Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh nhật Bác

Ngày 19/5, nhiều địa phương tổ chức dâng hoa, triển lãm, trồng cây nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025).

Lễ dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Lễ dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Triển lãm “Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế”

Sáng 19/5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh thành phố Huế, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế tổ chức Lễ dâng hoa lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khai mạc triển lãm “Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế”

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế Phan Thanh Hải nhấn mạnh, Huế vinh dự và tự hào là nơi in đậm dấu ấn 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình từng sống, lao động, học tập và tham gia hoạt động yêu nước qua 2 giai đoạn (1895-1901 và 1906-1909). Bên cạnh hệ thống di tích, địa điểm di tích lưu niệm gắn bó với thời niên thiếu của Người, các di sản văn hóa phi vật thể về Người cũng được Bảo tàng Hồ Chí Minh thành phố nghiên cứu, sưu tầm, thống kê, góp phần lan tỏa thêm các giá trị tinh thần về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cộng đồng, đóng góp tích cực cho việc xây dựng nền tảng tư tưởng, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp nhân dân hôm nay và mai sau.

Triển lãm "Không gian di sản văn hóa Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế" gồm có 2 phần: Không gian di sản văn hóa lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế; Không gian Gốm nghệ thuật “Huế với Bác Hồ”. Triển lãm có gần 200 tư liệu, hình ảnh, hiện vật giới thiệu về di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế.

Triển lãm giới thiệu đến công chúng và du khách hệ thống di sản vật thể vô cùng quý giá với 20 di tích, địa điểm di tích; trong đó, có 4 di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt và 5 di tích cấp thành phố.

Triển lãm giới thiệu những khúc ca dao, dân ca ca ngợi về Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu truyền tại Huế. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Triển lãm giới thiệu những khúc ca dao, dân ca ca ngợi về Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu truyền tại Huế. Ảnh: Tường Vi/TTXVN

Đặc biệt, triển lãm giới thiệu đến công chúng 2 di sản văn hóa phi vật thể về Người gồm: Nghi lễ và truyền thống mang họ Hồ của đồng bào các dân tộc miền Tây thành phố Huế; Thơ ca dân gian ca ngợi về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công chúng và du khách sẽ được tham gia vào không gian tái hiện thực hành nghi lễ đặt họ Hồ năm 1969 do các nhân chứng lịch sử, nghệ nhân tại huyện A Lưới thực hiện; được nghe các nghệ sĩ, nghệ nhân cất lên những khúc ca dao, dân ca ca ngợi về Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu truyền tại Huế trong những năm kháng chiến và còn mãi đến hôm nay, chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công truyền thống có đề tài về Người.

Triển lãm trưng bày 40 tác phẩm gốm được tuyển chọn từ Trại sáng tác gốm nghệ thuật có chủ đề “Huế với Bác Hồ”, do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội Mỹ thuật thành phố Huế và Trường Đại học nghệ thuật, Đại học Huế tổ chức từ ngày 10/3 đến ngày 10/5.

Triển lãm diễn ra đến ngày 25/8, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh thành phố Huế.

Bình Thuận tổ chức triển lãm ảnh và trồng cây xanh đời đời nhớ ơn Bác Hồ

Ủy ban Măt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội tỉnh, UBND huyện Hàm Thuận Nam tổ chức Lễ ra quân trồng cây xanh năm 2025.

Các đại biểu cắt bảng công trình cây xanh. Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN

Các đại biểu cắt bảng công trình cây xanh. Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Trí khẳng định: Việc trồng cây xanh luôn có vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Cùng với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, việc bảo vệ môi trường sinh thái là hết sức quan trọng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, bảo vệ cuộc sống của người dân. Ông đề nghị Mặt trận và các tổ chức đoàn thể Chính trị- xã hội, cấp ủy và chính quyền địa phương cần tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến đông đảo quần chúng nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây; vai trò, tác dụng to lớn, lợi ích toàn diện, lâu dài, giá trị nhân văn của việc trồng cây.

Ngay sau lễ ra quân, các đại biểu đã trồng 300 cây dầu dọc tuyến đường dẫn lên cao tốc Bắc Nam tại xã Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam) đến nút giao Quốc lộ 1A.

Cũng trong sáng 19/5, các sở, ngành, địa phương ở Bình Thuận ra quân trồng cây xanh hưởng ứng Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Đây là việc làm thiết thực để bảo vệ môi trường, góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của cây xanh và tính cấp thiết của việc trồng cây, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

Xác định việc trồng rừng và phủ xanh thảm thực vật là phương cách bền vững để bảo vệ môi trường sinh thái, thời gian qua, Bình Thuận đã triển khai nhiều phong trào, chương trình, hoạt động trồng cây, trồng rừng. Tỉnh kêu gọi các cơ quan, đơn vị, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lấp nhân dân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh, đưa kế hoạch trồng cây xanh trở thành phong trào thi đua của các cấp, ngành, đoàn thể, khu dân cư, doanh nghiệp... trong tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu trồng mới 10 triệu cây xanh, góp phần hoàn thành mục tiêu “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025” theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ. Tổng diện tích rừng của Bình Thuận là hơn 349.000 ha, gồm rừng tự nhiên gần 297.000 ha và rừng trồng 52.150 ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,08%

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Chi hội Nhiếp ảnh Bình Thuận phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức triển lãm ảnh “Hồ Chí Minh – Chân dung một con người” và “50 năm những nẻo đường đất nước”.

Triển lãm gồm 2 chuyên đề. Trong đó, chuyên đề “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” gồm hơn 60 hình ảnh, tài liệu… phác họa chân dung Bác Hồ từ những góc nhìn khác nhau về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách sống. Công chúng và du khách được giới thiệu những hình ảnh về một lãnh tụ vĩ đại, tận tụy quên mình, kiên trung bất khuất vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, lại giàu lòng bác ái, thanh bạch, dung dị trong cuộc sống đời thường.

Quê hương Bình Thuận vinh dự và tự hào là nơi đã gắn bó với những năm tháng Bác Hồ dừng chân dạy học tại trường Dục Thanh. Triển lãm như một lời tri ân của thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau đối với Bác Hồ, góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Chuyên đề “50 năm những nẻo đường đất nước” gồm 50 hình ảnh là những tác phẩm đã đạt được nhiều giải thưởng, phản ánh đa dạng thành tựu kinh tế - xã hội khắp mọi miền đất nước. Các tác phẩm đã phản án nỗ lực, đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh của các nghệ sỹ nhiếp ảnh Bình Thuận. Họ luôn tìm tòi, học hỏi cái mới, cố gắng phấn đấu để đem đến cho công chúng một bức tranh toàn cục sinh động về cuộc sống bình dị, phong cảnh quê hương, sự nghiệp công nghiệp, hóa hiện đại hóa của địa phương sau 50 năm ngày Thống nhất đất nước và mừng sinh nhật Bác.

Các bức ảnh mang đến cảm nhận sâu sắc về cuộc sống, văn hóa, thiên nhiên, con người và đất nước; qua đó, góp phần quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về sự năng động và vươn mình hội nhập sau 50 năm thống nhất đất nước của Bình Thuận và đất nước.

Triển lãm diễn ra đến hết ngày 31/5 tại Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Thuận.

Tường Vi - Nguyễn Thanh - Hồng Hiếu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nhieu-hoat-dong-y-nghia-nhanky-niem-135-nam-ngay-sinh-nhat-bac-20250519112923349.htm