Nhiều kết quả tích cực trong giải quyết án tồn, án bị hủy

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại, các vụ án thuộc diện này đã được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Khen thưởng 2 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU. Ảnh: CTV

Khen thưởng 2 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU. Ảnh: CTV

Việc thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU cũng đã góp phần hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, chống oan sai và bỏ lọt tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, TTATXH, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương.

Giải quyết cơ bản các vụ án tồn, án bị hủy

Theo lãnh đạo Viện KSND tỉnh, ngay sau khi Chỉ thị 33/CT-TU được ban hành, lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện ở viện KSND cấp tỉnh và cấp huyện. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của viện KSND hai cấp nên hằng năm, Viện KSND tỉnh đều đưa công tác giải quyết các vụ án tồn, án hủy để điều tra, xét xử lại vào kế hoạch công tác; tập trung chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm.

Định kỳ hằng năm, viện KSND phối hợp với các cơ quan tư pháp tiến hành kiểm tra, rà soát, lập danh sách các vụ án tồn, bị hủy để điều tra, xét xử lại chưa giải quyết xong, để Viện KSND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách làm căn cứ tổ chức thực hiện.

Viện kiểm sát chủ động phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử, giải quyết cơ bản các vụ án tồn, án bị hủy, đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra các trường hợp viện kiểm sát truy tố, tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; hạn chế số án mới bị hủy và số vụ bị hủy nhiều lần để điều tra, xét xử lại.

Đối với những vụ án khó khăn, vướng mắc về tội danh, chứng cứ, đường lối xử lý, viện kiểm sát chủ động phối hợp các cơ quan ngành Tư pháp cùng cấp tổ chức họp liên ngành để bàn biện pháp giải quyết. Ngoài ra, viện kiểm sát thường tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm, hội nghị chuyên đề về công tác án hình sự để khắc phục hạn chế, thiếu sót, thực hiện tốt hơn nữa công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU, liên ngành Tư pháp tỉnh nói chung, viện KSND hai cấp nói riêng đã đạt được những kết quả tích cực. 80 vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử với 318 bị can/bị cáo đã giải quyết xong, đạt 100%.

Nhiều vụ án kéo dài, phức tạp từ nhiều năm trước đã được giải quyết, như vụ Nguyễn Kiệm và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở huyện Đồng Xuân xảy ra từ tháng 7/2010; vụ Phạm Văn Vương về tội cố ý gây thương tích xảy ra từ năm 2013; vụ hủy hoại rừng ở huyện Sơn Hòa xảy ra từ năm 2011; vụ Võ Trọng Bình về tội tham ô tài sản xảy ra ở Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh xảy ra năm 2011…

Tăng cường trách nhiệm công tố

Theo Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Huỳnh Ngọc Thanh, Chỉ thị 33-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là kim chỉ nam trong lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp việc giải quyết án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ thị này, thời gian tới, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Viện KSND tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện và thường xuyên đối với công tác giải quyết án hình sự; đưa việc thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU vào chương trình, kế hoạch công tác kiểm sát hằng năm, tổ chức triển khai có trọng tâm, trọng điểm với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt; đề cao hơn nữa trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, lãnh đạo của viện KSND hai cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết án hình sự; xác định chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của ngành.

Bên cạnh đó, viện KSND hai cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề ra các biện pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử, giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại theo luật định.

Đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với các cơ quan tư pháp, Sở Tư pháp, các cơ quan hữu quan tháo gỡ vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản.

Tập trung thực hiện việc kiến nghị, không để các vụ án kéo dài do nguyên nhân giám định, định giá tài sản. Hằng năm lấy kết quả việc giải quyết án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại của từng đơn vị làm tiêu chí chấm điểm và bình xét thi đua, khen thưởng...

Với những thành tích xuất sắc trong việc thực hiện khâu đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, năm 2019, Viện trưởng Viện KSND tỉnh và tập thể Phòng 1 (Viện KSND tỉnh) được Viện KSND tối cao tặng bằng khen. Năm 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen cho 2 tập thể và 1 cá nhân thuộc Viện KSND tỉnh trong việc thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU.

NGỌC QUỲNH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/164/317627/nhieu-ket-qua-tich-cuc-trong-giai-quyet-an-ton-an-bi-huy.html