Nhiều học sinh bị quá tải khi chuẩn bị sản phẩm học tập
Những em là học sinh khá, giỏi thường là những em được bạn bè 'tín nhiệm' để chuẩn bị cho nhóm. Vì thế, áp lực đối với những học sinh này là rất lớn.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực của học trò thay vì truyền thụ kiến thức như trước đây. Chính vì thế, những tiết thao giảng của tổ chuyên môn, nhà trường, hội đồng bộ môn; thi giáo viên giỏi hiện nay mà giáo viên thuyết giảng nhiều thường bị đánh giá thấp không đổi mới phương pháp.
Phương pháp giảng dạy mới hiện nay là giáo viên giao nhiệm vụ, học sinh chuẩn bị bài ở nhà hoặc trên lớp, sau đó học sinh sẽ báo cáo, trao đổi sản phẩm học tập trước lớp và giáo viên kết luận vấn đề là xong một hoạt động trên lớp.
Chính vì được định hướng như vậy nên một số giáo viên đang lạm dụng việc giao nhiệm vụ cho học trò và thuyết trình trên lớp đã dẫn đến tình trạng một bộ phận học sinh gặp khó khăn trong quá trình chuẩn bị bài và tiếp thu kiến thức ở trên lớp.
Nghịch lý ở chỗ, một số giáo viên dạy trên lớp thì áp dụng phương pháp mới nhưng khi dạy thêm thêm ở nhà cho học trò thì lại dạy phương pháp cũ, chủ yếu là thuyết giảng hoặc vấn đáp với nhau.
Nếu giáo viên lạm dụng giao nhiệm vụ sẽ khiến nhiều học sinh gặp khó khăn trong học tập
Theo hướng dẫn tại phụ lục 4- mẫu kế hoạch bài dạy của Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và thực tế giáo viên cũng đã được tập huấn tại module 4: “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh” thì các bước tổ chức thực hiện một hoạt động học được hướng dẫn như sau:
“Giao nhiệm vụ học tập: Trình bày cụ thể nội dung nhiệm vụ được giao cho học sinh (đọc/nghe/nhìn/làm) với thiết bị dạy học/học liệu cụ thể để tất cả học sinh đều hiểu rõ nhiệm vụ phải thực hiện.
Thực hiện nhiệm vụ (học sinh thực hiện; giáo viên theo dõi, hỗ trợ): Trình bày cụ thể nhiệm vụ học sinh phải thực hiện (đọc/nghe/nhìn/làm) theo yêu cầu của giáo viên; dự kiến những khó khăn mà học sinh có thể gặp phải kèm theo biện pháp hỗ trợ; dự kiến các mức độ cần phải hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu.
Báo cáo, thảo luận (giáo viên tổ chức, điều hành; học sinh báo cáo, thảo luận): Trình bày cụ thể giải pháp sư phạm trong việc lựa chọn các nhóm học sinh báo cáo và cách thức tổ chức cho học sinh báo cáo (có thể chỉ chọn một số nhóm trình bày/báo cáo theo giải pháp sư phạm của giáo viên).
Kết luận, nhận định: Phân tích cụ thể về sản phẩm học tập mà học sinh phải hoàn thành theo yêu cầu (làm căn cứ để nhận xét, đánh giá các mức độ hoàn thành của học sinh trên thực tế tổ chức dạy học); làm rõ những nội dung/yêu cầu về kiến thức, kĩ năng để học sinh ghi nhận, thực hiện; làm rõ các nội dung/vấn đề cần giải quyết/giải thích và nhiệm vụ học tập mà học sinh phải thực hiện tiếp theo”.
Với hướng dẫn và được tập huấn như vậy, những giáo viên linh hoạt trong phương pháp giảng dạy, kết hợp cả mới với cũ thì học sinh vừa phát triển được phẩm chất, năng lực, có thể tìm tòi, hoặc tạo cho học sinh tự tin khi trình bày các sản phẩm học tập, cũng như trao đổi với bạn.
Đồng thời, những em không chuẩn bị bài, hoặc chưa được thầy cô gọi trình bày sản phẩm cũng nắm được bài có có cái để ghi vào vở để về nhà xem lại kiến thức.
Tuy nhiên, cũng có giáo viên sẽ áp dụng cứng nhắc phương pháp mới, mỗi bài giảng chỉ ghi vài cái đề mục rồi để học sinh báo cáo, trao đổi với nhau sẽ dẫn đến nhiều em không thể hiểu được bài học. Đặc biệt, những lớp học mà có một số em không tập trung, thường xuyên nói chuyện riêng sẽ không nghe được phần trình bày của bạn mình.
