Nhiều hãng ô tô phải ngừng sản xuất vì thiếu hụt nguồn cung do bất ổn ở Biển Đỏ
Xung đột kéo dài ở Biển Đỏ và căng thẳng leo thang trên khắp Trung Đông có nguy cơ tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, các công ty vận tải biển đã buộc phải hướng tàu ra khỏi Biển Đỏ trong bối cảnh các cuộc tấn công của lực lượng Houthi có chiều hướng phức tạp. Ngành ô tô cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này khi một số nhà sản xuất ô tô đã phải tạm ngừng sản xuất vì thiếu hụt nguồn cung.
Thiếu hụt nguồn cung
Nhà máy của Volvo ở Ghent, Bỉ, sẽ tạm dừng sản xuất trong ba ngày sau khi các tàu phải định tuyến lại để tránh bạo lực tại một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, khiến việc giao hộp số bị trì hoãn.
Tesla cho biết họ sẽ đình chỉ hầu hết hoạt động sản xuất ô tô tại nhà máy gần Berlin từ ngày 29/1 đến ngày 11/2.
Các nhà sản xuất ô tô khác cũng đang thực hiện các bước để tránh việc ngừng sản xuất.
Stellantis nói buộc phải dựa vào vận tải hàng không để đối phó với sự gián đoạn nguồn cung tạm thời.
Người phát ngôn của công ty cho biết vào cuối tuần qua: “Stellantis đã thực hiện các biện pháp thích hợp để bù đắp cho việc gia hạn tạm thời một số tàu được định tuyến lại bằng cách sử dụng một số giải pháp vận chuyển hàng không hạn chế”.
Người phát ngôn nói thêm, nhà sản xuất ô tô này “gần như không có tác động gì đến hoạt động sản xuất cho đến nay”.
Volkswagen thì nói rằng công ty đang phối hợp chặt chẽ với các công ty vận tải và đang theo dõi chặt chẽ tình hình để đánh giá tác động đối với hoạt động sản xuất và tránh điều đó trong chừng mực có thể.
Một phát ngôn viên của công ty cho hay, VW không mong đợi những hạn chế "đáng kể" đối với việc sản xuất.
Volvo, công ty sản xuất XC40 và C40 tại nhà máy Ghent, nói rằng họ đang buộc phải tạm thời ngừng sản xuất ở Ghent do việc giao hộp số bị trì hoãn. Người phát ngôn của Volvo cho biết việc giao xe, mục tiêu sản xuất và nhà máy châu Âu khác ở Gothenburg, Thụy Điển, không bị ảnh hưởng bởi việc tạm dừng.
Tesla thì không đưa ra lý do tạm ngừng sản xuất nhưng nhà sản xuất xe điện này dựa vào pin từ Trung Quốc để sản xuất Model Y cho thị trường châu Âu tại nhà máy của họ ở Gruenheide gần Berlin.
Các nhà sản xuất ô tô khác cũng dựa vào châu Á để cung cấp nguồn cung cấp xe điện.
Theo dữ liệu của S&P Market Intelligence, châu Á chiếm 67% lượng nhập khẩu linh kiện cho pin EV của EU trong 12 tháng tính đến ngày 30 tháng 9 và chỉ hơn 2/3 lô hàng pin lithium ion.
BMW và Renault thông tin cuối tuần qua rằng việc sản xuất không bị ảnh hưởng.
Chi phí vận chuyển cao hơn
Các chủ tàu container lớn như Maersk và Hapag-Lloyd đã chuyển các tàu đi qua Kênh Suez sang tuyến đường dài hơn quanh Mũi Hảo Vọng của Châu Phi. Điều này đã làm gián đoạn lịch trình vận chuyển phức tạp, hàng hóa bị trì hoãn và khiến chi phí vận chuyển tăng mạnh.
Việc định tuyến lại một con tàu quanh Châu Phi sẽ làm tăng thêm khoảng 2 triệu USD chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến đi khứ hồi từ châu Á đến Bắc Âu. Các nhà vận chuyển đang thu hồi khoản đó và tung ra các khoản phụ phí khác.
Maersk nói họ hy vọng việc định tuyến lại, kéo dài thêm khoảng 10 ngày cho hành trình từ châu Á đến Bắc Âu, sẽ kéo dài trong tương lai gần.
Peter Sand, nhà phân tích trưởng của nền tảng vận tải hàng hóa Xeneta, cho biết: “Cuộc khủng hoảng này càng kéo dài thì hoạt động vận chuyển hàng hóa đường biển trên toàn cầu càng bị gián đoạn và chi phí sẽ tiếp tục tăng”.
Ông nói: “Chúng tôi đang xem xét nhiều tháng chứ không phải vài tuần hoặc vài ngày trước khi cuộc khủng hoảng này đạt được bất kỳ giải pháp nào”.
Điểm yếu cung cấp linh kiện
Việc phụ thuộc vào quá nhiều linh kiện quan trọng từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, là một điểm yếu tiềm tàng trong bất kỳ chuỗi cung ứng nào của ô tô.
Ông Sam Fiorani nhấn mạnh: “Tesla phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về các linh kiện pin cần được vận chuyển đến châu Âu qua Biển Đỏ, khiến hoạt động sản xuất thường xuyên gặp rủi ro”.
Houthi đã được thực hiện 26 cuộc tấn công nhằm vào các tàu buôn đi qua Biển Đỏ và Vịnh Aden kể từ ngày 19/11/2023.
Biển Đỏ (hay còn gọi là Hồng Hải) là vùng vịnh thuộc Ấn Độ Dương, nằm giữa châu Á và châu Phi. Vùng nước này tiếp giáp Vịnh Aqaba, Vịnh Sinai và Vịnh Suez, nơi đặt kênh đào Suez - về phía Bắc. Ở phía nam, Biển Đỏ tiếp giáp Vịnh Aden và đổ ra Ấn Độ Dương.
Vì địa thế quan trọng mà Biển Đỏ có vai trò chiến lược với ít nhất 12% giao dịch thương mại hàng hóa thế giới đi qua vùng biển này.