Thủ tục xin giấy phép xác nhận nội dung quảng cáo trước phiên livestream khá nhiêu khê
Ngày 28-7, tại TPHCM diễn ra Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Thương mại điện tử.

Một phiên livestream sản phẩm
Hội thảo do Bộ Công Thương phối hợp Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tổ chức, nhằm tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý để hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội vào tháng 10-2025.
Tham dự hội thảo có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội; đồng chí Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; cùng đại diện các sở ngành, hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho hay, TMĐT đang phát triển mạnh, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế số với tốc độ tăng trưởng 20–25% mỗi năm. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng đối mặt với không ít thách thức như gian lận thương mại, hàng giả, trốn thuế, xâm phạm sở hữu trí tuệ và lừa đảo người tiêu dùng, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới không có pháp nhân tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng, Bộ Công Thương đã thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng luật theo quy định, từ tổng kết thực tiễn, lấy ý kiến các bên liên quan đến hoàn thiện hồ sơ chính sách và trình Chính phủ. Luật TMĐT ra đời sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và đổi mới sáng tạo.
Bộ Công Thương đề nghị các đại biểu tiếp tục góp ý 3 nội dung trọng tâm: Dự thảo đã khắc phục bất cập chưa? Có tạo gánh nặng chi phí tuân thủ không cần thiết không? Mức độ thúc đẩy phát triển đã đủ hay cần bổ sung?

Các đại biểu tham dự hội thảo ngày 28-7
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc đối ngoại Shopee, đề xuất: “Các nền tảng có pháp nhân Việt Nam cần được đối xử bình đẳng trong quy định đánh giá an ninh. Bên cạnh đó, việc cấm hành vi mua bán, tặng cho tài khoản người dùng cần được bổ sung rõ vì thực tế đã xuất hiện hành vi lừa đảo qua việc này”.
Ông Hà cũng đề nghị rút ngắn thời gian lưu trữ dữ liệu phiên livestream từ 1 năm xuống còn 6 tháng để giảm chi phí, đồng thời lưu ý quy định công khai thông tin người bán cần thận trọng, tránh ảnh hưởng đến các giao dịch hợp pháp ngoài nền tảng.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, thách thức lớn nhất hiện nay là sự chồng chéo trong quản lý, chưa có hướng dẫn chi tiết. Do đó, cần xem xét nguyên tắc luật ra đời sau ưu tiên hơn luật trước để xử lý vi phạm hiệu quả hơn.
Chuyên gia TMĐT Quách Nhi chia sẻ câu chuyện cá nhân khi đặt mua thiết bị y tế từ Trung Quốc qua nền tảng TMĐT: “Giá rẻ, giao hàng nhanh, nhưng nếu sản phẩm không đạt chuẩn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Cần quy định rõ ai chịu trách nhiệm khi có rủi ro: người bán, đơn vị vận chuyển hay nền tảng?”
Bà Hoàng Sa, đại diện hỗ trợ người bán trên sàn TMĐT, nêu vướng mắc về thủ tục xin giấy phép xác nhận nội dung quảng cáo trước mỗi phiên livestream: “Thủ tục hiện khá nhiêu khê, có thể kéo dài đến 10 ngày, gây khó cho doanh nghiệp nhỏ”.

Nhân viên Nón Sơn livestream bán hàng trực tuyến tại doanh nghiệp
Giải đáp thêm một số thắc mắc của doanh nghiệp, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, về TMĐT xuyên biên giới, một số ý kiến đề xuất yêu cầu có pháp nhân hoặc ủy quyền pháp nhân tại Việt Nam. Bộ sẽ tiếp thu và cụ thể hóa trong nghị định. Việc công khai thông tin người bán là phù hợp thông lệ quốc tế, cần được giữ nguyên.
Đối với giấy phép quảng cáo trong livestream, bà Oanh khẳng định: "Đây không phải quy định mới. Luật Quảng cáo đã quy định rõ và chúng tôi chỉ thực hiện đúng pháp luật hiện hành".
Dự thảo Luật Thương mại điện tử đang tiếp tục được Bộ Công Thương tổng hợp ý kiến để hoàn thiện, đảm bảo vừa thúc đẩy phát triển kinh tế số, vừa thiết lập trật tự, kỷ cương trong môi trường kinh doanh trực tuyến.