Học sinh có đang bị quá tải trong khâu chuẩn bị bài?
Thực tế cho thấy, khi vận dụng phương pháp dạy học mới đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có nhiều học sinh đang gặp rất nhiều áp lực, nhất là đối với học sinh khi bước vào lớp 10 trong năm học vừa qua và năm học 2023-2024 này.
Bởi, suốt 9 năm học chương trình 2006, các em được học theo kiểu truyền đạt kiến thức của thầy cô, dù cũng có chuẩn bị bài mới nhưng cũng không nhiều. Khi bước vào lớp 10, học chương trình 2018 với lượng kiến thức mới, cấu trúc bài học khác hoàn toàn và tất nhiên phương pháp học tập cũng khác.
Nhiều lớp học bây giờ lắp riêng mạng wifi tại lớp học, giáo viên vào lớp là mở máy, học sinh chuẩn bị sản phẩm học tập ở nhà gửi vào tài khoản cá nhân của thầy, cô giáo, sau đó lên trình chiếu sản phẩm của mình. Tiết học chỉ 45 phút, chỉ một vài hoạt động là đã hết tiết.
Tuy nhiên, để có những sản phẩm học tập thì học sinh phải đầu tư thời gian, công sức ở nhà rất nhiều mới có được. Những em là học sinh khá, giỏi thường là những em được bạn bè “tín nhiệm” để chuẩn bị cho nhóm. Vì thế, áp lực đối với những học sinh này là rất lớn.
Một phụ huynh có con đang học tại một trường trung học phổ thông chuyên chia sẻ: “Hằng ngày, tôi luôn thấy con chuẩn bị bài tập một cách miệt mài, tối nào cũng học đến khuya chưa dám đi ngủ, có hôm đến 2 giờ sáng vẫn thấy con còn ngồi học.
Mỗi buổi học có từ 4-5 tiết nên cũng sẽ có từ 3-4 môn học mà giáo viên giao chuẩn bị bài tập mới, làm bài tập cũ khiến cho các con vô cùng vất vả. Những môn học xã hội còn có thể đọc trước và hiểu sơ sơ để chuẩn bị bài nhưng những môn khoa học tự nhiên quả là nan giải.
Học sinh sẽ lấy ở đâu khi mà các em chưa học? Một là lấy kiến thức từ các lớp học thêm hoặc lên mạng internet chép. Tuy nhiên, chép thì cũng phải nghiền ngẫm vì sau khi trình bày sản phẩm sẽ có những câu phản biện, thắc mắc của các bạn trong lớp”.
Chủ trương hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực cho người học đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018 là đúng, phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, điều mà giáo viên bộ môn cũng cần chú ý là không nên quá lạm dụng giao nhiệm vụ cho học trò quá nhiều.
Giáo viên cũng cần chắt lọc những lượng kiến thức phù hợp, mỗi tiết học chỉ cần giao 1-2 nhiệm vụ và giao luân phiên cho học trò chứ không giao khoán cho tổ, cho nhóm. Nhiều em lấy lý do không biết, không hiểu (mà thực tế có bao nhiêu học sinh hiểu được bài khi chưa học) để thoái thác nhiệm vụ ban cán sự lớp phân công.
Chỉ tội một số học sinh học khá, giỏi, ngoan hiền nên cần mẫn thực hiện nhiệm vụ, rồi đại diện tổ, nhóm lên trình bày ở trên lớp.
Mỗi buổi, mỗi tuần có nhiều môn học khác nhau, học sinh cứ quay cuồng trong vòng xoáy chuẩn bị sản phẩm học tập rất vất vả và áp lực. Công việc được lặp đi, lặp lại quá nhiều sẽ gây quá tải cho học trò và ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của một bộ phận học sinh.
Hơn nữa, lạm dụng trình chiếu, lạm dụng trình bày sản phẩm học tập sẽ có một bộ phận học sinh trong lớp lơ là chuyện học, thậm chí học xong bài mà không hiểu gì vì bạn trình bày, bạn trao đổi và thầy cô chốt lại vấn đề là sang hoạt động khác, bài học khác.
Vì thế, khi hướng tới phát triển phẩm chất năng lực sẽ có một số em tích cực, phát huy được khả năng, năng lực của mình nhưng cũng sẽ có không ít học sinh sẽ đuối dần khi học tập trên lớp, nhất là những học sinh có học lực chưa tốt. Điều này đòi hỏi giáo viên bộ môn cần được linh hoạt nhằm quan tâm đến nhiều đối tượng học trò trong từng lớp học.