Nhiều hội viên 'đổi đời' nhờ các mô hình kinh tế hiệu quả

Triển khai nhiều mô hình kinh tế, Hội LHPN xã Đồng Lạc (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) không chỉ góp phần giảm nghèo, tăng giàu cho địa phương mà còn giúp nhiều hội viên 'đổi đời' nhờ các mô hình kinh tế hiệu quả.

Nhờ làm mô hình kinh tế và được sự giúp đỡ của các cấp Hội phụ nữ tỉnh Phú Thọ, nhiều chị em đã phát triển kinh tế gia đình

Chị Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ - chia sẻ về những mô hình thành công này.

Chị Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ

Chị Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch Hội LHPN xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ

- Được biết, xã Đồng Lạc có nhiều mô hình thoát nghèo, làm kinh tế giỏi. Chị có thể "điểm" qua một vài mô hình mà Hội đã thực hiện trong thời gian qua?

Trong thời gian từ năm 2021 đến nay Hội LHPN xã Đồng Lạc đã triển khai một số mô hình điểm về phong trào công tác Hội, trong đó nổi bật một số hình kinh tế giỏi. Ví dụ nhóm phụ nữ dịch vụ phân bón với 4 thành viên có sự hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách; nhóm thêu chỉ công ty với 7 thành viên; nhóm chăn nuôi gà được hỗ trợ từ dự án Giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi tại vùng miền núi phía Bắc Việt Nam(PALD).

Ngoài ra còn có nhiều mô hình điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình, được hỗ trợ từ vốn tiết kiệm chi hội và vay vốn ngân hàng chính sách như kinh doanh nhỏ lẻ bán hàng tạp hóa về các mặt hàng phục vụ nhu cầu hàng ngày của nhân dân; Mô hình làm nhang và hàng mã; Chăn nuôi lợn nái và lợn bột; Chăn nuôi gà thịt; Salon tóc và làm đẹp...

Hộ nuôi bò Thắng Lợi của chị Nguyễn Thị Hương

Hộ nuôi bò Thắng Lợi của chị Nguyễn Thị Hương

Có thể kể đến một số gương điển hình năm như chị Nguyễn Thị Oanh ở Chi hội Đồng Thi với mô hình phát triển làm nhang hương và hàng mã. Mô hình tạo thu nhập cho 3-5 lao động với 5-6 triệu đồng/người/tháng. Hay mô hình của chị Hoàng Thị Dung ở chi hội Đồng Dân bán hàng tạp hóa và chăn nuôi gà thịt. Chị Trần Thị Khuyên ở Chi hội Đồng Dân là một trong những hộ sản xuất giỏi có thu nhập khá ổn định với 12 con lợn nái và 30 con lợn bột, thu nhập 40-70 triệu đồng cho mỗi lứa.

Xưởng mộc của gia đình chị Nguyễn Thị Thu, chi hội Dân Tiến

Xưởng mộc của gia đình chị Nguyễn Thị Thu, chi hội Dân Tiến

Hay gia đình chị Nguyễn Thị Thanh, Chi hội Đồng Khanh, thực hiện mô hình chăn nuôi bò, dê, lợn lai rừng kết hợp với làm máy sát và xưởng mộc gia đình cho thu nhập cao từ 135 - 175 triệu đồng/năm. Gia đình chị Lưu Thị Tuyết, Chi hội Dân Tiến, với mô hình làm xưởng thu mua túi nylon hiện tại có 10 lao động thu nhập từ 3 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, chị Nguyễn Thị Bình, Chi hội Đồng Tiến, với mô hình salon tóc tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức đã đạt giải Nhất.

- Để đạt được những kết quả như hiện nay, Hội đã tổ chức triển khai như thế nào? Đặc biệt là những "sáng kiến" để các mô hình đạt hiệu quả cao?

Trước khi triển khai các hoạt động Hội, Ban Thường vụ Hội xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Đảng ủy trong triển khai các ý tưởng, mô hình kinh tế. Các mô hình đều được sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy xã Đồng Lạc và Hội LHPN huyện Yên Lập.

Hội thường xuyên họp Ban Chấp hành để triển khai các hình thức bồi dưỡng và nêu gương điển hình về làm kinh tế giỏi trong các cấp hội. Phối hợp với Ủy ban xã trong công tác tạo điều kiện kết nối các nguồn vốn ưu đãi để phát triển ý tưởng khởi nghiệp.

Các ý tưởng hay đều được sự đồng thuận cao của các hội viên và gia đình, sau khi triển khai đều mang lại hiệu quả rõ nét. Các Chi hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia sinh hoạt, hoạt động các phong trào văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao, duy trì các nhóm phường, nhóm tiết kiệm giúp nhau trong đời sống và phát triển kinh tế để hội viên được chia sẻ, động viên nhau cùng làm kinh tế.

- Theo chị việc thoát nghèo tại địa phương còn gặp những khó khăn gì?

Hội duy trì các hoạt động bề nổi như "Chi hội 5K, 3S"; "Xây dựng đoạn đường hoa phụ nữ tự quản"…

Hội duy trì các hoạt động bề nổi như "Chi hội 5K, 3S"; "Xây dựng đoạn đường hoa phụ nữ tự quản"…

Mặc dù xã đã có nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng, song xã Đồng Lạc là xã nghèo của huyện với tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Đời sống nhân dân còn gặp khó khăn, các mô hình tuy có bước phát triển mới nhưng khả năng kết nối và tiêu thụ sản phẩm chưa cao, mới tiêu thụ chủ yếu trong xã và các huyện, xã lân cận, chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ. Sản phẩm làm ra đa phần là từ người nông dân trong khi thị trường đòi hỏi khá cao về quy cách, mẫu mã cũng như sản lượng, chất lượng sản phẩm.

- Trong thời gian tới, Hội có kế hoạch gì để khắc phục những khó khăn còn tồn tại?

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy xã và Hội LHPN huyện Yên Lập, Hội LHPN xã tiếp tục nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, gương điển hình, tập thể dân vận khéo trong hoạt động phong trào. Từ đó phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố mới. Đồng thời duy trì các hoạt động bề nổi như "Chi hội 5K, 3S"; "Xây dựng đoạn đường hoa phụ nữ tự quản"…

- Xin cảm ơn chị!

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhieu-hoi-vien-doi-doi-nho-cac-mo-hinh-kinh-te-hieu-qua-20230506114514711.htm