Nhiều hệ lụy khi sử dụng dịch vụ thủ tục hải quan tự phát
Hiện nay vẫn còn tồn tại các cá nhân làm dịch vụ xuất nhập khẩu một cách tự phát, gây ra nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý. Điều này đặt ra yêu cầu về những giải pháp cấp bách hơn để nâng cao vai trò của các đại lý làm thủ tục hải quan chính thống, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp.
Nhiều rủi ro khi sử dụng dịch vụ tự phát
Ghi nhận của Tổng cục Hải quan tại một số địa bàn, hiện nay ngoài các trường hợp hoạt động xuất nhập khẩu thông qua ký kết hợp đồng đại lý hải quan, vẫn có các đại lý làm thủ tục hải quan không ký kết hợp đồng với chủ hàng, mà chỉ thực hiện hoạt động khai thuê, nhập các chỉ tiêu thông tin khai báo, làm thuê các thủ tục bến bãi, điều xe, bốc xếp hàng hóa... còn việc đứng tên trên tờ khai hải quan, thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí và các khoản phải thu khác vẫn do chủ hàng đứng ra tự thực hiện.
Ngoại trừ đại lý hải quan chính thức, các dịch vụ hải quan tự phát thường chỉ hoàn tất thủ tục hải quan chứ không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Trong khi đó, quá trình kiểm tra hồ sơ của các cơ quan, ban, ngành kéo dài lên đến 5 năm, không chỉ dừng lại ở quy trình khai báo, mà còn kiểm tra sau thông quan và quyết toán hàng năm. Nhiều chủ hàng đã gánh chịu hậu quả khôn lường khi có sai phạm sau quá trình điều tra của chi cục hải quan. Lúc này đòi hỏi người khai thuê phối hợp kiểm tra, khắc phục sai phạm thì lại chỉ còn chủ hàng chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Một hệ lụy nữa mà doanh nghiệp gặp phải là mất hoặc không được bàn giao hồ sơ khai báo hải quan. Điều này xuất phát từ nguyên nhân một số cá nhân làm dịch vụ khai báo hải quan tự phát không có đủ trình độ hiểu biết về các quy định trong lưu trữ hồ sơ xuất nhập khẩu dẫn đến không bảo quản tài liệu.
Đồng thời, việc tin tưởng vào dịch vụ khai báo hải quan không có tư cách pháp nhân hay chứng nhận hành nghề từ Tổng cục Hải quan không những gây thiệt hại từ sai phạm hành chính, mà còn tiềm ẩn nguy cơ không được bàn giao hồ sơ khai báo, gây thiệt hại rất lớn khi xảy ra tranh chấp. Rủi ro lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt khi sử dụng dịch vụ tự phát là bị mạo danh chiếm đoạt tài sản.
Mặc dù trên thị trường đang tồn tại rất nhiều đơn vị mang danh nghĩa là đại lý thủ tục hải quan, nhưng thực tế, đôi khi chỉ là những đơn vị không có tư cách pháp nhân hoặc có nhưng ngành nghề hoạt động không liên quan đến làm đại lý thủ tục hải quan. Các đơn vị này chỉ hoạt động dựa vào việc sử dụng giấy giới thiệu và chữ ký số của khách hàng để tiến hành các dịch vụ khai thuê hải quan, chứ không có hợp đồng dịch vụ đại lý thủ tục hải quan.
Một số đơn vị làm dịch vụ khai báo tự phát núp bóng doanh nghiệp xuất nhập khẩu để hoạt động phạm pháp, chiếm đoạt tài sản của chủ hàng. Các đối tượng có thể nhận làm dịch vụ khai báo hải quan và nhận hàng cho nhiều công ty cùng có trụ sở tại một tỉnh thành, sau đó đã làm giả tờ khai hải quan để chiếm đoạt giá trị hàng hóa của những chủ hàng này.
Nghiên cứu chế độ ưu tiên
Hoạt động xuất nhập khẩu thông qua kênh đại lý làm thủ tục hải quan (ĐLLTTHQ) đang là xu hướng tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thời gian qua, hoạt động ĐLLTTHQ đã có những đóng góp quan trọng, đặt nền móng cho sự phát triển các dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn toàn quốc.
Chính vì vậy, việc quan tâm phát triển ĐLLTTHQ sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động dịch vụ logistics phát triển, giúp việc thực hiện thủ tục hải quan của các doanh nghiệp trở nên chuyên nghiệp hóa, rút ngắn thời gian thông quan, giảm phát sinh các trường hợp vi phạm do không có điều kiện nghiên cứu đầy đủ pháp luật về hải quan và chính sách quản lý hàng hóa.
Theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), cần đánh giá rõ bản chất, vai trò, vị trí của ĐLLTTHQ trong quy trình làm thủ tục hải quan; giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các cá nhân hoạt động tự do, tự phát với ĐLLTTHQ; áp dụng những chính sách ưu tiên, ưu đãi, tạo thuận lợi đối với việc thực hiện thủ tục thông qua ĐLLTTHQ. Từ đó, đưa ra chủ trương phát triển hoạt động ĐLLTTHQ tại Việt Nam theo định hướng, lộ trình cụ thể là cần thiết, để sớm triển khai trong thực tiễn.
Khó khăn trong xử lý các hành vi "mạo danh"
Thời gian qua, các hành vi “mạo danh” doanh nghiệp để chiếm đoạt tài sản của một số cá nhân làm dịch vụ hải quan đã bị cơ quan chức năng điều tra, phát hiện. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong thông quan hàng hóa bị đình trệ. Nếu việc này xảy ra thường xuyên, doanh nghiệp không chỉ bị thiệt hại về kinh tế mà uy tín của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu một số nội dung để triển khai áp dụng chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp ĐLLTTHQ. Cụ thể, khi doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện về tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế, kim ngạch, các điều kiện khác... thì được công nhận là ĐLLTTHQ ưu tiên, đồng nghĩa với việc được hưởng các chế độ ưu tiên như đối với doanh nghiệp ưu tiên (quy định tại Điều 43 Luật Hải quan), như: được miễn kiểm tra chứng từ thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế, được ưu tiên thực hiện thủ tục hải quan trước… Chủ hàng hóa, chủ phương tiện cũng được hưởng chế độ ưu tiên khi ủy quyền cho đại lý ưu tiên...
Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, điều tiên quyết lúc này là cần tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích chủ hàng, người dân, doanh nghiệp sử dụng ĐLLTTHQ khi phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao vai trò của ĐLLTTHQ trên phương diện là cầu nối giữa cơ quan hải quan và người xuất khẩu, nhập khẩu; đồng thời giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các cá nhân hoạt động tự do, tự phát với ĐLLTTHQ./.