Nhiều khó khăn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương, đặc biệt là khu vực vùng cao, đã giúp nhiều gia đình có thêm kiến thức áp dụng vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, việc đào tạo cũng bộc lộ không ít khó khăn, bất cập.

Năm 2018, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Bắc Hà có 1 lớp dạy nghề về chăn nuôi tại xã Bản Phố, nhưng khi tuyển sinh, cán bộ của trung tâm và UBND xã Bản Phố đã khảo sát nhu cầu tại các thôn và nhận thấy không thể mở lớp vì không có người đăng ký học. Ông Phạm Đình Thụy, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Bắc Hà cho biết: Điển hình là tại thôn Phéc Bủng của xã Bản Phố, khi đến tuyển sinh thì hầu hết các hộ không có người trong độ tuổi lao động ở nhà, do đi làm thuê xa. Vì tuyển sinh không đủ số lượng nên không thể mở lớp.

Người lao động có tay nghề không đồng đều nên năng suất lao động thấp.

Người lao động có tay nghề không đồng đều nên năng suất lao động thấp.

Ở Bắc Hà hằng năm đều mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn nhưng chủ yếu ở các xã vùng thấp, còn ở các xã vùng cao như Bản Phố, Hoàng Thu Phố, Tả Van Chư, Lùng Cải, Bản Già, Tả Củ Tỷ… rất khó mở lớp vì không thể tuyển sinh. Một nguyên nhân khác là ở các xã vùng cao, trước đây đã có nhiều người được học nghề nhưng sau đó không áp dụng được vào thực tế và khi có nhu cầu học nghề mới lại không được hỗ trợ vì theo quy định, mỗi người chỉ được hỗ trợ học 1 nghề.

Năm 2019, huyện Sa Pa được giao mở 1 lớp dạy nghề nuôi cá nước lạnh nhưng khi khảo sát cũng không thể mở lớp vì người dân không đăng ký học. Nguyên do là việc đầu tư để nuôi cá nước lạnh có chi phí lớn, không phải ai cũng có thể đầu tư. Mặt khác, người dân chủ yếu đi làm thuê trong các trại cá nên khi gia đình nuôi, họ thường dựa vào kinh nghiệm và không có nhu cầu học.

Ông Đỗ Văn Cốt, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Sa Pa cho biết: Dạy nghề nuôi cá nước lạnh rất khó khăn đối với giảng viên của trung tâm vì hiện nay chưa đâu có giáo trình về nghề này và trung tâm không thể tự biên soạn do liên quan đến kinh phí và nhiều yếu tố khác. Không chỉ dạy nghề cá nước lạnh mà thời gian gần đây, việc dạy nghề khác cho lao động nông thôn nảy sinh nhiều khó khăn khác như tỷ lệ chuyên cần lớp học thay đổi thường xuyên do người dân còn phải đi làm; trình độ của người học không đồng đều. Đặc biệt, mức hỗ trợ giảng viên xuống xã giảng dạy là 35 nghìn đồng/tiết học, trong khi nếu mở lớp tại trung tâm huyện thì người dân sẽ không đến vì phải di chuyển xa, phải tự lo chỗ ăn, nghỉ và công việc gia đình thiếu người làm. Khoảng 3 năm gần đây, tại Sa Pa có nhiều người muốn học nghề du lịch, nhưng do trung tâm đang thiếu giảng viên, phải thuê giảng viên ngoài nên công tác đào tạo bị ảnh hưởng. Cũng vì nguyên do này mà theo kế hoạch năm 2019, huyện Sa Pa có 2 lớp học về du lịch nhưng đến nay vẫn chưa thể mở lớp.

Trao đổi về khó khăn trong dạy nghề cho lao động nông thôn, ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan tham mưu và tổ chức dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong tỉnh cho biết: Việc khó tuyển sinh là do quy định về tuổi học nghề là tuổi lao động, mà lao động chính trong gia đình khó có thể học vì thời gian học kéo dài; các cơ sở đào tạo nghề còn thiếu cơ sở vật chất, vật tư thực hành, máy móc, địa điểm để người học thực tế; kinh phí để mở lớp còn hạn chế. Để khắc phục bước đầu về khó khăn trong đào tạo nghề, sở có chỉ đạo việc mở lớp dạy nghề phải qua rà soát và lập danh sách đăng ký trước tại địa phương. Như năm 2018, rà soát, đăng ký cho năm 2019 và lớp học sẽ được mở theo nhu cầu của người dân và địa phương. Còn về kinh phí và cơ sở vật chất, sở đã có kiến nghị lên cấp trên để xem xét trong thời gian tới.

Đức Toàn

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/nhieu-kho-khan-trong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-z36n20190920161824262.htm