Nhiều kết quả tích cực từ các chương trình đột phá

Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra nhiều chỉ tiêu quan trọng để phát triển xứng tầm vị trí, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Long An. NQ cũng xác định 3 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm để góp phần giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau hơn 3 năm triển khai, thực hiện, các chương trình đột phá đạt nhiều kết quả tích cực.

Nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62 hoàn thành góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, chỉnh trang đô thị

Nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62 hoàn thành góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, chỉnh trang đô thị

Đột phá về nông nghiệp

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đến nay, diện tích lúa ƯDCNC là 56.142,5ha, đạt 93,6% kế hoạch giai đoạn 2021-2025; diện tích rau ƯDCNC là 1.987,7ha, đạt 99,4% kế hoạch; diện tích thanh long ƯDCNC là 5.302,5ha, đạt 88,4% kế hoạch; diện tích chanh ƯDCNC là 2.946 ha, đạt 98,2% kế hoạch; diện tích tôm ƯDCNC là 45,1ha, đạt 45,1% kế hoạch.

Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong sản xuất nông nghiệp, dần hình thành các vùng chuyên canh tập trung, gắn sản xuất theo chuỗi cung ứng hàng hóa

Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong sản xuất nông nghiệp, dần hình thành các vùng chuyên canh tập trung, gắn sản xuất theo chuỗi cung ứng hàng hóa

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, bên cạnh chỉ tiêu về diện tích, Sở tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Trong đó, về xây dựng cánh đồng lớn vụ Đông Xuân 2023-2024, có 18 doanh nghiệp tham gia với diện tích đăng ký là 16.877ha, 199 cánh đồng/4.956 hộ tham gia, giảm so với vụ Đông Xuân 2022-2023.

Mặc dù diện tích liên kết cánh đồng lớn giảm do một số hợp tác xã, nông dân chuyển cơ cấu cây trồng từ lúa sang sản phẩm khác và tập trung nâng cao chất lượng lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, EU như Hợp tác xã Nông nghiệp Gò Gòn chuyển sang trồng dưa hấu, Hợp tác xã Nông nghiệp Vĩnh Thuận liên kết với Công ty (Cty) TNHH ADC sản xuất lúa theo tiêu chuẩn EU.

Toàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ ƯDCNC trong sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, ngành hỗ trợ áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho 119 cơ sở sản xuất nông sản với tổng diện tích hơn 2.619ha, với 2.238 hộ dân, sản lượng đạt 65.108 tấn/năm, 588.000 con gà đẻ, 1.113 con bò thịt, 100 bò giống và 250 heo nái, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 7,5 tỉ đồng.

Từ Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hiện toàn tỉnh có 38 chuỗi liên kết sản xuất rau, thanh long, chanh, gạo, thịt gà, thịt heo, thủy sản.

Trong đó, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM khảo sát, xây dựng và trao 10 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi; hình thành 291 lượt mã số vùng trồng với tổng diện tích 13.568,98ha phục vụ xuất khẩu.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tỉnh còn đẩy mạnh chuyển đổi số và kết nối thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP như ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu, sản phẩm nông sản an toàn, chuỗi sản xuất sản phẩm nông sản an toàn, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, minh bạch,...

Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong sản xuất nông nghiệp, dần hình thành các vùng chuyên canh tập trung, gắn sản xuất theo chuỗi cung ứng hàng hóa an toàn và vận hành hệ thống kết nối cung - cầu nông sản an toàn, nâng cao hiệu quả sản xuất.

2/8 công trình giao thông đột phá hoàn thành

Xuyên suốt 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (IX, X, XI), việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông luôn được tỉnh quan tâm bằng việc dành nhiều nguồn lực đầu tư.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, ngoài 3 công trình giao thông trọng điểm, Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị vùng kinh tế trọng điểm cũng được xác định là 1 trong 3 chương trình đột phá thực hiện NQ đại hội.

