giáo viên, nhân viên hợp đồng chịu ảnh hưởng để họp. Thông qua đó chúng tôi cũng đã quán triệt các hiệu trưởng thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu trong Nghị định 111.
Trong Nghị định 111 có quy định tại khoản 5, Điều 13 về điều khoản chuyển tiếp. Để đảm bảo tiêu chuẩn thì quay lại Điều 10 của Nghị định này. Tại Điều 10 nó cũng có yêu cầu phải đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trong đó nêu lên 2 hình thức, một là thỏa thuận với thủ trưởng đơn vị, hai là theo thang bậc lương.
Nếu theo thang bậc lương của công chức, viên chức thì lao động hợp đồng được hưởng các quyền lợi như cán bộ công chức, viên chức. Cho nên, việc hợp đồng theo hình thức nào là do thủ trưởng cơ quan thỏa thuận với người lao động để ký kết hợp đồng cho phù hợp", ông Thành cho hay.
Phóng viên đề cập đến trường hợp của một số trường đã thực hiện việc hạ bậc lương với giáo viên, nhân viên hợp đồng từ đầu năm 2025 đến nay thì hiện sẽ phải triển khai tiếp ra sao?
Về việc này ông Thành nhấn mạnh: "Trong cuộc họp ngày hôm qua chúng tôi cũng đã yêu cầu các trường, nếu trường nào đang thực hiện hạ bậc lương với giáo viên, nhân viên hợp đồng thì nên chỉnh sửa lại cho phù hợp theo đúng quy định.
Đa số các trường trên địa bàn huyện Tánh Linh chưa thực hiện việc hạ bậc lương. Họ cũng đã có kiến nghị nên chưa thực hiện, chỉ có một vài trường áp dụng hạ bậc lương với giáo viên, nhân viên hợp đồng".
Cũng theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Tánh Linh, đối với những trường hợp đã bị hạ bậc lương từ đầu năm 2025 đến nay, nếu đủ điều kiện theo quy định và không nằm trong nhóm đối tượng phải hạ bậc lương thì có thể làm đơn kiến nghị gửi nhà trường để được thực hiện truy lĩnh số tiền đã bị trừ.
"Qua đó, trước hết hiệu trưởng các nhà trường phải rà soát lại xem họ có đủ tiêu chuẩn hay không. Nếu đảm bảo tiêu chuẩn thì đương nhiên họ sẽ được hưởng quyền lợi theo quy định tại khoản 2, Điều 8 Nghị định 111. Còn nếu họ không đủ tiêu chuẩn thì trách nhiệm của hiệu trưởng là phải tính toán lại cho thật phù hợp", ông Thành cho biết thêm.