Cụ thể hóa chương trình đột phá, ngành Giao thông Vận tải cũng xác định 8 công trình gồm đường Lương Bình - Bình Chánh, đường Hựu Thạnh - Tân Bửu, Đường tỉnh (ĐT) 826E (đoạn từ giao ĐT826C đến cầu Cần Giuộc), đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E, trục động lực Đức Hòa (đường kết nối ĐT822 - ĐT823 - ĐT823B - ĐT825), ĐT826D (Tân Tập - Long Hậu) đoạn từ Vành đai 4 đến ĐT830, Dự án (DA) Nâng cấp, mở rộng ĐT824 đoạn từ Tua Một đến cầu kênh Ranh và DA Nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được kiểm tra tiến độ công trình đường Lương Hòa - Bình Chánh

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Văn Được kiểm tra tiến độ công trình đường Lương Hòa - Bình Chánh

Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, đến thời điểm này, có 2/8 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm DA Nâng cấp, mở rộng ĐT824 đoạn từ Tua Một đến cầu kênh Ranh và DA Nút giao đường Hùng Vương - Quốc lộ 62.

Trong đó, DA ĐT824 sau khi hoàn thành giúp mở rộng đồng bộ về quy mô mặt cắt ngang toàn tuyến, bảo đảm kết nối giao thông thuận lợi từ ĐT825, ĐT830 đến TP.HCM, tỉnh Tây Ninh, góp phần giảm áp lực giao thông trên tuyến ĐT hiện hữu.

Đặc biệt, với việc tập trung đông công nhân, lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, tuyến đường này còn giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên tuyến vào các khung giờ cao điểm. Ngoài 2 công trình đã hoàn thành, ngày 27/4/2024, Cty Cổ phần Tandoland và Cty Cổ phần Prodezi Long An cũng đã khởi công xây dựng công trình đường Lương Hòa - Bình Chánh, quy mô nền đường 60m, 8 làn xe. Tổng mức đầu tư dự kiến của công trình khoảng 1.250 tỉ đồng từ nguồn huy động vốn doanh nghiệp. 5 công trình còn lại cũng đang trong quá trình thực hiện các bước lập quy hoạch, thiết kế, đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, công trình đường Hựu Thạnh - Tân Bửu đã có hồ sơ thiết kế sơ bộ chờ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để triển khai, thực hiện. Còn trục động lực Đức Hòa (đường kết nối ĐT822 - ĐT823 - ĐT823B - ĐT825), UBND tỉnh có chủ trương giao cho liên danh nhà đầu tư Cty Cổ phần Bamboo Capital - Tổng Cty Xây dựng Số 1 - CTCP - Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển công nghiệp và vận tải tiến hành khảo sát lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức đối tác công tư.

TP.Tân An: Thông tin chủ trương dự án và tham vấn ý kiến cán bộ, đảng viên trong vùng dự án đường Hùng Vương giai đoạn 2

UBND TP.Tân An, tỉnh Long An tổ chức Hội nghị thông tin chủ trương dự án và tham vấn ý kiến của cán bộ, đảng viên trong vùng dự án đường Hùng Vương giai đoạn 2.

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Đặng Hoàng Tuấn, từ việc huy động các nguồn lực đầu tư cho giao thông đã từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông - vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao, tạo động lực phát triển KT-XH, nhất là thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị.

“Khi các công trình giao thông thuộc chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm hoàn thành sẽ tạo sức bật mới cho tỉnh trong phát triển KT-XH, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị, đặc biệt tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh” - ông Đặng Hoàng Tuấn cho biết./.

Bên cạnh những kết quả tích cực từ 2 chương trình đột phá về giao thông và nông nghiệp, đối với Chương trình Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh, các sở, ngành và địa phương đang tích cực triển khai, thực hiện theo kế hoạch, cơ bản đạt tiến độ đề ra; phấn đấu đến năm 2025, có 75% lao động đã qua đào tạo, trong đó có 35% phải có bằng cấp, chứng chỉ được đào tạo.

Giai đoạn 2020-2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tuyển sinh 115.000 lao động, bình quân đào tạo khoảng 23.000 lao động/năm, gồm: Hệ cao đẳng 5.000 người, trung cấp 15.000 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng khoảng 95.000 người.

Lĩnh vực công nghiệp, các ngành nghề đào tạo phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp như năng lượng, cơ khí, điện tử, tự động hóa, chế biến; trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề đào tạo tập trung vào thú y, trồng trọt, thủy sản ƯDCNC bảo đảm về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp ƯDCNC.

Kiên Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhieu-ket-qua-tich-cuc-tu-cac-chuong-trinh-dot-pha-a177340.html